LÀNG RƯỢU BÀU ĐÁ MỸ TỬU LỪNG DANH
Cách trung tâm thành phố Qui Nhơn khoảng 40 km, du khách đến “đất Vua” An Nhơn Bình,Thôn Cù Lâm (xã Nhơn Lộc, An Nhơn) - Làng rượu nhỏ vốn thanh bình lại yên ả hơn trong một buổi chiều cuối năm Những đàn trâu thong thả ngoài đồng bên những hàng tre làng nằm giữa những ruộng lúa xanh mướt thì con gái. Đến đầu thôn đã nghe hương rượu nồng nàn. “Ngần xanh như lửa và như tuyết/ Hay ngàn cánh hạc vỗ tâm can/ Say với càn khôn cho mãn giấc/ Cõi mơ không bó ở ngai vàng (thơ Nguyễn Thanh Mừng). Rượu nơi đây nặng hơn những nơi khác, chỉ cần vài hớp là bạn có thể say, nhưng chỉ sau một giấc ngủ dài khi tỉnh dậy sẽ thấy nhẹ tênh, không có cảm giác nặng đầu. Có lẽ, chính điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt mà người xứ Nẫu chế nên thứ rượu như thế này chăng? Người Bình Định vốn thô hào, cần mẫn. Họ, chắc không có nhiều thời gian để khề khà. Họ uống đó, như chỉ là tận hưởng một chút rồi lại hối hả đi làm. Người làng rượu bảo rằng, nấu rượu có nghề, chỉ cần lắng nghe tiếng rơi của rượu trong vại sành lúc chưng cất và hương rượu thoáng qua là có thể thẩm định được chất lượng của rượu. Rượu chưng cất ở Cù Lâm - quen được gọi là rượu Bàu Đá - hương nồng nàn, trong veo, rót ra lại nghe giòn tan tiếng nước sủi tăm. Làng như thế, rượu như thế, giữa một ngày như thế, không nhấp môi sẽ
đáng tiếc lắm!
Người ta nói, rượu Bàu Đá chỉ thật ngon khi nó được nấu bằng nguồn nước của chính cái bàu cùng tên. Cùng công thức đó nhưng hương rượu sẽ giảm đi nhiều khi nấu bằng nguồn nước khác. Và một điều kỳ lạ là cũng nguồn nước đó, công thức đó, nguyên liệu và con người đó nhưng khi đem chưng cất ở ngoài không gian thôn Cù Lâm thì rươụ cũng mất đi mấy phần ngon ngọt. Phải chăng, ẩm thực của người Việt không thể tách rời với không gian sống?
Rượu Bàu Đá giờ đã có mặt trên mọi miền đất nước, theo chân bạn bè đến cả những miền xa hơn. Nhưng thôn Cù Lâm thì vẫn vậy, dung dị và hiền hòa. Tôi chắc rằng, sẽ khó có gì khoái hoạt hơn bằng một buổi chiều cuối năm, bên lò rượu, cho gió đồng táp vào mặt, khề khà li rượu đang sủi tăm với vài chiếc nem chợ Huyện. Lúc đó, ta sẽ tạm gác lại được những lo toan bình nhật để lắng nghe hương vị cuộc sống thấm dần, men theo con đường nhỏ, tôi cùng đoàn du khách ra thăm miễu Bàu Đá, sau miễu là Bàu Đá ngày xưa. Bàu nước xưa giờ đã cạn, thành ruộng lúa bốn mùa tươi tốt. Cũng không sao. “Đặc ân” mà thiên nhiên ban tặng mảnh đất này vẫn đang được gìn giữ, ngầm hóa. Nguồn nước để tạo nên “chất rượu” vẫn là nguồn nước được rỉ ra từ mạch ngầm của Bàu Đá ngày xưa.,,
TRĂM NĂM LÀNG NÓN PHÚ GIA CÁC TƯỜNG
Đã là người Bình Định thì không ai không biết về hình ảnh chiếc nón ngựa Gò Găng đã một thời vang vọng, đi vào ca dao truyền thuyết dân gian: Một cô gái đã trao cho người mình yêu chiếc nón Gò Găng trước khi chàng xuống thuyền ra khơi, một kỷ vật của người ở lại.
“Gò Găng có nón chung tình .
Ở đây có thiếp một dạ với mình mình ơi’
Em về mua vải chợ Gồm
Gò Găng mua nón phiên Chàm anh vô”
Xa xa vọng lại những câu hò đối đáp từ những người buôn bán nón, tạo nên chất trữ tình của phiên chợ nón Gò Găng. Ngày xưa, nón chỉ dành riêng cho giới phong lưu, đài các. Đặc biệt những chiếc nón ngựa bịt bạc, chạm trổ hình rồng phượng trên đỉnh nón chỉ được dùng cho giới quan lại, địa chủ; còn thường dân thì dùng nón lá buôn, nón chỉ lác.
Nón ngựa Gò Găng - một trong những đặc sản của quê hương Bình Định – tuy được bán chủ yếu ở Gò Găng nhưng chỉ có người Phú Gia và một số ít người vùng lân cận là làm được, vì nó đòi hỏi phải có những nguyên vật liệu đặc biệt và sự khéo léo, kiên nhẫn của người thợ. Hiện nay, ở Cát Tường có khoảng 120 hộ có nghề làm nón ngựa. Ngoài Phú Gia, những thôn lân cận như Kiều Đông, Xuân Quang cũng làm, tuy nhiên chủ yếu vẫn là ở Phú Gia, với khoảng 70 – 80 hộ làm, chiếm 10% tổng số hộ của thôn.
Một chiếc nón ngựa thường phải qua bốn công đoạn: Tạo sườn mê: Rễ cây giang lấy từ trên núi đem phơi khô, chẻ thành những sợi nhỏ mỏng như sợi cước. Cách thức đan nang theo kiểu đan giỏ, các lỗ nang có hình lục giác tạo thành một miếng mê lớn. - Thắt nang sườn: Đặt miếng mê lên khuôn nón mẫu, khâu vành nang dưới cùng để tạo sườn hình nón. Tiếp đến là khâu sườn đứng và sườn ngang bằng các sợi giang có kích cỡ như sợi tăm. Hai công đoạn làm sườn nón này phải do những người thợ chuyên nghiệp thực hiện để cho những người thợ làm nón bình thường thực hiện tiếp các công đoạn sau. -Thêu hoa văn trên sườn: Thông thường được thêu hoa văn theo các đề tài long, lân, quy, phụng; lưỡng long tranh châu; mai lan cúc trúc; câu thơ; câu đối hoặc những cảnh vật trên nang sườn. Công đoạn cuối cùng là lợp lá chằm chỉ. Lá kè tươi phải được hái về từ vùng núi Vĩnh Thạnh, Gia Lai sẽ được xử lý công phu, tướt bỏ sống lá, phơi khô trong bóng râm, đặt trên chậu lửa và lồng tre để xông lá cho chín, sau đem ra ngoài trời phơi sương, hơ lửa để vuốt cho lá được thẳng, phẳng. Người thợ dùng kéo chuyên dụng có bản mỏng, lưỡi dài để cắt lá thành từng miếng nhỏ theo chiều cao nón. Xếp chồng mép mí lá bủa (xòe) đều xung quanh sườn nón từ đỉnh xuống. Chằm (khâu) lá vào sườn nón, chỉ chằm nằm dưới mí lá nên nhìn bên ngoài không thấy đường chằm. Chằm xong, người thợ cắt bỏ những sợi chỉ thừa dính trên bề mặt nón và không quên trang trí một đùm chỉ ngũ sắc ở đỉnh nón.
Vì thế nón ngựa Gò Găng, nón lá Bình Định cần được bảo tồn và phát triển, bên cạnh vai trò là một sản phẩm tiêu dùng, chúng xứng đáng được nâng tầm lên thành một sản phẩm văn hóa. Với sự phát triển của đất nước hiện nay, một làng nông nghiệp như Phú Gia việc giới thiệu sản phẩm nón ngựa cổ truyền đối với khách du lịch được khởi sắc. , những chiếc nón lá, nón ngựa Bình Định sẽ được theo chân du khách đi về mọi miền đất nước.
Khoa Thanh