Thư gửi từ nơi xa


 

Lại một năm nữa trôi qua…

Đây hẳn là lần thứ ba tôi đón tết xa nhà. ở cái tuổi 30, tôi không còn ở độ tuổi mê chơi, ham ăn Tết, thích nhận lì xì. Tôi cũng không còn những phút yếu lòng, muốn được gần bên gia đình nữa. Nhưng thật , mỗi ngày Tết đến là lòng tôi lại nôn nao nhớ về những kỷ niệm, những phút giây êm đềm đón giao thừa ở quê nhà…

Tết ở xứ Mỹ này thật tẻ nhạt. Đường phố vắng bóng người qua lại. Khi màn đêm buông xuống, bốn bề tĩnh mịch càng làm cho người Việt xa quê nhớ đến cái Tết ở quê nhà. Ngày Tết của người Mỹ cũng vậy. Đường xá vắng tanh, không một bóng người. Bạn không hề cảm nhận được không khí rộn ràng, tấp nập đi mua sắm, chuẩn bị Tết như ở Việt Nam. Tôi ở Tây Virgina, thuộc miền Đông Hoa Kỳ, vào tháng một, tháng hai, khí hậu thật lạnh, tuyết rơi thật nhiều. Có khi tuyết rơi vào những ngày Tết và thường thì không ai thích ra ngoài trong khí hậu lạnh giá như thế. Người Mỹ thường tụ tập trong gia đình vào ngày Lễ Tạ Ơn, giáng sinh và năm mới.

 

 

 

Nơi tôi ở không có nhiều người Việt sinh sống. Người Việt thường thích ở những nơi ấm áp. Cũng có nhiều người Việt, đa số là trí thức sinh sống và làm việc ở Virgina. Nhưng tại cái thành phố nhỏ bé này, người Việt hầu hết là du học sinh. Chúng tôi thường tụ tập thành nhóm bạn, mua champagne, nấu một vài món ăn Việt và cùng nâng ly chúc mừng năm mới. Có một lần, cả nhóm quyết định đi mua một chai Champagne để mừng năm mới. Đêm giao thừa, chúng tôi lái xe đến Pullman Square gần nhà, chụp vài tấm hình và định mở Champagne để cùng “nhậu” với nhau. Một chút lo ngại về luật pháp, bạn tôi chạy đến hỏi ông cảnh sát đứng gần đó, rằng liệu chúng tôi có thể khui Champagne ở đây không, và nhận được câu trả lời: “Tôi rất tiếc, luật pháp không cho phép khui Champagne ở nơi công cộng!”. Cả đám đành quay về nhà, tiếc! Cả đám lục tục về nhà, xúm vào mở chai rượu, nhưng hì hục cả buổi vẫn không sao mở được, đành chạy ra ngoài cửa xem có bạn nam nào đi ngang qua để nhờ khui dùm. Chai rượu được mở ra. Cả đám cười như hội!

 

Hội sinh viên Việt Nam tại trường hằng năm vẫn tổ chức Tết cho sinh viên Việt Nam. Anh chủ tịch Hội phải lái xe đến chợ Việt Nam cách khoảng 3h đi xe mới mua được bánh chưng, nhưng tất cả đều vui vì có thể mang đến thứ bánh không thể thiếu trong ngày Tết cho tất cả các bạn sinh viên Việt Nam. Các món ăn Việt Nam truyền thống cũng được phục vụ trong ngày này. Chúng tôi thích nhất là món thịt kho nước dừa, món ăn không thể thiếu đối với người miền Nam. Một số bạn bè Mỹ cũng tham gia chung với chúng tôi. Người Mỹ rất thích ăn bánh chưng Việt Nam, đặc biệt họ rất thích món chả giò. Tôi trộm nghĩ, nếu chúng ta có thể quảng bá những món ăn truyền thống này đến với các bạn bè thế giới, đó sẽ là một ngành kinh doanh đầy tiềm năng. Sau một đêm tiệc tùng, rộn rã tiếng cười. Chúng tôi ai lại về nhà nấy. Những bồi hồi nhớ về khoảnh khắc giao thừa tại quê nhà lại ùa về. Còn nhớ, khi còn ở Việt Nam. Đến ngày Tết, chúng tôi lại trang hoàng nhà cửa, cùng mẹ đi mua những chậu hoa cúc, hoa mai thật đẹp về chưng trong nhà. Năm nào tôi cũng là người cắm hoa và chưng mâm ngũ quả cúng ông bà. RỒi lại tất bật với nồi thịt kho. Tuy tất bật cả ngày nhưng thật vui. Rồi những ngày sau đó, cùng với em gái, chúng tôi diện những bộ đồ mới đi chúc Tết ông bà, thầy cô, đi thăm bạn bè. Và hơn thế nữa, những củ kệu, dưa món làm cho món bánh chưng thật tuyệt vời. Ước gì tôi có được tất cả những điều này ở tại đây, vùng Tây Virgina lạnh rét!

 

Có đi xa mới biết được những khoảnh khắc đáng quý trong văn hóa dân tộc. Giờ đây, khi không có nó, chúng tôi càng trân trọng những khoảnh khắc đó. Món bánh chưng ở đây, dù thế nào đi nữa, tôi vẫn thấy không ngon như ở quê nhà, thiếu mất chất Việt. Và hơn thế nữa, tôi muốn được chứng kiến những rộn ràng, những chuẩn bị, những tấp nập, những nghi thức Tết hướng về cội nguồn ở quê nhà. Xuân Canh Dần 2010, cũng là cái Xuân mẹ tôi 60 tuổi. Kính chúc sức khỏe của mẹ và ba; và cho những người Việt Nam ở quê nhà hay ở khắp thế giới có được một mùa xuân mới an lành, thành công và hạnh phúc!

Quân Đỗ