Thưởng trà ngày xuân

 TRÀ VỚI NGƯỜI VIỆT

Đã từ lâu, trà trở thành một thú vui tao nhã của rất nhiều người Việt, không bị lai tạp bởi trà đạo của Nhật Bản hay trà pháp Trung Hoa, mà trà phong Việt Nam mang nét tinh tế riêng. Ẩn sâu trong những chén trà ấy là cả một tầng sâu văn hóa của người Việt chắc lọc từ nghìn đời nay. Đối với người Việt Nam, uống trà không chỉ là thú vui của những bậc nho sỹ, cao nhân mà trà Việt đã đi sâu vào cộng đồng những người dân lao động và trở thành một nét văn hóa cộng đồng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Những người nông dân quanh năm tay lấm chân bùn cũng thưởng thức trà theo sở thích của mình khi ngồi độc ẩm (một người), nhị ẩm hoặc song ẩm (hai người), tam ẩm (ba người) hay quần ẩm (nhiều người). Họ ngồi bên nhau nhâm nhi chén trà, bàn luận về vấn đề thời tiết, mùa màng, trong khi đó những bậc nho sỹ, cao nhân thì bàn về văn chương hay thế sự... Theo P.GS Đỗ Ngọc Quỹ: “Ở Việt Nam buổi sáng sớm lão nông đi cày ruộng nặng nhọc vất vả cũng chỉ uống trà tươi, rít điếu thuốc lào là thấy nhẹ hẳn cả người. Trong những ngày cưới xin, ma chay, hội hè, đình đám, thờ cúng... cũng không thể thiếu trà. Trà là người bạn trung thành của chúng ta trong mọi niềm vui và nỗi buồn, nguồn vui thanh tịnh từ trà tạo cho chúng ta một sự thanh thản, thổi nguồn sinh khí mát lành vào con người nhỏ bé, yếu đuối trong không gian vũ trụ mênh mông Thiên - Địa - Nhân. Và khi đi vào cõi vĩnh hằng, tan vào cát bụi thì chính trà cũng đến tiễn biệt chúng ta”.
 
Đối với người Việt Nam, trà được thưởng thức vào mọi thời điểm trong ngày: sáng sớm, trưa, chiều hay tối nhưng để tận hưởng trà thú vị nhất là vào những buổi tối có trăng. Lúc đó, họ vừa uống trà, vừa ngắm trăng, ngắm hoa Quỳnh nở và làm thơ. Trà Việt ngày nay không còn giới hạn bởi các loại trà mộc mà có rất nhiều vị để lựa chọn. Chính sự sáng tạo không ngừng của nhiều thế hệ người đã góp cho thế giới trà Việt trên dưới 60 loại trà thuộc các dòng trà khác nhau và có mùi vị đặc trưng riêng: trà hoa (vị các loài hoa), trà sâm (vị sâm), cố cung trà (trà có vị quế)... và mỗi kiểu uống trà từ độc ẩm đến quần ẩm đều có nét thú vị riêng. Khi nhắc đến trà Việt không thể không nhắc đến trà Sen - loại trà được ví như là “Nữ hoàng của trà Việt Nam” bởi sự thanh tao, tinh tế và quý phái của nó. Nâng chén trà sen thơm ngát, đó là thành quả của sự công phu, tỉ mỉ của người ướp trà, của những trà nô. Chính bởi vậy mà trà sen xứng đáng là “thiên cổ đệ nhất trà”. 
 
KHÔNG GIAN TRÀ ẨM
Để tận hưởng được hết sự tinh túy của trà thì cần phải có một không gian riêng mang hơi hướng của văn hóa thiền. Không gian thưởng trà phải thanh tịnh, thuần khiết, tao nhã và êm dịu. Không gian lý tưởng cho thưởng thức trà là nơi có những bức thư pháp, thư họa, góc đọc sách hay bàn cờ vây, cờ tướng... đó là không gian thích hợp cho ẩm khách đến thưởng thức trà và tìm đến những thú vui tao nhã. 
 
Không biết từ bao giờ, trà đã trở thành một thứ đồ uống rất quen thuộc của hầu hết những người dân. Một chén trà tráng miệng khi dùng xong bữa, chén trà xua tan cái nóng bức của thời tiết, sự căng thẳng trong công việc, là thức uống khi khách đến nhà... Trà đã đi vào mỗi ngõ ngách của đời sống chúng ta với muôn hình muôn vẻ như vậy đó. Trong cuộc sống, dù nghèo khó, nhà tranh vách lá đơn sơ nhưng bát nước chè xanh luôn thể hiện tấm lòng rộng mở, tình cảm hiếu khách của người Việt Nam.
 
Theo PGS Đỗ Ngọc Quỹ: “Trong thời phong kiến, ở thành thị khi mỗi gia đình có khách đến chơi, chủ nhà khăn áo chỉnh tề, ra chào hỏi rồi mời vào nhà và ngồi nghỉ tại nơi tiếp khách trang trọng nhất và tất nhiên chén trà không thể thiếu, và nó là nguồn cảm hứng cho những câu chuyện. Ngày nay, lớp cao tuổi tìm “cái truyền thống, cái sức khỏe” uống trà điềm đạm lịch lãm như một thú vui tao nhã, vừa uống vưa ngâm thơ và không uống ừng ực kiểu “ngưu ấm”. Trong khi giới trẻ thì ngược lại…”. Trong thời kỳ hội nhập, người Việt Nam đã đánh mất dần đi những nét văn hóa truyền thống của mình, bắt đầu làm quen với nhiều cách uống trà mới được “Tây hóa” như: trà đá, trà túi lipton, trà hòa tan... Tuy vậy phong tục uống trà cổ Việt Nam vẫn được tái hiện tại các trà quán đậm nét truyền thống cha ông.
 
Quang Lộ