Tour guide xuyên rừng - Nghề mạo hiểm

Trong đó, HDV chuyên phục vụ cho việc xuyên rừng leo núi được xem là khó  và mạo hiểm hơn cả. Sau vài lần “mật phục” phóng viên của tạp chí Du lịch & Giải trí cũng tìm ra được vài HDV được mệnh danh là “những tên điên lãng tử dễ thương” và nghe họ chia sẻ buồn vui trong nghề.

Nguyễn Chí Bình - HDV mạo hiểm Công ty du lịch Vietmark: “Người làm nghề này cần có sự đam mê và phải có sức chịu đựng gian khổ”.


Học ngành Du lịch năm 1999 đến năm 2002 là tôi bắt đầu sống cuộc đời HDV, cho dù năm 2004 mới ra trường. Năm 2005 tôi quyết định trở thành HDV mạo hiểm vì trên bước đường rong ruổi cùng du khách tôi thường bị xót xa vì thiên nhiên Việt nam bị thay đổi quá nhiều - có nơi chỉ sau một năm trở lại tất cả đều không còn nữa. Với mơ ước được đi, ngắm và tận hưởng thỏa thích các  vưu vật của thiên nhiên, tôi đã leo đèo, xuyên rừng, lội suối cùng vượt thác để cảm nhận và đây cũng là cuộc trui rèn kỹ năng sống cho bản thân mình.


Nghề HDV xuyên rừng là một nghề khá nguy hiểm, người làm nghề này cần có sự đam mê và phải có sức chịu đựng gian khổ. Đã vậy cái khó nhất của nghề này là trang thiết bị vô cùng thiếu thốn, điển hình như tôi muốn mua một cái nón bảo hiểm chuyên dụng trong việc bơi thuyền vượt thác thì… kiếm cả khắp Việt nam đỏ con mắt cũng không có..để tậu được những vật dụng này tôi phải nhờ người quen đi du lịch nước ngoài mua về hộ. Riêng về trang thiết bị cho việc xuyên rừng rất chi ly. Để chuẩn bị cho một tour xuyên rừng khoảng 3 ngày 2 đêm mỗi cá nhân phải chuẩn bị cho mình khoảng 50 món như áo mưa đi rừng, võng mùng, dây dù, bộ nấu bếp dã ngoại, đèn pin, bật lửa, thuốc chống vắt  và dụng cụ y tế… ngay cả nón áo, giày dép cũng phải phù hợp cho cuộc hành trình. Ở nước ngoài khi thực hiện những tour mạo hiểm, ngoài điện thoại vệ tinh người ta được trang bị cả súng bắn pháo sáng, trực thăng vv.. rất chuyên nghiệp. Chúng ta không đủ các trang thiết bị nên người HDV vất vả hơn.


 Trong cuộc hành trình, HDV xuyên rừng luôn là tour leader (người đứng đầu) để truyền đạt sẻ chia những kinh nghiệm kỹ năng sống của mình cho đồng đội, ngoài việc thông thạo chuyên môn và am hiểu địa hình, HDV xuyên rừng còn phải là người truyền ngọn lửa để các bạn chung cuộc hành trình có dịp  được “cảm cái hay cái đẹp của thiên nhiên” mà họ chưa kịp chú ý!

Trương Công Vững - Hướng dẫn viên xuyên rừng cấm Cát Tiến : “Rất ít du khách cùng “máu điên” như mình”

Trở thành HDV xuyên rừng cấm Cát Tiên đúng là do định mệnh sắp đặt. Trước đó, tôi là một nhân viên trong công ty điện tử và được đưa sang làm việc tại Malaysia với thời hạn 4 năm. Đất nước này nổi tiếng và thu hút du khách trên thế giới đổ xô đến đây Du lịch vì họ bảo tồn những khu rừng nguyên sinh rất hoàn hảo, trong đó bộ sưu tập côn trùng của Vương quốc có nhiều chữ A này được xem là rất  ấn tượng. Được biết, các bộ sưu tập bướm, cánh cam, cào cào châu chấu, chim chóc cùng các loài thực vật là một nguồn lợi xuất khẩu lớn cho đất nước này. Trong thời gian ở đây tôi tận dụng các kỳ nghỉ cuối tuần để du ngoạn rừng và bị say mê nghiệp du lịch xuyên rừng lúc nào không hay. Trở về Việt nam tôi quyết định nghỉ việc và gia nhập vào đội ngũ HDV chuyên tour mạo hiểm của khu rừng cấm Cát Tiên.


 Tương đồng ý kiến với Bình, anh cho biết, hiện nay, công việc của một HDV xuyên rừng tại Việt nam vẫn chưa được sự quan tâm và đầu tư đúng mức từ công ty quản lý, đã vậy chương trình của những tour này giá cả khá cao và rất kén khách. Tôi làm nghề này vì đam mê rừng chứ về kinh tế thì không thể so sánh như các bạn HDV trong lĩnh vực khác. Cái khó của nghề mà tôi thường gặp phải là có rất ít du khách cùng “máu điên” như mình để cùng đi và chia sẻ thú vui trèo non lội suối xuyên rừng ngắm cảnh. Đại đa số du khách muốn đi rừng để cho biết và cũng muốn chứng tỏ rằng mình đã từng đến đó nhưng thường họ thiếu sự cảm thụ thiên nhiên nên đôi khi tôi cũng bị khó khăn và cảm thấy buồn khi nghe  các du khách than vãn “tour gì mà mệt quá… như đi hành xác vậy”!


Các bạn đó không hiểu được là chỉ khi đến với rừng ta mới cảm được tất cả những cái hay cái đẹp của thiên nhiên còn sót lại. Một lần trên đường hướng dẫn tour tôi chỉ cho một nhóm khách xem hoa lan hài quý hiếm, sơ suất một chút đã có du khách leo lên cây vặt hoa chơi. Sau lần đó tôi tiếc nuối và tự quy định trách nhiệm cho mình là phải nhắc nhở và canh chừng để các cây cỏ được tự do đâm chồi nảy lộc chứ nếu ta không bảo tồn thì rừng sẽ khóc !


Người làm nghề này phải có giác quan thứ 6 cao hơn người thường một chút, ngoài việc phải có kinh nghiệm và thông thuộc từng đặc điểm nhỏ của địa hình thì tour guide mạo hiểm phải có khả năng dự báo thời tiết và dự đoán được mọi biến động bất thường xảy ra để đối phó những rủi ro có thể gặp phải.

Đại đa số du khách muốn đi rừng để cho biết và cũng muốn chứng tỏ rằng mình đã từng đến đó nhưng thường họ thiếu sự cảm thụ thiên nhiên nên đôi khi tôi cũng bị khó khăn và cảm thấy buồn khi nghe  các du khách than vãn “tour gì mà mệt quá… như đi hành xác vậy”!

 

Quốc Trạng