Nếu có thời gian, hãy đến và cùng tiễn mùa đông với lễ hội Maslenitsa - Ảnh: Hoàng Hà Mai |
Tên gọi Maslenitsa (có gốc nghĩa là “bơ”) bắt nguồn từ việc vào tuần lễ cuối cùng trước khi kỳ lễ ăn chay của người Cơ Đốc giáo bắt đầu, mọi người được phép ăn các món từ sữa, cá, cũng như sử dụng bơ và các loại dầu ăn…
Lễ tiễn mùa đông là lễ hội truyền thống của người dân Nga nhằm tiễn biệt mùa đông lạnh lẽo và chào đón mùa xuân tràn đầy sức sống quay về. Khởi nguồn từ thời kỳ sản xuất nông nghiệp, vào mùa đông, người nông dân không thể trồng cấy trong giá lạnh và băng tuyết, nên một lễ hội như vậy có phần nào giống với lễ hội cầu mưa ở nhiều nơi trên thế giới. |
Tuần lễ Maslenitsa được chia thành hai phần. Nửa đầu là tiểu lễ Maslenitsa kéo dài từ thứ hai đến thứ tư. Nửa sau là đại lễ Maslenitsa kéo dài từ thứ năm cho tới chủ nhật. Mỗi ngày lễ trong tuần lễ Maslenitsa này đều có tên gọi gắn với ý nghĩa riêng.
Ngày thứ hai: “Gặp gỡ” - ngày này các cô con dâu sẽ về nhà bố mẹ. Buổi chiều, ông bà thông gia sẽ gặp nhau, hai bên hẹn ngày gặp và thời gian cùng đi chơi với họ hàng. Cũng trong ngày này, những ngọn đồi tuyết, những cây đu, những điểm vui chơi được dựng lên. Nhà nhà cùng bắt đầu nướng bánh blin (một loại bánh giống như bánh xèo ở ta). Và quan trọng nhất là dựng một hình nộm Maslenitsa lớn từ rơm rạ, quần áo và các vật dụng cũ.
Những chiếc bánh blin là một phần không thể thiếu trong ngày lễ Maslenitsa |
Ngày thứ ba: “Vui chơi” - ngày này cũng được gọi là ngày xem mặt. Nam nữ thanh niên rủ nhau đi lên đồi trượt tuyết, ăn bánh blin từ sáng sớm.
Ngày thứ tư: “Ăn uống” - trong ngày này, chàng rể sẽ đến nhà mẹ vợ ăn bánh blin cùng bạn bè bên nhà vợ. Và có phần nào tương đồng với tập quán “mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ” ở Việt Nam, vào thứ sáu với tên gọi “Buổi tối của mẹ”, mẹ vợ sẽ đến thăm lại nhà con rể và ăn bánh blin do con gái tự tay làm.
Ngày thứ năm: “Chơi bời” - là ngày bắt đầu đại lễ Maslenitsa. Nếu trong ba ngày tiểu lễ, những công việc thường nhật vẫn có thể được làm thì kể từ ngày này đều được tạm dừng. Chỉ còn vui chơi và lễ hội. Mọi người tham gia tất cả trò chơi có thể: từ cưỡi ngựa, đấu vật… cho đến ném tuyết, công thành tuyết… Những trò chơi này mang ý nghĩa rũ bỏ mọi phần u ám trong năm trước, cũng như gỡ bỏ mọi mâu thuẫn giữa mọi người.
Ngày thứ bảy: “Chị em chồng tụ họp” - ngày cô con dâu sẽ cùng chồng thăm các chị em gái bên chồng. Tùy xem chị em chồng đã có gia đình hay chưa mà cô dâu có thể rủ theo các bạn gái đã có hoặc chưa có gia đình của mình cùng đi.
Tất nhiên, tâm điểm của tuần lễ vẫn là chủ nhật - ngày “Tiễn mùa đông”. Trong ngày này, mọi người vui chơi, gặp gỡ, chúc mừng nhau ngày lễ và mong tha thứ cho những điều chưa được trong năm. Mọi người sẽ cùng tập trung và nổi lửa đốt cháy hình nộm lớn Maslenitsa, nhằm xua đi cái lạnh của mùa đông. Đón mùa xuân ấm áp quay về.
Đốt hình nộm Matslenitsa để xua đi mùa đông lạnh giá - Ảnh: Hoàng Hà Mai |
Lễ hội Maslenitsa ngày nay tuy đã có nhiều biến đổi để phù hợp với cuộc sống và công việc hiện đại, nhưng cái hồn của ngày lễ vẫn không hề thay đổi. Những chiếc bánh blin ngon tuyệt tròn trịa tượng trưng cho mặt trời và nắng mùa xuân ấm áp được làm ở mọi nhà.
Từ những chiếc bánh truyền thống với bơ, phómát, trứng cá, cá muối, thịt gà, lẫn vị smetana (sữa chua) béo ngậy, cho đến những chiếc bánh phết mứt hoa quả hay mật ong ngọt ngào ăn mãi không biết chán. Vẫn đúng là tinh thần “không có bánh blin thì không phải là Maslenitsa”.
Khắp mọi nơi trên toàn nước Nga, ở những quảng trường, những khu dân cư, những khoảng rừng rộng hay cả trong các trường học…, bạn đều có thể gặp cảnh tất cả mọi người nắm tay nhau thành vòng tròn nhảy múa ca hát, chơi những trò chơi dân gian quanh hình nộm đang bốc lửa.
Du khách đến bất kỳ nơi nào vào thời điểm này cũng sẽ bị kéo vào cuộc chơi nhiệt tình không thể cưỡng nổi. Tiếng nhạc accordeon đặc trưng Nga quyến rũ đến lạ kỳ. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình nóng người lên nhanh chóng sau vài bước giậm chân hòa mình theo những bước nhảy khéo léo của các chàng mugích xung quanh.
Theo Tuổi Trẻ