Tiền Giang mùa trái chín

Tròm trèm 70km là khoảng cách từ Sài Gòn đến ngã ba Trung lương (ngã rẽ để vào thành phố Mỹ tho). Do khởi hành từ 5h sáng nên sau hai giờ “yên hùng” trên xa lộ, điểm dừng đầu tiên của tôi là Mekong rest top - trạm dừng chân khá nổi tiếng của tỉnh nằm bên lề quốc lộ 1A, đặc điểm của trạm là quang cảnh thoạt nhìn giống như một resort, ở đây có đủ các món ăn đặc sản nổi tiếng rất riêng của Tiền Giang và của cả miền Tây Nam bộ, ngoài ra có thêm một quầy lưu niệm bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thuần Việt nên cũng được các du khách nước ngoài chú ý. Ngày nay Mỹ tho nổi tiếng không chỉ là món ăn hủ tiếu nức tiếng mà nơi đây còn được xem là vựa trái cây nổi danh nhất miền Nam. Tôi cũng kịp ghé thăm Chùa Vĩnh Tràng nổi tiếng, ghé rạp hát cải lương Năm Tú( tức rạp hát Tiền giang) có lịch sử lâu đời nhất miền Nam, thật  xúc động khi chạm tay vào cổng Tam quan được thiết kế kiểu võ rất tinh xảo, cửa ngõ này cẩn toàn bằng gốm sứ quý hiếm của cả Trung Hoa và Việt Nam, trên các mảnh sứ đều in hình long, lân, quy, phượng. Canh, mục, ngư tiều, mấy câu đối cũng cẩn bằng miếng chai nổi mầu sắc óng ánh trông rất đẹp. Riêng rạp hát mỹ tho chỉ còn lại dấu tích vì hiện nay rạp cũng đã xuống cấp trầm trọng, hình như sau này nơi đây sẽ bị phá bỏ để xây dựng một tòa cao ốc mới…. rạp hát tuy không còn nhưng hồn cải lương vẫn kịp thấm vào bao trái tim của người dân bên sông Tiền xinh đẹp.

 

 

 

 

 

Rời Mỹ tho, tôi bon bon phóng xe về Cái Bè, nơi nổi danh với câu ca “Quýt cái bè nổi tiếng ngọt ngay, ai ăn rồi nhớ mãi miền Tây”. Đến Cái Bè ngoài việc thăm các vườn và vựa trái cây ê hề như: sầu riêng 6 Ri nổi tiếng, Xoài cát Hòa Lộc, thanh long, mận An Phước, Cam quýt, chôm chôm, dưa hấu, nhãn. Mít và bưởi lông Cổ cò danh tiếng thì Cái Bè cũng khá nổi danh với khu chợ nổi chủ yếu là trung tâm cung cấp sỉ và lẻ trái cây cho cả vùng đồng bằng sông Mekong. Du khách Quốc tế rất thích tham quan chợ nổi này nên nghiễm nhiên Cái bè trở thành một địa danh du lịch quan trọng của đất Tiền giang màu mỡ. Đến chợ nổi du khách sẽ thích thú với những chiếc thuyền đặc trưng rất riêng của Tiền Giang là mái che được thiết kế bằng những “mê bồ”  mà người dân thường dùng để quây lúa. Khi đi dạo trên chợ nổi bạn sẽ được đưa vào thăm làng nghề truyền thống Tân phong, nơi đây bạn sẽ được thưởng thức những ly trà mật ong thơm ngon tuyệt hảo, cắn miếng bánh tráng dừa beo béo bùi thơm hoặc miếng cốm gạo mới rang nổ trên lò vẫn nòng hổi trên tay.

 Cũng tại chợ nổi Cái Bè, bạn chỉ mất khoảng 15 phút bồng bềng trên sông nước là có thể viếng thăm ngôi nhà cổ khá nổi tiếng ở ấp An Lợi, xã Đông Hòa Hiệp. Nhà được xây dựng từ năm 1938 gồm hai gian, ba chái, mang đậm truyền thống Á đông xen lẫn những nét kiến trúc mềm mại theo kiểu  Pháp, trong nhà các vật dụng như tủ, bàn, ghế được trang trí rất gọn gàng, cân đối. Tôi hỏi anh Trần Tấn Kiệt  – người chủ và cũng là hậu duệ thứ 6 của ngôi nhà này và được biết: các đồ dùng trong nhà đều có tuổi thọ từ 50 năm đến trên 100 năm, đặc biệt là 3 chiếc tủ thờ được cẩn ốc sà cừ rất tinh vi và độc đáo. Điều này đã được các nhà nghiên cứu mỹ thuật Nhật bản đánh giá: Việt nam ta đã có một trình độ chạm trổ và cẩn xà cừ cực kỳ khéo léo, tuyệt đẹp và tinh vi hoàn mỹ. Điều này chứng tỏ óc thẩm mỹ của các nghệ nhân thời trước đã gây một tiếng vang lớn với quốc tế mà khi tìm hiểu lại ta phải cung kính cúi đầu bái phục.

 

 

 

  

Tạm biệt Cái Bè, tôi lặc lè vác lỉnh kỉnh một túi trái cây to đùng trở về thành phố. Con đường Quốc lộ bỗng như rộng hơn vì đường cao tốc sau khi hoàn thiện đã giúp cho  người dân di chuyển bằng xe máy cảm thấy an toàn hơn khi di chuyển và ghé thăm Tiền Giang hiền hòa thân thiện. Ngọn đèn đường sáng rực làm tôi chợt cười thầm vì câu hát mẹ thường ru tôi khi còn thơ bé là: Đèn Sài gòn ngọn xanh ngọn đỏ, đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu” hình như trở nên lạc hậu và  không còn đúng nữa, Tiền Giang hôm nay đang đổi mới và Mỹ tho với bao địa danh cùng vườn trái cây luôn là một khoảng ký ức đắm say trong tim của bao du khách khi viếng thăm nơi này…

 

Bài: Khoa Đăng

Ảnh: Duy Anh