Sưu tầm máy nói

Khởi nguồn cho thú vui sưu tầm


Như thấu hiểu được thắc mắc của phóng viên, vừa kệ nệ mang những chiếc radio với đầy đủ kiểu dáng, màu sắc, xuất xứ… ra cho chúng tôi xem và kiểm nghiệm, anh Trường bộc bạch: “Thuở nhỏ, gia đình tôi sinh sống ở Long An, đời sống bưng biền vất vả. Tài sản quý giá nhất của gia đình lúc đó chỉ là chiếc radio sản xuất năm 1960. Nhờ chiếc radio này mà anh em chúng tôi luôn có những thông tin cần thiết chi việc học tập và sinh sống. Hồi ấy, cha tôi thường xuyên nghe đài để nắm thông tin rồi truyền đạt lại cho anh em chúng tôi. Năm tôi khoảng 10 tuổi, chiếc raido bị cháy, cả nhà tôi khóc như mưa. Cha tôi thì ngã bệnh vì mất đi một “người bạn” thân quý. Lúc ấy, tôi khát khao sau này sẽ tìm lại cho cha chiếc raido mới. Bảy năm sau, trong dịp tình cờ tôi tìm mua được chiếc radio giống hệ chiếc máy năm xưa của người bán ve chai. Gia đình tôi vui lắm, nhất là cha. Nụ cười của ông còn in sâu trong trí nhớ của tôi đến giờ, có lẽ vì thế mà tôi mê mẩn luôn việc sưu tầm những chiếc radio ròng rã suốt 20 năm nay không hề mệt mỏi”.



Vừa kể anh vừa dẫn chúng tôi đến gian phòng cất chứa bộ sưu tập khổng lồ của anh. Những chiếc radio lớn bé được xếp hàng ngay ngắn, đủ nhãn hiệu: Orionton, Telefunken, Philips, Zenith, Westinghouse. Gần 1.000 chiếc máy! Chỉ trong vòng 20 năm mà anh đã có trong tây bộ sưu tập khổng lồ. Đây không phải là điều đơn giản và ai cũng có thể làm được!

Bộ sưu tập độc nhất vô nhị.


Dọc hai bên tường là những kệ radio được chủ nhân cẩn trọng lau chùi và trưng bày rất gọn gàng. Chiếc radio “trẻ” nhất cũng hơn 50 năm tuổi, những chiếc khác thì đến 70, 80 thậm chí là cả trăm tuổi trở lên. Trong bộ sưu tập của anh có những chiếc thuộc về hàng “khủng” về kích thước. Có chiếc rất to bằng chiếc tủ nhưng cũng có chiếc chỉ bé bằng hộp diêm quẹt, có chiếc hình hột xí ngầu rất vui mắt. Trong bộ sưu tập của anh, có những chiếc radio mang hình dáng thuyền buồm của thế kỷ 18, rất đẹp và lãng mạn. Anh mang ra chiếc máy có hình dạng chiếc điện thoại cổ khiến mọi người ai nấy cũng đều suýt soa, thán phục. Đặc biệt có những chiếc Radio được bọc bằng gỗ căm xe nay đã lên vân rất đẹp và đáng quý hơn có cả những chiếc radio được làm bằng vàng (từ 14-18cara).


 

Những chiếc radio do anh Trường sưu tầm phần lớn có xuất sứ từ Anh, Pháp, Đức, Nhật, Ý, Hoa kỳ… gồm  2 loại chính:  loại radio tube (bóng đèn) và radio transistor (bán dẫn). Trong đó, radio tube được ưa chuộng hơn, ngoài lý do “cổ” (ra đời từ những năm 50 - 60) thì loại radio tube này cũng cho chất lượng âm thanh tốt hơn thế hệ dùng transistor ra đời sau (khoảng những năm 80), còn riêng loại radio có IC tức là đời hiện đại với những con chíp thì anh không màng tới.



 Anh Trường cho biết: “Ở Việt Nam, để có được một chiếc radio cổ tầm tầm không quá khó, nhưng để có được một chiếc “độc” thì cũng khá vất vả bởi ít có cửa hàng nào bán, muốn tìm được nhiều khi trông vào may mắn. Trong mắt một số người, radio cổ cũng chỉ là những đồ món đồ cũ và lạc hậu, không dùng đến thì có thể bán thanh lý như đồ đạc cũ. Nhưng với dân chơi, đó là món đồ “có giá trị”, may mắn gặp, rồi có được cơ hội mua lại với giá chỉ vài trăm ngàn. Những mẫu radio cổ mà xuất từ Trung Quốc thì có nhiều ngoài miền Bắc, nhưng radio cổ của Trung Quốc chưa “độc” lắm”. Trong bộ sưu tập của anh có chiếc radio của tòa đại sứ Pháp ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 mà đến nay vẫn còn sử dụng tốt. Quả thật có nhìn tận mắt những “chiếc máy nói” này mới thán phục tâm huyết và công sức mà người chủ nhân của nó đã dày công bỏ ra! Chơi âm thanh là một thú vui đòi hỏi người chơi phải có khả năng tài chính dư dả, kiến thức, kinh nghiệm. Trong đó sự cảm nhận của bản thân phải nhạy bén qua sự thẩm âm của chất lượng âm thanh mà thiết bị mang lại. Riêng thú chơi radio cổ lại không tốn quá nhiều về tài chính, không đòi hỏi quá nhiều chất lượng âm thanh, điều quan trọng chỉ là hình thức và độ độc đáo của sản phẩm. Hiện nay, người chơi radio cổ không có nhiều và họ đều là các audiophile “lão làng”, là người có một chút hoài cổ và muốn thưởng thức lại cái chất âm thanh mộc mạc của máy radio ngày xưa.

DƯƠNG ANH TUẤN