Nhân dịp Festival Huế 2010 vừa qua, tôi có cơ may thăm viếng lăng mộ hai vị cao tổ của nghề kim hoàn Việt Nam mà cũng là hai cha con: "Đệ nhất tổ sư" Cao Đình Độ (1743 - 1810, hiệu "Đệ nhất tổ sư" do vua Gia Long phong năm 1810) và "Đệ nhị tổ sư" Cao Đình Hương (1773 - 1821, hiệu "Đệ nhị tổ sư" do vua Minh Mạng phong năm 1821). Lăng mộ của hai vị tổ sư này được người dân Huế gọi là từ đường họ Kim Hoàn - ở số 7 chùa Ông, phường Phú Cát, thành phố Huế. Theo sách của cụ Vương Hồng Sển, nghề thợ bạc có nguồn gốc từ Trung hoa và chia thành nhiều dạng như: chạm, đúc, cẩn vv. Ngày ấy, các vị quan lại của ta khi đi sứ sangTàu rất thích những món nữ trang hoặc vật dụng mỹ nghệ vô cùng tinh xảo của họ. Việc tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật rất khó vì nghề thợ bạc trước đây được xem là bí mật riêng của mỗi gia đình và người Hoa vốn rất cẩn trọng trong việc gìn giữ bí mật nghề nghiệp. Tuy nhiên người Trung Quốc luôn đi đến khắp mọi nơi trên thế giới để sinh sống và mang nghề đến các đất nước mà họ lựa chọn làm nơi cư ngụ. Vậy là nghề kim hoàn đã du nhập vào miền Bắc trên dưới 5 thế kỷ, riêng miền nam thì Mạc Cửu - một tướng của Triều đình Trung hoa do bất đồng ý kiến đã dẫn quân đến Rạch Giá - Hà Tiên xưng hùng một thời và sau này mới đầu phục triều Nguyễn, trong những người dân mà ông đưa sang Việt Nam lập nghiệp có cả những người thợ làm kim hoàn để lo việc chế tác nữ trang dành cho việc dâng cúng, hiếu hỉ, thượng thọ (Người Hoa rất quan trọng việc tặng nữ trang trong những sư kiện này). Theo ước tính nghề thợ bạc có mặt ở miền nam thì muộn hơn miền bắc, chỉ trong vòng 4 thế kỷ đổ lại.
Gian nan theo nghề
Anh Vinh – một thợ bạc có hơn 20 năm tuổi nghề vui vẻ chia sẻ với tôi về chuyện đời chuyện nghề với nụ cười hiền hậu.Vinh cho biết: “Thuở mới đi học nghề, tôi thường bị Thầy thử thách bằng việc lau chùi quét dọn tủ đồ nghề cả năm trời mà không cho “rớ’ vào thứ gì cả. Sau hành trình khổ ải, làm đủ thức việc lặt vặt, tôi mới được thầy làm lễ nhập môn để chính thức học nghề thợ bạc!”. Những môn đồ nào càng bị thử thách nhiều thì càng có nhiều cơ hội được thầy truyền nghề. Quá trình thử thách này có khi kéo dài gần 10 năm trời. Như ông bà ta đã nói, có gian nan mới thử được lòng người. Và nghề thợ bạc là ứng với câu nói này! Đơn giản như việc học nhận hột (tức là đính các hột đá quý vào trang sức) cũng phải học gần 3 năm mới có thể gọi là khéo léo! Thông thường, khi đã “công thành danh toại” nghiễm nhiên người thợ bạc sẽ có một nguồn thu nhập cao do đã nắm nhiều kỹ thuật phức tạp. Do vậy muốn trở thành thợ kim hoàn thì trò phải học việc từ 3 đến 4 năm, sau khi thành nghề phải làm việc từ 1 đến 3 năm để trả ơn thầy và phải thề không tiết lộ cho ai về những ngón nghề bí truyền mà Thầy đã tận tâm dạy bảo.
Nhẫn nại với nghề
Ngày nay, khi việc truyền nghề trở nên rộng rãi, cộng thêm với việc mở rộng địa bàn hành nghề tại các đô thị lớn để đáp ứng yêu cầu của những người có thu nhập cao là những nguyên nhân để nghề thợ bạc mất dần tính bí truyền và người thợ cả sẽ phụ trách cả chục thợ phụ để gia công làm hàng. Tùy theo sản phẩm có cấp độ dễ hay khó thợ cả sẽ giao những việc đơn giản như nhận hột, đục giũa, đánh bóng… theo từng độ tuổi nghề của người thợ phụ.Theo kinh nghiệm, Vinh cho biết từ độ tuổi bình quân hiện nay để theo nghề thợ bạc bắt đầu là 17 tuổi thì công đoạn học nhấn hột cho đến thuần thục chiếm khoảng 7 năm, kế tiếp là bước qua việc làm đục giũa cũng ước chường khoảng thời gian đó, cuối cùng là đánh bóng sản phẩm cũng mất khoảng 5 năm nữa, nhẩm tính cũng phải gần 20 năm mới có thể là một người thợ bạc lành nghề. Kinh khủng!
Cũng theo Vinh, muốn trở thành người thợ bạc giỏi thì cũng giống như bất cứ các ngành nghề khác là “lấy tâm làm trọng, lấy chuyên làm nghề” thì nghề mới không phụ mình được. Nghề thợ bạc là một nghề khá nhạy cảm vì thông thường bằng đôi mắt của mình thì người dân thường có thể phân biệt các sản phẩm như rau củ, gạo thóc hay mắm muối một cách rất dễ dàng nhưng với nghề thợ bạc chỉ có người thợ mới biết rõ hàm lượng vàng bạc trong món hàng là bao nhiêu. Vì vậy, người thợ khi nhập môn đều phải cúng tổ và có câu khấn hứa với nghề, nếu ai gian dối sẽ bị trả báo.
Thoạt nghe, tôi cảm giác nghề thợ bạc luôn có những bí mật gia truyền rất huyền bí nhưng ngẫm nghĩ một lúc tôi chợt nghĩ ra, trong cuộc sống - sự chân thực vẫn là quan trọng nhất. Với nghề thợ bạc cũng vậy, chỉ có sự chuyên cần và thật thà mới tạo cho người thợ có thể trở thành một nghệ nhân tài hoa để dâng cho đời những tuyệt tác bằng kim loại quý.
Thanh Sơn