Tây làm nghệ thuật ở ta

KHỞI NGUỒN TỪ CÔNG TÁC… TỪ THIỆN
Sài Gòn là thành phố năng động nên lẽ dĩ nhiên số lượng người nước ngoài đến Việt Nam định cư và làm việc cũng tăng dần theo mỗi năm, tạo thành một cộng đồng tương đối lớn, nhất là cộng đồng sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Hoa. Xuất phát từ những nhu cầu giải trí trong những đêm hội truyền thống xa nhà, những nhóm cộng đồng này thành lập những nhóm văn nghệ nhằm phục vụ nhu cầu giải trí cho cộng đồng của mình mà phần lớn trong số đó là những chương trình từ thiện. Điển hình nhất là ban nhạc giao hưởng quốc tế Tp.HCM (Interneational HCMC Choir). Đây là ban nhạc được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của người nước ngoài đến từ các nước trên thế giới và dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính để biểu diễn và trao đổi. Ngoài những buổi hòa nhạc, ban nhạc này còn tổ chức biểu diễn kịch theo phong cách Broadway nhằm làm đa dạng hơn hình thức giải trí cho cộng đồng, tạo tiếng vang nhất là chương trình biểu diễn kịch nhân dịp Giáng sinh (Chrismast Carol).
Từ những chương trình từ thiện được tổ chức giữa các cộng đồng với nhau, dần dần chất lượng nghệ thuật được nâng cao và thu hút được nhiều đối tượng khán giả, trong đó rất nhiều khán giả Việt Nam. Những chương trình văn nghệ này được tổ chức thường xuyên, mở rộng ra những lĩnh vực như trình diễn thời trang, đóng phim, kịch sân khấu . Từ những chương trình tổ chức miễn phí nhằm gây quỹ từ thiện, các chương trình này được đầu tư phát triển thành những chương trình có bán vé thu hút rất đông khán giả đến tham dự.
SỰ LẤN SÂN VÀO SÂN KHẤU VIỆT
Trước đây, một số bộ phim cũng sử dụng người nước ngoài để đáp ứng yêu cầu của vai diễn, như diễn viên Robert Hải – một trong những “diễn viên” chuyên đóng vai sỹ quan Pháp trong chiến tranh Việt Nam, hay như những bạn sinh viên du học ở các trường đại học của Việt Nam, số lượng tham gia cũng không nhiều do rào cản ngôn ngữ và hạn chế về số lượng người tham gia. Thế nhưng hiện nay, số lượng người nước ngoài tham gia vào hoạt động văn hóa nghệ thuật của người Việt đang dần được tăng cao. Nếu như trước đây, phần đông là những cá nhân không chuyên hoặc bán chuyên nghiệp tham gia vào hoạt động này thì ngày nay, lực lượng nghệ sỹ chuyên nghiệp tham gia vào lĩnh vực này khá đông. Nếu có dịp đến khách sạn Caravelle để nghe ca nhạc, bạn sẽ bắt gặp nhóm nhạc Flamenco đến từ Phillipine trình diễn rất chuyên nghiệp ở đây. Ngoài ra còn có những cá nhân do tò mò hay muốn thử sức mình trong môi trường làm việc mới có nhiều điều mới mẻ, thú vị cũng không ngần ngại chọn Việt Nam là điểm dừng chân của mình, diễn viên – người mẫu Rich Ting là một ví dụ. Trước khi đến Việt Nam, Rich Ting đã là diễn viên có tên tuổi tại Hollywood, không tự nhận mình là người nổi tiếng đến từ kinh đô điện ảnh thế giới, anh chia sẻ: “Sau một chuyến du lịch tại Việt Nam, tôi rất tò mò về đất nước của các bạn. Cuối mùa hè năm 2009, tôi gặp tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn – người viết kịch bản cho bộ phim Huyền Sử Tây Đô. Anh đã mời tôi tham gia một vai trong bộ phim này. Khi tham gia vài tập phim tôi đã rất thích thú và quyết định chọn Việt Nam là điểm dừng chân trong 1 năm để thử sức mình”.
Có thể nói ban đầu chỉ là sự tò mò lẫn nhau nhưng càng về sau, sự chuyên nghiệp trong cách làm việc và tài năng cũng như tinh thần học hỏi của những cá nhân này đã tạo được tình cảm với khán giả Việt. Dần dần nhiều chương trình có sự tham gia của người nước ngoài hơn, không chỉ xuất hiện trên sân khấu, phim mà còn là trên sàn diễn catwalk và thậm chí là cả hình bìa của tạp chí giải trí nổi tiếng tại Việt Nam. Điển hình như có Dây Tây (một tên tuổi cũng rất “hot” với cộng đồng mạng Việt Nam), Lee Kirby (trở nên nổi tiếng khi thể hiện các ca khúc của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn) và còn rất nhiều người nước ngoài khác đến Việt Nam vì công việc, du lịch, học hành nhưng bị quyến rũ bởi những điều rất đơn giản, mộc mạc rất đỗi Việt.  Lực lượng “nghệ thuật ngoại” này dần tạo được cho mình một thương hiệu riêng, rõ rệt nhất là sự cống hiến hết mình vì nghệ thuật, xã hội và không đặt nặng vấn đề rất tế nhị trong làng nghệ thuật: cát-sê! Với họ niềm vui của khán giả và sự thỏa mãn khao khát hoạt động nghệ thuật đã là xứng đáng. Với họ đây là chuyến phiêu lưu đầy thú vị với bản thân và là sự chia sẻ, giao lưu, học hỏi với các bạn diễn Việt. Không ít những nghệ sỹ này đặt mục tiêu phát triển sự nghiệp chuyên nghiệp tại Việt Nam. Diễn viên Rich Ting cũng chia sẻ thêm: “Sau một năm tham gia nghệ thuật tại Việt Nam, tôi đặt niềm tin rất lớn vào tiềm năng phát triển của ngành giải trí và khả năng ứng dụng và cập nhật công nghệ kỹ thuật làm phim của các bạn. Tôi sẽ cố gắng trao dồi thêm vốn tiếng Việt của mình để có thể giao lưu thêm nữa với nhiều khán giả Việt. Tôi thật sự rất yêu quý con người, văn hóa và đất nước Việt Nam. Việt Nam đã thật sự trở thành quê hương thứ 2 của tôi”.
Mong rằng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của nền kinh tế nói chung và công nghệ giải trí nói riêng, thì lĩnh vực văn hóa - văn nghệ tại Việt Nam sẽ thu hút được ngày càng nhiều gương mặt mới từ khắp nơi trên thế giới đến tụ hội tại quê Việt.

(Theo Tạp chí Du lịch và Giải trí)