Ra Huế ghé Phá thăm Truông

zHành trình ghé Phá Tam Giang


Trời còn tối mịt, cô bạn đồng nghiệp đã réo tôi dậy để canh và chụp ảnh Phá Tam Giang trong buổi bình minh, liếc nhìn đồng hồ, chỉ mới 3h30’ sáng. Sau 20 phút chuẩn bị chúng tôi leo lên chiếc xe Honda và bắt đầu cuộc ngao du.


Không khí của Huế thật lạ, mùa hè ban ngày nóng như đổ lửa nhưng đêm thì se se lạnh rất nhanh. Dù đã xốc cao cổ áo nhưng tôi vẫn rùng mình nghe từng cơn gió thổi rì rào đầy hơi nước. Phải một lúc suy nghĩ tôi mới  hiểu được tại sao về đêm Huế lại trở gió lạnh nhanh. Chính hệ thống đầm phá mênh mông đã phả hơi nước vào không trung đã làm dịu cơn nóng gay gắt của ban ngày đồng thời hơi nước bốc lên tạo nên màn sương mù huyền ảo lung linh ánh sáng cầu vồng khi mặt trời thức dậy. Tất cả đã làm nên một quanh cảnh tuyệt đẹp cho buổi  bình minh lên và hoàng hôn xuống.


Kim Thanh – cô bạn đồng hành đã vài lần viếng thăm vùng đất này rạch ròi giảng giải: “Phá gần như là một phương ngữ chỉ về một vùng được hình thành do sự bồi đắp của các bãi cát hoặc các dãy đá dọc theo vùng nước nông duyên hải”. Ở Việt Nam, phá Tam Giang được xem là phá lớn nhất cả nước với diện tích lên đến 52km2 và trải dài đến 24km trải dài từ cửa sông Ô Lâu đến cửa Sông Hương và mở ra cửa biển Thuận An. Nơi đây mặt nước có độ sâu từ 4-7m và được xem là vựa hải sản khổng lồ nuôi sống cuộc đời của hàng vạn ngư dân gắn cả cuộc đời mình lênh đênh trên phá!


Tới nơi, tôi thả bộ lang thang ngắm cảnh lẫn việc đi tìm “thổ địa” hỏi han lung tung. Mặt trời chuẩn bị thức dậy. Lúc này những tia rẻ quạt màu hồng phơn phớt đang đẩy lùi màu tím sẫm của nền trời… Phá Tam Giang lần hiện rõ, mơ ảo và mong mong…
 

Lang thang Rú Chá và tìm Truông Nhà Hồ

Mê mẩn ngắm Phá và tranh thủ chụp hình xong chúng tôi xuống thuyền đi thăm Rú Chá. Khoảng hơn 1 giờ bềnh bồng trên mặt nước, Rú Chá hiện ra trước mặt. Bây giờ tôi mới hiểu rõ từ “Rừng rú” vì người miền Trung phân biệt rừng là trên cạn còn Rú là rừng ngập mặn tức các loại cây chuyên sống trong nước và đầm lầy. Tuy nhiên ở phá Tam Giang vì độ mặn tương đối ổn định và đất lại nông nên tại đây chỉ bạt ngàn là Chá (một loại cây được gọi là hậu duệ của Mắm, Đước, Tràm, đây cũng là điểm đặc biệt của Phá so với các  rừng ngập mặn  khác như Cần Giờ, U Minh, Cà Mau… Khi  thả bộ trong rừng Chá tôi rất thú vị và cảm giác như đi giữa vườn cây xanh tươi!


 Rời khỏi Rú Chá chúng tôi chạy xe suốt chiều dài của Phá và nhận ra có rất nhiều chùa, đình làng và nhà thờ họ nép mình dưới bóng hàng trứng cá đung đưa nghiêng nghiêng hoặc soi bóng bên dòng nước. Lẩm nhẩm tôi đếm và thấy cách vài nhà lại có một ngôi nhà thờ tổ hoặc một miếu thờ dù xây dựng tuy nhỏ nhưng rất cầu kỳ và màu sắc rực rỡ. Lăng mộ thì khỏi phải bàn, có thể nói mỗi lăng mộ gần như là một ngôi nhà riêng biệt với kiểu dáng và cách bài trí khác nhau, có ngôi mộ như những tòa biệt thự khang trang, số  khác có hẳn sân vườn, rồi cả đèn đuốc thắp sáng khiến người đi qua có cảm giác đi lạc vào một “thành phố Lăng tẩm”. Cuộc sống “Dương sao âm vậy” dường như quá đúng với mảnh đất này.
Nhưng thú vị nhất là ở Phá Tam Giang có rất nhiều đặc sản quý hiếm mà chỉ ở đây mới có. Cá, mực, tôm, ghẹ tươi roi rói và nháy tanh tách, thịt thơm ngọt. Món cá hấp đã ngon, ngao cũng không kém phần thơm ngọt dù ngao ở vùng phá này nhỏ hơn ngao ngoài biển. Ghẹ đặc biệt nhỏ chỉ bằng 3 ngón tay, nhưng ngọt, chắc và  còn về giá cả  thì rẻ hơn nhiều so với lúc tôi thưởng thức ở Hội An hay Đà Nẵng.

 Rời Phá Tam Giang cuộc ngao du của chúng tôi đi tìm địa danh Truông Nhà Hồ cho đủ câu ca:


“ Nhớ em anh cũng muốn vô
Sợ Truông Nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang”


Con đường miệt mài xa tít và chúng tôi chạy lạc qua địa phận tỉnh Quảng Bình, hỏi thăm dân địa phương và nhận được nhiều cái lắc đầu “không biết” chân chất giản đơn. Lần mò mãi cuối cùng tôi mới biết, Truông nhà Hồ nay không còn nữa, nơi đây giờ đã trở thành một thị tứ yên vui đông đúc người dân tụ họp. Tuy vậy, tôi cũng có cơ hội để hiểu từ “truông” mang ý nghĩa là một vùng đất hoang vu rộng lớn mênh mông cây cỏ bạt ngàn. Ở đây, tôi cũng được nghe một câu chuyện ngắn về địa danh này: Xa xưa, khi đất nước ta còn chưa mở mang bờ cõi thì Truông là khu vực để bọn cướp lộng hành và ở Truông nhà Hồ (thuộc tỉnh Quảng Bình hiện nay) đã ghi dấu công ơn của vị quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng nổi tiếng thông minh. Ông là người đã dẹp được cướp dữ ở Truông và cũng là người thiết kế điều chỉnh luồng chảy trên phá Tam Giang để tránh những cơn sóng lớn bất ngờ ập tới.


Một ngày bôn ba trên con đường thiên lý ghé Phá thăm Truông đã làm chúng tôi mệt nhoài và ao ước được ngủ say ngay lập tức. Chú “ngựa sắt” cần mẫn đưa chúng tôi quay trở lại cố đô kinh thành, tôi ngoái xem - phá Tam Giang đã tan trong màn đên đen không còn nhìn thấy nữa, chỉ còn lác đác ánh đèn của những thuyền câu ẩn hiện xa xa giống như muôn vì sao lạc trên trời trong khoảng mênh mông yên tĩnh!
 

Xa xưa, khi đất nước ta còn chưa mở mang bờ cõi thì Truông là khu vực để bọn cướp lộng hành và ở Truông nhà Hồ (thuộc tỉnh Quảng Bình hiện nay) đã ghi dấu công ơn của vị quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng nổi tiếng thông minh. Ông là người đã dẹp được cướp dữ ở Truông và cũng là người thiết kế điều chỉnh luồng chảy trên phá Tam Giang để tránh những cơn sóng lớn bất ngờ ập tới.

 

Quỳnh Dương