Quan điểm nêu trên được Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra tại Hội thảo "Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành - Cần một cái nhìn khách quan, trung thực và xây dựng" ngày 14/5 tại TP HCM.
Với tham luận "Tầm nhìn phát triển và tư duy cơi nới", ông Trần Đình Thiên cho rằng, dự án xây dựng sân bay Long Thành gắn với tương lai của đất nước, mang tầm nhìn chiến lược chứ không chỉ là kế hoạch 5 năm, 10 năm. "Chúng ta cứ lấy cái bức xúc, khó khăn hiện tại mà đo đếm hoặc chủ yếu dựa vào đó là không đủ. Muốn biết dự án có nên triển khai hay không, cần phân tích lợi hại dựa trên lập trường tổng thể, chứ không phải cục bộ", ông Thiên nói.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng không thể lấy tư duy cơi nới để tính toán một dự án như Long Thành. Ảnh: H.C. |
Để đưa ra được lựa chọn, chuyên gia này cho rằng điều cần nhất minh bạch thông tin, "càng công khai càng tốt". "Một dự án kinh tế luôn đi kèm sự đánh đổi, việc tranh luận về dự án phải dựa trên lợi ích tổng thể của đất nước", ông nói.
Trước những ý kiến cân nhắc giữa mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất với xây mới Long Thành, ông Thiên cho rằng sân bay hiện tại tại TP HCM có nới ra gấp đôi cũng chỉ là xây thêm một nhà ga, không thể có một sân bay tầm cỡ, một tổ hợp dịch công nghiệp, dịch vụ, trung tâm logistics lớn. "Theo kinh nghiệm những sân bay quốc tế, các nước đi sau đều làm to và mới hơn so với hiện tại, chứ ít ai cơi nới", Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích.
Chia sẻ quan điểm cần minh bạch thông tin, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn kỹ thuật hàng không (Đại học Bách Khoa TP HCM) - đề nghị làm rõ hai vấn đề quan trọng của sân bay Long Thành là quy mô và thời điểm xây dựng.
"Dự án sân bay Long Thành chưa có nghiên cứu tiền khả thi, đồng thời chưa có sự phân tích rõ ràng về tài chính để xây dựng dự án. Khi làm cũng chưa xác định cho rõ số phận của Tân Sơn Nhất như thế nào, có hoạt động song song với Long Thành hay xóa sổ nó", ông Tống nói và cho rằng dự án vẫn thiếu cơ sở khoa học, thiếu ý kiến phản biện mà dựa hoàn toàn vào thông tin của công ty tư vấn Nhật Bản.
Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Đình Bá (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) cho rằng, nếu Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) có thể lo đủ kinh phí thì dự án không mở rộng thảo luận "Nhưng đây là tiền của người dân. Nếu thất bại ai sẽ chịu trách nhiệm?", vị này đặt câu hỏi.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu cho biết việc chuẩn bị dự án Long Thành đã được thực hiện rất nghiêm túc và vẫn trong quá trình điều chỉnh. "Chúng tôi khẳng định chọn Long Thành là vì sự phát triển của ngành hàng không. Số liệu đưa ra là chính thức, có trách nhiệm, được công bố quốc tế để làm cơ sở cho sự phát triển của ngành", ông Tiêu nói.
Theo Thứ trưởng, dự án mới ở giai đoạn tiền khả thi, các ý kiến về hiệu quả kinh tế và xã hội sẽ được lưu ý và tính toán ở giai đoạn sau, nếu được Quốc hội thông qua. "Trong trường hợp có sân bay Long Thành thì vẫn sử dụng Tân Sơn Nhất song song. Còn đến giai đoạn 2030-2035 có dùng Tân Sơn Nhất nữa hay không thì để thế hệ sau tính toán, vì chúng ta không biết được, điều này không có gì là mơ hồ cả", ông Tiêu cho hay.
Chia sẻ thêm về địa điểm Long Thành (Đồng Nai), Cục trưởng Cục Hàng không - Lại Xuân Thanh cho biết vị trí này từng được tính toán từ rất lâu."Từ trước năm 1975, chính quyền Sài Gòn cũ đã bắt đầu nghiên cứu một số vị trí để xây dựng sân bay mới, trong đó có Long Thành", ông Thanh nói.
Theo Cục trưởng, sân bay Long Thành nếu được xây dựng, có thể đảm bảo giải quyết được hạn chế tổ chức vùng trời mà Tân Sơn Nhất đang gặp phải, khai thác được tối đa năng lực phục vụ của cấu hình đường cất hạ cánh. Ngoài ra, sân bay cũng giảm được ô nhiễm tiếng ồn, khí thải, các nguy cơ về an toàn hàng không, đảm bảo khai thác 24/24 giờ.
Dự án Sân bay Long Thành dự kiến được triển khai xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với diện tích đất thu hồi lên đến 5.000ha. Dự kiến sau khi hoàn thành giai đoạn I vào năm 2025, với số tiền 7,8 tỷ USD sân bay này sẽ đạt công suất mỗi năm 25 triệu khách. Giai đoạn II theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào 10 năm sau đó, nâng công suất lên gấp đôi. Trong khi theo thiết kế, công suất tối đa sau khi hoàn tất của sân bay này đạt 80-100 triệu khách mỗi năm vào sau năm 2050. Khi đó, tổng kinh phí dự kiến khoảng 18,7 tỷ USD. Dự án đã nhiều lần được báo cáo các cơ quan Trung ương và dự kiến sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới. |
Nguồn: vnexpress