Sức hút kỳ lạ của một loài chim

TỪ BỒ CÂU KIỂNG…

Trước đây, khi phong trào nuôi chim bồ câu bắt đầu phát triển mạnh tại Sài Gòn thì người ta mới đi tìm hiểu về các loài bồ câu và bồ câu kiểng là lựa chọn đầu tiên mà người chơi hướng đến.  Bồ câu kiểng có rất nhiều loại trong đó riêng giống bồ câu Việt Nam cũng đã có trên chục loại chưa kể các giống bồ câu của nước ngoài. Thật vậy, nhìn vào trang trại của anh Hoàng chúng ta mới thấy hết được sự đa dạng của các giống loài, trong đó những loài mà người chơi chuộng nhất: Bồ Câu Bi (Việt Nam), Xòe Nhật, Thổi Kèn, Vảy Cá, Sư Tử, Ông Thọ, Cánh Màu, Titan, Hỏa Tiễn… Trong rất nhiều các loài bồ câu của Việt Nam thì bồ câu Bi được ưa chuộng nhất. Có nhiều “truyền thuyết” khác nhau về xuất xứ của Bi nhưng trong giới chơi chim bồ câu đều cho rằng bồ câu Bi có nguồn gốc từ người Hoa (sống ở Việt Nam) và nó là giống lai giữa con Chạp và con Thơ. Không giống như những giống bồ câu khác, bồ câu Bi chỉ có màu đen với mũi to và mõm ngắn. Trong khi đó, Sư Tử lại trái ngược hoàn toàn với rất nhiều màu sắc sặc sỡ, gọi là Sư Tử vì giống bồ câu này có bờm giống như sư tử, còn bồ câu Vảy Cá có phần lông ở hai bên cánh xếp giống như vảy cá. Ngoài bồ câu Vảy Cá thì Sư Tử và Xòe Nhật hay Bi cũng được rất nhiều dân chơi ưa chuộng. “Gọi là Xòe Nhật vì giống bồ câu này có đuôi xòe ra như đuôi công và có nguồn gốc từ Nhật. Xòe Nhật có nhiều màu nhưng người chơi chuộng nhất là màu trắng và khi nuôi thì phải nuôi trên chục con nhìn mới đẹp.

… ÐẾN BỒ CÂU ÐUA

Khi phong trào nuôi bồ câu kiểng dần lắng xuống thì bồ câu đua bắt đầu nở rộ, dù có xuất phát điểm sau so với bồ câu kiểng, nhưng phần lớn những tay chơi chim bồ câu hiện nay đều thích bồ câu đua. Anh Kiên cho biết: “Bồ câu đua bắt đầu xuất hiện vào những thập niên 60 của thế kỷ trước và phong trào này bắt đầu nhen nhóm ở Hải Phòng và giống chim đua ngày xưa là chim Bắc hối (chim đưa thư) từ những người Hoa mang vào nước ta”. Sau này phong trào đua chim bồ câu bắt đầu lan rộng ra và trở thành một ngày hội thật sự, nhất là vào những dịp Tết đến xuân về. Trong giới chơi bồ câu đua hầu như tất cả đều đồng ý bồ câu của Bỉ là có khả năng bay tốt nhất, sau đó là Anh, Pháp, Mỹ… So với bồ câu ta, thì bồ câu của Thái, Bỉ, hay Pháp có khả năng bay và “trí nhớ” tốt hơn. Nếu bồ câu ta chỉ có thể bay về nhà trong phạm vi chừng 100km thì những giống bồ câu ngoại lại có khả năng về đến tổ của mình ở khoảng cách khoảng 700km và tốc độ bay cũng nhanh hơn.

 

Khác với bồ câu kiểng, bồ câu đua có vẻ ngoài không có gì đặc sắc ngoài dáng to, khỏe, sải cánh rộng, thì đặc điểm để nhận biết bồ câu đua nhất chính là màu lông của chúng. Theo những người chơi chim lâu năm cho biết thì bồ câu đua thường có màu xì tỉm (xanh chấm đen), màu pho (màu nâu) và màu kỳ lân (chấm muối tiêu) và ở Việt Nam chim bồ câu đua thường chỉ có ba màu lông chủ đạo trên. Tuy nhiên, tại các quốc gia phương Tây thì màu lông đen hay các màu khác vẫn có thể đua, vấn đề là do điều kiện thời tiết và khí hậu của Việt Nam không phù hợp với các giống bồ câu có màu lông khác. Chim đua cũng có nhiều giá khác nhau có cặp chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng nhưng đối với nhưng con chim bồ câu có thành tích cao tại các giải đua thì giá của chúng có thể lên đến vài chục triệu một con.

NGHỀ CHƠI CŨNG LẮM CÔNG PHU

Dù là bồ câu kiểng hay bồ câu đua thì người chơi cũng phải quan tâm đến khâu chăm sóc, ăn uống và huấn luyện chúng. Bồ câu kiểng dù chỉ nhốt trong lòng hoặc thả quanh nhà thì khâu chăm sóc chúng cũng rất vất vả. Anh Hoàng cho biết: “Ðối với những người chơi bồ câu số lượng ít và có điều kiện thì thức ăn cho chim bồ câu kiểng thường là đậu xanh, ngũ cốc, bắp, lúa mì… nhưng phải đúng khẩu phần và tỉ lệ. Lồng nuôi bồ câu kiểng thì không cần quá cầu kỳ những phải giữ cho sạch sẽ và thường xuyên kiểm tra sức khỏe”. Vừa nói, anh Hoàng đưa tay về hướng tủ thuốc trong trang trại của mình. Nếu muốn bồ câu khỏe, mỗi tuần người chơi phải tắm cho chim một lần và vệ sinh chuồng trại. Trái ngược với chuồng bồ câu kiểng, chuồng bồ câu đua đòi hỏi phải rộng và cao hơn và kích thước thường là dài 2,5m ngang 3m và cao khoảng 2m. Ðặc biệt, khi cho chim bồ câu ăn là chỉ cho ăn trong chuồng để chúng có thói quen và chuồng thường được thiết kế theo kiểu vào được mà không ra được. Ngoài khẩu phần ăn và lượng thức ăn đã định sẵn người nuôi còn phải bổ sung chất khoáng và chất dầu (thường là dầu cá) để cho lông mượt.

Ðể những chú chim bồ câu có thể bay được hàng trăm cây số và nhớ chính xác đường về ngoài chế độ chăm sóc và ăn uống thì khâu huấn luyện cũng không kém phần quan trọng. Bồ câu đua thì phải nuôi từ lúc còn là chim non, sau khi biết ăn và bập bẹ bay thì bắt đầu tập luyện cho chúng biết xác định phương hướng và khoảng cách càng ngày càng xa. Lúc đầu có thể từ vài cây số đến vài chục cây số, nhưng sau đó phải lên hàng trăm cây số. Do đó, người chơi phải đưa chúng đi thật xa rồi thả chúng để chúng tìm đường quay về. Khi chúng quay về được thì lúc đó người chơi mới có một chú bồ câu đua thật thụ. Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp người chơi phải ngậm ngùi khi thấy những chú chim của mình không về như mong đợi.

Còn gì vui hơn khi giữa cuộc sống tấp nập và bận rộn được nhìn thấy những chú chim bồ câu với đủ màu sắc, hình dáng khác nhau đi lại và bay lượn trong nhà. Còn gì thú vị hơn khi thả một chú chim bồ câu ở Bình Ðịnh chỉ vài giờ sau thì thấy chúng có mặt tại Sài Gòn và kêu ầm lên đòi ăn. Không chỉ là loài chim mà bồ câu còn thể hiện sự trung thành với chủ nhân, với mái ấm và ngôi nhà mà chính tay chủ nhân đã xây dựng cho mình.

 

(Theo Tạp chí Du lịch và Giải trí)