Tài nguyên du lịch vùng đất võ

Thiên nhiên


“Bình Định có núi Vọng Phu
Có Đầm Thị Nại có Cù Lao Xanh…”


Khi nói đến tài nguyên du lịch tự nhiên vùng đất Võ không thể không nói đến tài nguyên du lịch biển. Là địa phương nằm giáp biển, Bình Định có bờ biển dài được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng và những bãi tắm đẹp. Với hàng chục bãi tắm lớn, nhỏ và có nhiều bãi rộng hàng trăm hecta và khá nguyên sơ như: Bãi biển Quy Nhơn, Quy Hòa, Hải Giang… Trong không gian của biển xanh, cát trắng, nắng vàng sẽ tạo cho du khách cảm giác thật sự thoải mái khi đến đây. Tài nguyên du lịch biển được xem là nguồn tài nguyên tự nhiên vô cùng quý giá và có khả năng phát triển mạnh trong thời gian tới.


Bình Định cũng là địa phương rất giàu có về tài nguyên nước mặt lẫn tài nguyên nước ngầm. Với 3 con sông chính là: sông Côn, sông Lại Giang và sông La Tinh đóng vai trò quan trọng đối với tiềm năng nước mặt của tỉnh, là ba “sợi tim” chạy dọc theo chiều dài của tỉnh bồi đắp nên những cánh đồng màu mỡ, tốt tươi. Trong đó, sông Côn chảy qua nhiều vùng rừng núi, tạo nên những thắng cảnh tuyệt đẹp cho vùng đất Võ, là tiền đề cho sự phát triển du lịch sinh thái. Bên cạnh 3 con sông chính là các con sông phụ và các hồ nhân tạo dày đặc được phân bố rộng khắp, Bình Định cũng là một trong những địa phương có số lượng số nhân tạo nhiều nhất cả nước. Trong đó, những hồ có giá trị về mặt du lịch cũng chiếm một số lượng không nhỏ: hồ Hội Sơn, hồ Diêm Tiêu, hồ chứa nước Bình Định… Các nguồn suối khoáng cũng chiếm số lượng đáng kể trong nguồn tài nguyên nước ngầm của Bình Định, và có ý nghĩa rất quan trọng đối với loại hình du lịch chữa bệnh, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. Hiện nay, Bình Định có 5 điểm suối nước khoáng và tất cả đều có đủ tiêu chuẩn quy định về nước khoáng chữa bệnh. Trong đó, nổi bật nhất là suối khoáng nóng Hội Vân có hàm lượng axit silic cao, có tác dụng chữa được một số bệnh như: thấp khớp, tim mạch, các bệnh ngoài da…

 


Hệ động – thực vật cũng là nguồn tài nguyên không thể thiếu trong việc phát triển một số loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Trong đó, động vật hoang dã tại các khu rừng phía Tây Bắc có khoảng 33 loài thuộc 19 bộ, các loài chim cũng phong phú với khoảng 77 loài thuộc 37 họ, 13 bộ. Bên cạnh các loài động vật trên cạn, nguồn thủy sinh cũng khá đa dạng và phong phú với hơn 500 loài cá biển, 116 loài cá đầm, 15 loài tôm. Tài nguyên thủy sinh không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển đời sống, kinh tế mà còn có vai trò quan trọng đối với sự đa dạng sinh học, một yếu tố không thể thiếu đối với loại hình du lịch sinh thái, lặn biển… Ngoài ra, tài nguyên thủy sinh còn góp phần làm tăng tính hấp dẫn của du lịch Bình Định thông qua các món ăn đặc sản từ lâu đã nổi tiếng: cua huỳnh đế, cá ngừ đại dương, bún cá Quy Nhơn, nước mắm… hệ thực vật của Bình Định cũng rất phong phú và đa dạng, trong đó có một số loài quí như: giáng hương, trắc, cẩm lai…


Văn hóa


Là tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, Bình Định có cả một kho tàng văn hóa vô giá cả về văn hóa vật thể lẫn phi vật thể. Đây là một lợi thế không nhỏ để phát triển về tài nguyên du lịch nhân văn so với các tỉnh trong khu vực. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 231 di tích được xếp vào danh mục Di tích lịch sử và danh thắng. Hệ thống tháp Chăm của Bình Định được các nhà nghiên cứu đánh giá còn khá nguyên vẹn, có phong cách riêng và thuộc loại đồ sộ nhất, đẹp nhất cả nước. Là mãnh đất “Địa linh nhân kiệt”, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều nhà văn hóa, nhà cách mạng lớn của dân tộc. Bình Định cũng tự hào là cái nôi của phong trào Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, quê hương của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Các di tích thời Tây Sơn ngày nay đã trở thành những địa chỉ tham quan du lịch không thể thiếu đối với du khách khi đến thăm vùng “Đất Võ trời văn”. Không ít du khách khi đến thăm Bình Định còn có nhu cầu tham quan các khi di tích gắn với các nhân vật văn hóa – lịch sử tiêu biểu của Bình Định như: Đền thờ Đào Duy Từ, Tăng Bạt Hổ, nhà lưu niệm Xuân Diệu và đặc biệt là mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử… Ngoài ra, Bình Định còn có một hệ thống các di tích lịch sử - cách mạng gắn liền với cuộc kháng chiến của dân tộc ta trong thế kỷ 20. Những di tích kể trên có ý nghĩa quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước cho các thế hệ trẻ, học sinh – sinh viên… Là cái nôi của nghệ thuật Tuồng, Bài Chòi, cùng nhiều lễ hội đặc sắc, làng nghề truyền thống và có một nền ẩm thực hết sức độc đáo. Đó là cơ sở để Bình Định phát triển loại hình du lịch văn hóa phi vật thể.

 


Với nguồn tài nguyên Du lịch phong phú và đa dạng, đây là nguồn “nguyên liệu” quý giá để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách, tạo tiền đề cho Bình Định trở thành một trong những địa điểm du lịch lớn nhất cả nước trong tương lai không xa.