VANARASI THÀNH PHỐ CỔ HƠN LỊCH SỬ

THÀNH CỔ VARANASI

Varanasi là thành phố nằm ở Bang Uta Pradesh, miền Trung Bắc Ấn Ðộ. Ðây là thành phố giao hòa của hai tôn giáo Phật và Hindu giáo. Cách không xa Varanasi có khu vực Sarnath (Vườn Nai), nơi Ðức Phật đã có bài giảng pháp lần đầu tiên sau khi ngài thành đạo cách nay hơn 2500 năm. Còn Varanasi quan trọng với tín đồ Hindu giáo vì từ khi sinh ra, họ đã được dạy rằng, chỉ có tắm gội ở dòng sông Hằng và đến cuối đời được hỏa táng tại Varanasi rồi bụi tro rải xuống dòng sông thì người đó sẽ được về miền cực lạc. Ðể đến được Varanasi từ Việt Nam, tuyến đường nhanh nhất là quá cảnh tại Thái Lan trước khi đáp chuyến bay Bangkok – Varanasi của hãng hàng không Thai Airways. Tính cả thời gian chờ và bay cũng tròm trèm một ngày trời.

Thành cổ Varanasi về chiều thật đông đúc với tràn ngập những chiếc xe richshaw (một loại xe đạp lôi giống ở miền Tây Việt Nam trước đây). Những chú bò nhởn nhơ lang thang ngay giữa phố, không hề bị chút than phiền nào, có chú còn nằm ngay giữa ngã tư bình thản nhai lại là minh chứng cho sự tôn sùng tôn giáo Hindu không chỉ ở Varanasi mà còn khắp đất nước Ấn Ðộ. Người theo Hindu giáo thờ bò bởi bò là linh vật cưỡi của thần Shiva – vị thần cao cả của đạo Hindu. 

Lang thang qua những con đường Varanasi đến tận bờ sông Hằng, rất dễ bắt gặp những tay cò của các cửa hàng quần áo, khách sạn, thuốc lá hay cho thuê thuyền đi trên sông. Trong bộ dạng và vẻ bề ngoài khác biệt, chúng tôi liên tục nghe những câu chào “Hello my friend...”, nhưng tay cò đồng hành hỏi han rất nhiều thứ đôi khi không dứt ra được.

 

Trên con đường chính dẫn thẳng ra bờ sông, chúng tôi đi ngang đám đông mà những tưởng là một cuộc ẩu đả. Hóa ra đây là một chợ bán sữa, chỉ toàn sữa là sữa. Những người đàn ông liên tiếp đẩy những chiếc xe đạp treo hai bình sữa bên hông xe vào con hẻm nhỏ. Ðiều đặc biệt ở xã hội Ấn Ðộ là chúng tôi không thấy bóng dáng phụ nữ bán hàng ở bất cứ ngôi chợ nào, đàn ông đa phần đảm nhận việc buôn bán, phụ nữ chỉ ở nhà lo chăm sóc gia đình. Chúng tôi ghé hỏi chuyện một ông lão có vẻ dễ tính thì gặp phải cái lắc đầu bởi vì ông không biết nói tiếng Anh. Lang thang trong thế giới sữa chỉ dài khoảng 30m đường, mọi người đã có vẻ quen với sự xuất hiện của hai gã lữ khách nên dần dần chúng tôi có dịp trò chuyện sâu hơn với những người thanh niên bán sữa. Họ cho biết đây là chợ sữa duy nhất ở Varanasi. Tất cả các loại sữa được tập trung về đây bán. Cách thử sữa ở đây cũng hơi rùng mình, người mua để nguyên cánh tay trần, chọc thẳng vào bình sữa rồi để sữa trong lòng bàn tay ngắm nghía một hồi họ mới uống thử. Tôi hỏi anh Ragip (người bán sữa) tại sao lại phải làm thế thì anh chỉ bảo, thử như thế mới biết sữa mới hay cũ, có đặc hay không. Cuộc ngã giá cũng rất nhanh, nếu đồng ý, người mua chỉ cần mang bình của mình đến và đơn bị bán được tính bằng những chiếc ca làm bằng nhôm với dung tích khoảng 1 lít.

Chợ sữa không ai có thể biết được tồn tại từ khi nào, các thế hệ đi trước của Ragip cũng chỉ bảo con cháu mình, có bán sữa thì nhất định phải đi ra đây. Ánh nắng chiều xuống thấp làm in bóng những người bán sữa khắc khổ trên nền đất, ai cũng muốn bán nhanh để còn trở ra bến sông Hằng. Ðêm nay mọi người sẽ lại tập trung để dự một buổi lễ thiêng liêng bên bến sông

 

SÔNG HẰNG HOÀNG HÔN...

7 giờ tối, những ngày tháng 4 nắng nóng oi bức nhưng chiều về lại trở nên mát lạnh bởi những cơn gió từ ngoài sông thổi vào. Mọi người đổ dồn về phía Dasaswamedh Ghat – Một bến sông chính mà những người Ấn Ðộ thường gọi là Main Ghat, trong tiếng Hindi nó có nghĩa là “nơi thần Brahma đã hiến tế 10 con ngựa”. Hàng ngàn người đã tập trung tự lúc nào và khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một chỗ ghé chân. Từ đây chúng tôi có thể thấy 5 vị đạo sỹ trẻ với khuôn mặt khôi ngô đang chuẩn bị rất nhiều những lễ cụ để bắt đầu cho buổi lễ. Bên cạnh chúng tôi là một gia đình người Ấn đi hành hương ở Varanasi. Họ nói thứ tiếng Anh hơi khó nghe nhưng cuối cùng chúng tôi cũng hiểu ra đây là buổi lễ cúng mẹ sông Hằng và chào tạm biệt mặt trời. Buổi lễ được bắt đầu với tiếng loa phát ra những bài hát về sông Hằng, các vị đạo sỹ tập trung vừa hát vừa vỗ tay giữa lễ đài hướng ra bờ sông. Ngoài mép sông, thuyền của các du khách cũng cập vào tham gia buổi lễ.

Sông Hằng là dòng sông mẹ của các dòng sông, dòng sông có thể gột sạch mọi tội lỗi bụi trần. Sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, người dân Varanasi tìm đến đây để dâng mình cho mẹ sông Hằng, trên tay họ là những bông hoa, đèn cầy được đặt cẩn thận trong một khay nhỏ vừa bằng lòng bàn tay. Tiếng trống rộn ràng vang lên cùng với tiếng chuông phát ra từ 2 quả chuông réo rắt treo trên cổng của ghat chính. Các đạo sĩ mở đầu buổi lễ bằng tiếng tù và làm từ vỏ ốc mang lại cảm giác linh thiêng. Mọi người đều như bị cuốn vào âm thanh trầm ấm ấy.

 

Ðể nuôi dưỡng niềm tin tuyệt đối từ dòng sông thiêng, các tín đồ Hindu giáo thành kính nguyện cầu khi khác đạo sĩ lên đài và thực hiện những nghi lễ gọi là Ganga Aatir với ngọn lửa thiêng và những điệu múa mà họ gọi là puja. 5 vị đạo sĩ lần lượt sử dụng những chiếc quạt, lông công, đặc biệt là những đài lửa có hình rắn thần Naga. Những tín đồ Hindu giáo như rơi vào trạng thái nhập thần, họ chắp tay, miệng liên tục đọc những bài kinh trong Ấn giáo. Nhang và thảo dược được đốt lên để dâng mẹ sông Hằng. Khi cử lễ, các đạo sĩ phải quay về bốn hướng để tỏ lòng kính trọng với các vị thần trong đó có thần lửa Agni. Những ngọn lửa được đốt bằng bơ sữa trâu làm rực sáng cả lễ đài hòa với tiếng trống tiếng chuông rộn ràng không ngớt khiến chúng tôi cũng dấy lên những cảm xúc khó tả.

Những ngọn đèn được thả trôi dòng sông Hằng, các tín đồ Hindu giáo hạnh phúc nhận những bông hoa cúng từ vị đạo sĩ. Một ngày dài trôi qua với họ nhưng chỉ mới bắt đầu hành trình đi giữa hai bờ hư thực của chúng tôi ở thành cổ Varanasi.

 

...VÀ BÌNH MINH SÔNG HẰNG

5h sáng, sau tiếng báo thức đồng hồ, chúng tôi vội vàng thức dậy. Mùa này trời sáng khá nhanh, vừa bước đến bậc thang cuối cùng của ghat nhỏ, chúng tôi có thể nghe thấy tiếng xôn xao phía trước. Dasaswamedh Ghat buổi sáng tấp nập không kém buổi lễ đêm qua và tràn ngập sắc màu toát lên từ những bộ sari truyền thống của các phụ nữ Ấn. Một cảnh tượng ngợp thở vì trên bến dưới thuyền đâu đâu chúng tôi cũng thấy người, trong số ấy có những người Ấn hành hương, có du khách, có người dân bản địa.

Ngay sát bờ sông, những người dân bình thản trầm mình xuống dòng sông, tắm rửa, gội đầu và đánh răng. Ngay ở Ghat này, người ta cho vẽ chân dung hai vị thần Mẹ sông Hằng và thần Shiva trên hai cột lớn của nhà máy nước. Hình ảnh thần Shiva với mái tóc dài với dòng nước chảy ngược vào mái tóc giải thích cho sự hình thành của dòng sông Hằng. Xưa kia người dân vùng này không có nước sinh hoạt vì hạn hán, họ đã cầu xin các vị thần ban nước để có thể tồn tại. Lời thỉnh cầu được đáp lại nhưng thần lại cho dâng nước quá cao gây cảnh ngập lụt. Những người dân thường bé nhỏ lại một lần nữa đăng đàn cầu nguyện và thần Shiva xuất hiện, nhúng mái tóc của mình xuống dòng nước lớn để hút nước và dòng Sông Hằng được hình thành từ đó.

Chúng tôi lên chiếc thuyền nhỏ chèo dọc đoạn sông dài hơn 2km, từ đây có thể nhìn toàn cảnh sinh hoạt của người dân Varanasi vào sáng sớm. Tiếng giặt giũ, cầu nguyện, tiếng chơi đùa của trẻ con, tiếng chuông, tiếng trò chuyện... tất cả tạo nên một thứ âm thanh đặc quánh bao trùm góc bờ sông.

Từ phía Ðông, mặt trời màu đỏ từ từ hiện lên, tất cả mọi người đều hướng về cầu nguyện. Ở một bến sông, vị đạo sĩ với đài lửa trên tay cùng vài đồng môn đánh chuông, đánh trống làm lễ chào ngày mới. Những vị tu sĩ trẻ cũng làm những động tác tôn kính vị thần ánh sáng. Mọi người như bị cuốn vào khoảng khắc được chờ đợi nhất trong ngày. Mặt trời lên rất nhanh, chẳng mấy chốc đã làm cho không khí bắt đầu nóng lên. Chúng tôi nhờ anh lái thuyền chèo sang bờ Ðông sông Hằng, nơi đây là bãi đất trống trải dài tít tắp, lặng thinh không bóng người. Thời gian ở hai bên bờ sông thật trái ngược, bên kia với những ghat lớn nhỏ luôn ồn ào tấp nập vội vã, còn bên này mọi thứ cứ chầm chậm trôi. Chúng tôi ngồi một hồi lâu để cảm nhận góc êm đềm của sông Hằng trước khi trở lại khám phá những lâu đài bên sông mà người ta vẫn thường gọi là ghat.

 

NƠI NGỌN LỬA CHÁY HƠN 2000 NĂM

Chúng tôi quyết định chia tay người lái thuyền ở ghat đầu tiên phía Nam sông Hằng, 9h sáng, nắng đã bắt đầu làm mọi thứ trở nên nóng nực và sáng lóa khiến cho những bước chân trở nên khá nặng nề. Ðã nhiều thế kỉ trước, ở Ấn Ðộ có rất nhiều thành bang và được cai trị bởi những vị vua khác nhau. Varanasi từ thời bấy giờ đã là một trung tâm hành hương của các tín đồ Hindu giáo bởi nơi đây, dòng Sông Hằng sau những thác ghềnh từ dãy Himalaya đổ xuống lại trở nên hiền hòa êm đềm kỳ lạ. Những lâu đài bên bờ sông cứ san sát mọc lên mà người ta hay gọi là ghat để nhà vua và dân chúng của các thành bang có thể đến để gột rửa và dâng mình cho dòng sông Hằng.

Những ghat được xây dựng trong nhiều giai đoạn và mang nhiều âm hưởng kiến trúc khác nhau, đa phần được xây dựng khá cao ráo bằng đá sa thạch, gạch và trát vữa bên ngoài. Sau này, trong quá trình trùng tu tôn tạo họ bắt đầu dùng xi măng để gia cố và đồng thời trang trí các ghat với những hình ảnh về Hindu giáo như các vị thần Shiva, Brahma, Vishnu, Ganesha... Dọc theo chiều dài 2km của dòng sông Hằng ở thành cổ Varanasi, có 2 ghat ấn tượng nhất với chúng tôi đó là Harischandra và Manikarnika, nơi chuyên thiêu xác người đã mất.  Ghat Harischandra nằm phía Nam sông Hằng ít người và vắng vẻ so với Ghat Manikarnika ở phía Bắc. Chúng tôi quyết định theo hướng bắc ghé thăm Manikarnika Ghat. Trước khi tiến vào khu vực ghat Manikarnika, những người dân bản địa quanh đó liên tục nhắc nhở “No photo, no photo” (không được chụp ảnh).  Người lái đò lúc chèo thuyền ngang ghat này cũng đã dặn dò trước rằng chúng tôi phải hết sức cẩn thận, tuyệt đối không chụp ảnh, nếu người ở trong ghat thấy được họ sẽ có quyền ném máy ảnh xuống sông.

 

Ở Ấn Ðộ, ngoài cảm nhận mọi thứ bằng màu sắc, bằng âm thanh, nơi đây còn có những mùi rất đặc trưng. Ðó là mùi quế hồi mà những người đàn ông hay nhai khi rảnh rỗi, là mùi của những bãi rác thải khắp nơi,... Ở ghat Manikarnika có một mùi rất đặc biệt. Ðó là mùi của củi, của hoa, của xác bị thiêu và để lại những ấn tượng khó quên với chúng tôi. Len lỏi vòng vèo khá nhiều tôi mới lên được tầng tháp lửng của ghat. Xung quanh chất đầy củi, nền đất phủ một lớp tro dầy. Phía bên dưới, đã có sẵn 3 người đang chờ đến lượt lên giàn hỏa thiêu. Thi thể họ được đặt trên một chiếc cáng bằng tre, trước khi thực hiện nghi lễ, những người thân trong gia đình nhúng xác họ xuống dòng sông Hằng lần cuối cùng để hóa giải mọi tội lỗi. Ngọn lửa bùng lên và mọi thứ tan biến dần thành tro sau vài giờ đồng hồ.

Hầu như không có tiếng than khóc, chỉ có tiếng lép bép của tàn lửa và tiếng búa chẻ củi. Với người theo Hindu giáo, được hỏa táng ngay bên dòng sông Hằng là niềm mong mỏi cả cuộc đời họ. Chỉ có những gia đình có điều kiện mới có thể đưa người thân đến đây. Lúc sáng, khi ngỏ lời muốn ghé ghat Manikarnika, anh lái thuyền đã cho chúng tôi biết, có nhiều người Ấn ở khắp các miền, khi linh cảm về sự ra đi, họ chuyển đến Varanasi rồi chờ đến ngày qua đời để được hỏa táng. Những tín đồ Hindu giáo vẫn bình thản tắm gội, tẩy trần, gần những xác người. Chiếc thuyền nhỏ từ từ chèo ra giữa dòng. Ðã quá trưa, sông Hằng tịnh không bóng thuyền, người thanh niên lặng lẽ rải tro xuống dòng sông. Một kiếp người đã qua đi lặng lẽ, đứa con của các vị thần lại về với cát bụi nhưng chúng tôi chắc chắn họ đã rất mãn nguyện bởi được dòng sông mẹ linh thiêng ôm vào lòng.

Những ngày lưu lại Varanasi với chúng tôi thật ấn tượng. Ðó là thành phố cổ luôn chuyển động không ngừng, là thành phố nơi giao hòa của hai tôn giáo lớn. Bỗng chợt nhớ câu chuyện về một phần tro kim thân của Ðức Phật ở Sanarth, sau khi được khai quật, người ta vì không biết cũng đã mang ra rải ở chính dòng sông Hằng. Gạt bỏ qua những khó chịu và sân si vì thời tiết, vì những tay cò dai dẳng, bước chân của chúng tôi nhẹ bỗng nơi thành cổ ngàn năm tuổi. Chính nơi đây thế tục và cực lạc như hòa quyện làm một…

 

Theo Tạp chí Du lịch & Giải trí