Nói kiểng cổ là nói về cách uốn theo kiểu truyền thống chứ không phải là nói về tuổi thọ của cây, nhưng sở dĩ gọi là kiểng cổ vì để phân biệt với bonsai.
Vùng đất lành của nghệ thuật kiểng cỔ
Hiện nay vẫn chưa có bất cứ tài liệu nào cho biết chính xác về nguồn gốc kiểng cổ Nam Bộ. Nhưng theo nhiều nghệ nhân thì chúng có từ thời Vua Tự Đức (1829 – 1883) và khởi nguồn từ vùng đất Gò Công. Dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng dựa trên những đặc điểm của kiểng cổ Nam Bộ thì hầu hết các nghệ nhân đều đồng tình với quan điểm trên. Thứ nhất, xét về dáng thế, đó là thế Tam Cang Ngũ Thường và Tam Tòng Tứ Đức, cả hai đều là dáng thế cơ bản của kiểng cổ Nam Bộ và kiểng cổ Gò Công.
Theo đó, thế Tam Cang Ngũ Thường tiêu biểu cho đạo làm người của phái nam. Tam Cang gồm quân thần cang, phu thê cang và phụ tử cang. Ngũ Thường gồm: nhân - nghĩa - lễ - trí - tín. Những đức tính trên được lấy từ hình tượng của vua Tự Đức – một vị vua anh minh và là người con hiếu thảo được người dân Gò Công tôn thờ. Riêng đối với cây kiểng theo lối Tam Tòng Tứ Đức, các nghệ nhân xưa phỏng theo hình tượng của Hoàng hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) – một bậc mẫu nghi thiên hạ với phẩm hạnh cao quý thời phong kiến. Đặc biệt, vùng đất Gò Công còn có Lăng Hoàng Gia đời vua Thiệu Trị và Hoàng hậu Từ Dũ đã yên nghỉ nơi này.
Nguyên nhân thứ hai mà các nghệ nhân cho rằng kiểng cổ Nam Bộ xuất phát từ vùng đất Gò Công là cây mai nu. Muốn kiểng cổ Nam Bộ đẹp và ra dáng thì phải chơi bằng cây mai nu. Điều đặc biệt là chúng chỉ trồng được ở vùng đất Gò Công, cụ thể là ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thanh Nhựt, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang). Nếu mang cây mai nu sang các địa phương khác thì cây sẽ không ra nu hoặc nếu có ra cũng rất ít. Ở ấp Thạnh Lạc Đông, chúng có mặt ở khắp nơi và hầu như nhà nào cũng trồng vài cây kiểng cổ.
Theo nghệ nhân Trương Thành Tấn thì cây mai nu xuất phát từ gia đình ông Hai Đại vào thế kỷ 18. Khi ông Đại mất đi, vườn cây từ đó cũng hoang tàn. Sau này, người dân mang cây về trồng và dần lan truyền ra khắp xứ Gò Công. Sau năm 1975, vùng đất Gò Công vẫn còn những cặp kiểng cổ mai nu trên 100 năm. Đây cũng chính là một trong những yếu tố để các nghệ nhân tin rằng vùng vùng đất này là đại diện tiêu biểu và là nơi xuất phát của kiểng cổ Nam Bộ.
Kiểng cổ - đậm đà triết lý sống
Kiểng cổ là bộ môn nghệ thuật độc đáo có thể thưởng ngoạn qua mọi thời đại. Nó có dụng ý nhắc nhở con người rèn luyện đạo đức và góp phần giáo dưỡng con cháu mai sau. Mỗi thành phần trong cây đều tìm ẩn triết lý sống và có riêng một giá trị nhất định. Kiểng cổ được sửa nắn cành nhánh rất công phu, số tàng và nhánh theo đúng quy định, không thiếu cũng không thừa. Các tác phẩm đều lấy 3 – 5 làm căn bản do xuất phát từ nguyên lý “âm dương ngũ hành”, chuộng số lẻ hơn số chẵn.
Xét về cấu trúc của cây siêu phong Tam Cương Ngũ Thường, phần gốc được uốn 45 độ so với mặt đất, thân uốn cong vào trục chính tâm, riêng phần ngọn uốn lượn nhẹ và cũng được đưa về phần chính tâm của gốc. Cây tử (cây con) xuất phát từ gốc cha và hợp thành một góc khoảng 90 độ, chiều cao của cây con không được vượt quá tàng thứ 2 của cây cha và uốn hơi cong theo chiều ngược lại của cây cha. Tuy vậy, hình dáng ngày nay cũng đã có chút thay đổi so với trước kia. Cây Tam Cang Ngũ Thường ngày xưa cả cây mẫu và cây tử đều thẳng vì theo quan niệm của ông cha ta thì làm trai phải ngay thẳng, cương trực, chứ không có hình dáng cong như ngày nay.
Cây cha (cây mẫu) có 5 cấu trúc tàng và được gọi tên lần lượt từ dưới lên là: phủ địa – nghinh sương – yểm tâm – nghinh phong và nghinh thiên. Tàng thứ nhất uốn về phía phải, tàng thứ 2 cũng nằm cùng phía tàng thứ nhất vì nếu tàng thứ 2 uốn về bên trái thì sẽ gần ngọn cây con, che khuất và làm cây con thấp lùn. Tàng thứ 3 được uốn vào phía bên trái để che chở cho cây con. Tàng thứ 4 tiếp tục bên phải theo chiều đối xứng. Đoạn thân trên cùng thẳng đứng theo trục tâm và tàng ngọn được hình thành. Theo các nghệ nhân, để hoàn thành một tác phẩm như vậy thì ít nhất phải mất 25 năm.
Cây con (cây tử) cấu trúc có 3 phần: tàng thứ nhất uốn về phía bên trái tạo nét cân bằng với cây cha; tàng thứ 2 uốn về phía bên phải theo lối chiếc chi và tàng thứ 3 là tàng ngọn. Cành ở cây kiểng cổ được uốn theo lối “chiếc chi nghị diện” tức là có văn có võ hài hòa, cành được xếp đặt ở phần lồi của thân và được uốn theo kiểu đối nhau. Tàng lá được cắt tỉa thành những dĩa mỏng hình tròn hay hình trái tim. Nếu là cây kiểng Tam Tòng Tứ Đức thì trước kia tàng cây mẹ cắt hình tròn, tàng cây con cắt hình vuông thể hiện “mẹ tròn con vuông”, nhưng ngày nay hầu như tất cả các tàng đều được cắt hình tròn, ngọn lá phần cao nhất của cây được tính là tàng ngọn.
Kiểng cổ Nam Bộ chịu ảnh hưởng của tư tưởng lão giáo. Qua quá trình tạo dáng cây kiểng cổ, các nghệ nhân luôn muốn gửi gắm tinh thần của mình vào từng chậu cây và tán lá nhằm mục đích sửa mình và giáo dưỡng con cháu. Cây có ngọn quy cán (hồi đầu) thể hiện sự không quên nguồn cội, còn kiểu Tam Cang Ngũ Thường hay Tam Tòng Tứ Đức thể hiện đạo làm người ở nam và nữ thật rõ ràng.
Theo Tạp chí Du lịch & Giải trí