Trở lại Hội An- Trở lại phố xưa

 
 
Theo đoàn du lịch lữ hành của công tịch Vtours Đà Nẵng, chúng tôi đến với Hội An. Nằm ngay bên bờ sông Hoài, khu chợ đêm Nguyễn Hoàng ( đường Nguyễn Hoàng, phường An Hội, thành phố Hội An ) rất nhộn nhịp lúc về đêm, nhưng vẫn giữ được nét cổ xưa ở những chiếc đèn lồng tỏa sáng lung linh bày bán khắp khu chợ.
Thành lập cách đây không lâu, nhưng khu chợ đêm Nguyễn Hoàng đang ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến mua sắm, ăn uống lúc về đêm. Không khí người mua kẻ bán tấp nập tạo cho khu chợ vẻ sầm uất bên cạnh đó là không gian phố cổ về đêm lung linh huyền ảo, cùng với thời gian, nhiều hoạt động văn hoá dân gian, truyền thống đã khẳng định chỗ đứng trong lòng nhân dân và du khách như: trò chơi bài chòi, đập nồi, hò khoan đối đáp, ca múa nhạc dân tộc, thư pháp, cờ tướng, thả hoa đăng trên sông…
 
 
Đến với những “Đêm phố cổ” gần đây, du khách còn có dịp thưởng thức và tham gia vào các hoạt động mới như: nghe nhạc cổ điển “Giai điệu thời gian”, độc tấu nhạc cụ dân tộc, xem “tái hiện Ông Đồ”, biểu diễn nhạc thính phòng “Cung đàn xưa”… Tất cả đều được người Hội An “tự biên, tự diễn”, sinh động và ấn tượng ngay trên nền “sân khấu di sản” của ông cha.
 
 
Cứ thêm mỗi hoạt động mới trong “Đêm phố cổ” là thêm một nhịp cầu nối Hội An với bè bạn muôn phương, là tạo thêm một đồng điệu giữa phố với bao tâm hồn muốn “tìm lại ngày xưa…”.
Đến Hội An du khách có thể mua bánh in, bánh đậu xanh, bánh ít lá gai. Tương ớt là món đặc biệt, cay nồng lại thơm. Hội An có nhiều nhà hàng, quán ăn chủ yếu phục vụ khách Tây tập trung ở khu phố cổ Trần Phú, Bạch Đằng….. Đường Trần Phú là con đường tập trung quán bán cao lầu, giá cũng không quá đắt. Cao lầu là món mì đơn giản như mì Quảng, ít nước lèo, mì trộn cùng rau, thịt, tôm, sợi cao lầu làm bằng bột gạo Hội An, ngâm nước tro từ củi tràm ở cù lao Chàm, nhất là phải dùng nước từ giếng Bá Lễ, sợi mì mới dai đúng điệu, và mới đúng là món cao lầu đặc sản tại Hội An. Các quán hàng cao lầu chỉ để dành phục vụ du khách, riêng dân Hội An không ăn ở những nơi này, họ chuộng hàng gánh lề đường, giá rẻ, ngon và nổi tiếng không kém hàng quán to. Nhất là các quán ven bờ sông gần Chùa Cầu còn có món Chí Mà Phủ là tên gọi của món chè mè đen, thơm ngọt, béo ngậy , đây là nét văn hóa ẩm thực của người Hoa còn sót lại tại phố cổ này. Hội An còn đặc sản bánh tráng đập ăn cùng hến trộn. Do nhiều người Hoa tập trung sinh sống nên Hội An còn nổi tiếng với bánh bao và bánh vạc. Hai loại bánh này đều có nhân tôm thịt, nhưng ngon đặc biệt hơn là nhờ ngâm bột bằng nước giếng Bá Lễ và chấm bằng nước chấm chính hiệu do người bán bánh làm ra.
 
 
Làng rau Trà Quế
 
Lẩn khuất giữa phố cổ Hội An thanh bình là làng rau truyền thống Trà Quế thuộc xã Cẩm Hà, thị xã Hội An (Quảng Nam) cách Hội An hơn 3 km về hướng Tây bắc và cách TP Đà Nẵng chưa đến 20km về phía Nam. Rau xanh Trà Quế nổi tiếng từ rất lâu với nhiều sản phẩm rau được trồng trên đất đai màu mỡ, bón bằng loại rong lấy từ sông Cổ Cò nên có hương vị đặc trưng riêng.
Trà Quế không chỉ là thương hiệu nổi tiếng về làm rau sạch chất lượng cao mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Nhờ hương vị đặc biệt mà rau Trà Quế đã góp phần làm nổi tiếng các món ăn dân dã riêng có ở Hội An và Quảng Nam. Rau hành, ngò thì kết hợp với món gỏi sứa, canh chua; cải bằng, ngổ điếc... dùng để nấu lẩu; rau răm, húng, hành lá dùng trong món hến trộn khoái khẩu ở vùng Cẩm Nam. Còn món mì Quảng thì phải ăn với rau sống Trà Quế mới thấy được cái ngon của sự phối hợp hương vị của thiên nhiên.
Theo bác Bảy – một nông dân đến làng rau từ thuở ban đầu thì “ đa số người dân ở đây đến từ các tỉnh phía Bắc như Thanh Hóa, Nghệ An. Nơi đây đầu tiên chỉ là những bãi đất hoang tàn. Người dân đã nghĩ cách vượt khó bằng việc cải tạo đất đai để trồng rau sạch, rau xanh Trà Quế trước hết phải “sạch” từ khâu chọn đất và hệ thống nước tưới không bị ô nhiễm. Đất được tăng độ mùn và tơi xốp bằng các loại phân chuồng , phân vi sinh chế biến từ thảo mục. Cách trồng và chăm sóc truyền thống được người làng rau Trà Quế áp dụng với tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất rau sạch theo quy trình khép kín. Nhờ vậy mà không ảnh hưởng đến môi trường, đến người trồng rau và đặc biệt là không ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.”
 
 
Về Trà Quế, du khách có dịp thưởng thức món tam hữu truyền thống của người làng rau. Món ăn này không thể thiếu trong giỗ chạp, cúng xóm, cúng đình và... đãi khách quý. Cách chế biến không cầu kỳ nhưng phải có đầy đủ các nguyên liệu là tôm đất, thịt heo và các loại rau trồng trên đồng đất Trà Quế.
Những luống diếp cá, xà lách, cải xanh, húng, hành, ngò, tần ô, rau mùi... xanh mơn mởn trên những luống dài tăm tắp thật thích mắt. Du khách đến với Trà Quế cũng bị “mê hoặc” bởi những luống rau xanh và tấm lòng mến khách của cư dân nơi đây nên đã không ngần ngại tự nguyện làm “nông dân làng rau Trà Quế”. Họ cùng xắn tay áo cuốc đất, trồng rau, tưới nước chăm bón cho rau. Sau một ngày “lao động” vất vả, những “nông dân” này lại thưởng thức các món ẩm thực “đặc sản” của làng nghề truyền thống này.
 
 
Rừng dừa 7 mẫu
 
Ở nơi “hội thủy” của 3 con sông lớn Thu Bồn, Trường Giang, Đế Võng, có một rừng dừa nước ngập mặn đang là điểm đến thú vị…
Cách khu phố cổ Hội An chừng 5km về phía đông, rừng dừa nước ngập mặn Bảy Mẫu (thuộc địa bàn thôn 2 và 3, xã Cẩm Thanh)  được bao bọc bởi sông nước. Nước trải ra giữa mênh mông trời mây. Nơi đây từng là căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến và là một trong những phần lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Hội An - Cù Lao Chàm.  
 
Từng bị giặc Pháp “cày trắng” nhưng với sức sống mãnh liệt, những ngọn dừa bị chặt đi lại mọc lên xanh. Nhiều lúc, trong thế không tương xứng về lực lượng nhưng du kích địa phương đã dựa vào rừng dừa gây cho địch nhiều tổn thất. Sau Hiệp định Giơnevơ, giai đoạn khó khăn của cách mạng, rừng dừa Bảy Mẫu đã trở thành nơi che chở, trú ẩn cho nhiều cán bộ cách mạng của Thị ủy Hội An và Tỉnh ủy Quảng Nam trong những đợt “tố cộng, diệt cộng”.
Đêm 27-9-1964, nhân dân Cẩm Thanh đã đứng lên nhất tề đồng khởi, rừng dừa Bảy Mẫu đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Với kế nghi binh dùng súng bẹ dừa và hành quân rầm rộ khiến địch hoang mang, hốt hoảng, quân ta đã đánh úp đồn phòng vệ dân sự, bắt gọn một trung đội nghĩa quân và nhiều tên ác ôn, tuyên bố giải phóng hoàn toàn Cẩm Thanh.
Rừng dừa Bảy Mẫu không chỉ là khu di tích có giá trị lịch sử đặc biệt, đây còn là vùng sinh thái độc đáo với hệ rừng ngập nước có thắng cảnh hữu tình. Trước những năm 1980, rừng dừa trải rộng trên các thôn 1, 2, 3, 8 của xã Cẩm Thanh với diện tích lên tới hàng trăm héc ta. Ngày nay, tuy đã bị thu hẹp chỉ còn 58ha nhưng rừng dừa vẫn là nét đặc trưng hiếm có ở vùng sông nước. 
 
 
Tại vùng này, trên các cồn gò và các vực nước chung quanh có hệ sinh thái cỏ biển. Đây còn là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động vật biển giá trị, nhất là các loài tôm, cua, ghẹ và động vật thân mềm. Các thảm cỏ biển là nơi sinh sống và bắt mồi của nhiều loài hải sản. Các hệ sinh thái ngập mặn này còn đóng vai trò như một máy lọc sinh học, tích tụ và phân hủy chất thải, làm trong sạch nguồn nước trước khi về với biển. Năm ngoái, UNESCO đã công nhận Hội An - Cù Lao Chàm là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó có hệ sinh thái vùng ngập mặn thuộc hạ lưu sông Thu Bồn này.
 
 
Bãi Cửa Đại
 
Kề bên làng dừa Bảy Mẫu là bãi tắm Cửa Đại: thuộc phường Cẩm An, thị xã Hội An. Cửa Đại nằm cách đô thị cổ Hội An 5km về hướng Đông. Đây là bãi tắm lý tưởng, có bãi cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng nhỏ và luôn được mặt trời chiếu sáng.  Đến với Cửa Đại du khách có thể được tham gia vào các hoạt động đánh bắt chài lưới của một ngư dân thực thụ. Biết cách đan lưới vào tay như thế nào để khi tung lưới, lưới bung ra rộng khắp, và bay thật xa để thu được nhiều cá. Sau khi thu hoạch chiến lợi phẩm, du khách sẽ được thưởng thức món cá nướng que ngay trên bãi biển. Mùi cá nướng thơm phức quyện với mùi mặn của biển cả sẽ lưu lại cho du khách một kỷ niệm khó quên khi đến với Hội An Phố Cổ này.
Do sự bồi lắng của cửa sông và bao biến động của lịch sử sau nhiều thế kỷ, địa danh Hội An không còn là thương cảng nhưng dấu ấn một thời vàng son của nó vẫn để lại những giá trị văn hóa vô giá. Chính vì lý do đó, tháng 12.1999, tổ chức UNESCO đã ghi tên đô thị cổ Hội An vào danh mục Di sản văn Hóa Thế giới. Di tích Hội An bao gồm chùa cầu, nhà cổ, Hội quán, bảo tàng, nhà thờ họ… hầu hết xây dựng vào thế kỷ 19, 20. Các ngôi nhà cổ kiểu nhà ống có mặt tiền hẹp, có khi thông hai phố, chiều cao không quá 2 tầng, tường bao bọc bằng gạch, phía trong là ván gỗ. Kiến trúc các công trình đều có dạng dốc, lợp ngói âm dương, kiểu dáng và trang trí nội thất bảo tồn phong cách cổ của cư dân người Việt, ảnh hưởng từ Nhật và người Hoa. Ngoài những di sản vật thể, cộng đồng Hội An còn bảo tồn, lưu giữ những vốn cổ trong cuộc sống, hoạt động văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ, ẩm thực… Tất cả những yếu tố này tạo cho đô thị cổ Hội An dáng vẻ riêng đậm nét xưa.
Theo Tạp chí Du lịch & Giải trí