Nhiều khu di tích như Ephesus, quảng trường Hippodrome… có thể sánh với Rome của Ý hay Athens của Hi Lạp. Nhưng với tôi, Pamukkale mới là một tuyệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước này.
Pamukkale nhìn từ xa như một ngọn núi tuyết trắng xóa - Ảnh: Lê Nam |
Từ lâu đài bông Pamukkale
Trước khi lên đường đi Thổ Nhĩ Kỳ, lúc tìm hiểu thông tin chúng tôi đã choáng ngợp trước vẻ đẹp của Pamukkale, nhưng đến đây mới thật sự ngạc nhiên về sự kỳ thú của nó. Pamukkale theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là lâu đài bông. Địa danh ở tỉnh Denizli này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1988.
Gần như chẳng còn lâu đài hoành tráng nào của thời Hierapolis còn hiện diện ở đây, mà thay vào đó là những suối nước địa nhiệt chứa một trữ lượng muối canxi rất cao cùng nhiều khoáng chất mang theo mùi lưu huỳnh, hợp chất calcium bicarbonate… Dòng suối khoáng chảy qua các gờ cao như ruộng bậc thang, qua nhiều niên kỷ đã hình thành chuỗi dài nhũ đá canxi trắng toát.
Nhìn từ xa, Pamukkale như một quả núi tuyết với những lan can nước chìa ra vô cùng kỳ thú. Pamukkale nằm trong vành đai lửa, qua nhiều lần phun trào nham thạch đã làm biến chất đá vôi. Hàng chục dòng suối nước ngầm, mỗi ngày chảy khoảng 22.000m3 nước mang nhiều khoáng chất liên tục chảy trên bề mặt đá vôi đã tạo nên một màu trắng đặc trưng có một không hai của nơi này.
Truyền thuyết kể lại rằng ngày xưa ở vùng này có một cô gái xấu đến nỗi chẳng chàng trai nào đoái hoài. Nàng quyết định lên núi gieo mình xuống hồ nước nóng trên núi đá vôi tự tử nhưng không chết mà nước khoáng nóng trong hồ lại giúp nàng trở nên xinh đẹp lạ thường, da dẻ hồng hào, mịn màng, tươi trẻ. Nàng trở thành tâm điểm và thu hút nhiều chàng trai trong vùng, trong đó có thủ lĩnh vùng Denizli. Chẳng lâu sau hai người thành vợ chồng. Người dân trong vùng từ đó kéo nhau lên vùng núi này để tắm suối khoáng nóng nhằm tìm đến một cuộc sống tươi trẻ, hạnh phúc hơn...
Những gò đá trắng đặc trưng của Pamukkale - Ảnh: Lê Nam |
Spa thiên nhiên khổng lồ
Những suối nước nóng này đã trở thành spa từ thế kỷ thứ hai khi người Roma xây dựng ở đây thành phố cổ Hierapolis để người dân đến trị liệu, tắm khoáng, xoa dịu sự đau đớn, phiền muộn... Ngày nay vẫn còn dấu tích các phòng tắm, nơi nghỉ dưỡng cũng như nhà hát của vua chúa và tầng lớp quý tộc… Thậm chí ngày xưa nhiều người còn chọn nơi đây để về ở ẩn và chết tại đây. Cách “lâu đài bông” không xa vẫn còn khu nghĩa trang cổ với quan tài làm bằng cả khối đá cẩm thạch trắng…
Vùng đất này, trong quá khứ cũng như hiện tại, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, tắm suối khoáng khiến Pamukkale trở thành điểm du lịch nổi tiếng đông khách vào hàng bậc nhất Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ năm 1996 chính quyền cấm các nhà hàng, khách sạn lấy nước khoáng của khu vực này, kế tiếp là buộc tất cả nhà hàng, khách sạn dời ra ngoài khu vực này. Toàn bộ khu bảo tồn được sắp xếp lại để phục vụ khách tham quan, tắm nước khoáng ngay trong hồ bơi có nhiệt độ 31-35 độ C với giá 30 lira/người (1 lira khoảng 12.000 đồng).
Các nguồn suối nước khoáng nóng hiện ngày càng ít đi, chính quyền địa phương đã xây dựng hệ thống giữ nước và bơm ngược lên duy trì “lâu đài bông” không bị chuyển màu, những thềm nhũ đá sinterterrassen bị hư hỏng được sửa chữa khéo léo, thay thế bằng những khối bêtông đặc biệt nhìn như đá vôi tự nhiên.
Phế tích nhìn từ đỉnh Akropolis, thành phố Canakkale - Ảnh: Lê Nam |
Đến bảo tàng lớn ngoài trời Ephesus
Đi Thổ Nhĩ Kỳ mà chưa đến Ephesus coi như đã bỏ lỡ cơ hội nghìn vàng để tìm hiểu về đế chế La Mã một thời làm mưa làm gió ở châu Âu. Nằm ở thành phố Selcuk, tỉnh Izmir, Ephesus được xem là bảo tàng lớn ngoài trời của Thổ Nhĩ Kỳ. Nó được vương triều Attic - Ionian của người Hi Lạp cổ thành lập vào thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên, nhưng lại mang kiến trúc rất đặc thù của người La Mã.
Nói là bảo tàng lớn ngoài trời cũng chẳng ngoa vì nơi đây vẫn còn những công trình kiến trúc lớn như Thư viện La Mã Celsus, nhà thờ thánh John, đền thờ Hadrian, cổng chào Augustus, đền thờ nữ thần Artermis (một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại), các nhà hát khổng lồ ngoài trời, và xa hơn chút xíu trong một góc nhỏ trên sườn núi đá Pion có ngôi nhà thờ Đức mẹ Maria đã sống những ngày cuối đời trước khi về trời.
Không di sản La Mã nào trên thế giới còn lưu giữ được lại rộng lớn hơn về quy mô như ở Ephesus. Vào thời kỳ đế chế La Mã hưng thịnh, đây là thành phố La Mã lớn thứ hai chỉ sau Rome và cũng là thành phố lớn thứ hai thế giới thời kỳ đó. Chỉ riêng khu di tích còn lại của thành phố cổ đại này đã dài hơn 3km, mất ít nhất hai giờ để nhìn ngắm những gì còn lại như nhà hát, nhà tắm công cộng, đền thờ, khu chợ, quảng trường, thư viện…
“Có một nơi tôi biết nhưng các bạn không biết và tối nay tôi sẽ không ngủ được nếu chưa chỉ cho các bạn” - Ammet M. Bilgen, một hướng dẫn viên du lịch có 22 năm kinh nghiệm, thì thầm với chúng tôi. Nơi mà Ammet muốn giới thiệu chính là nhà vệ sinh tập thể xây từ 2.000 năm trước!
“Đây cũng là nơi các thành viên viện nguyên lão ngồi bàn các vấn đề trọng đại trước các cuộc họp - Ammet khẳng định - Nơi này lúc cao điểm có thể chứa 70 người và nằm ở một vị trí rất chiến lược”. Ngay phía sau lưng nhà vệ sinh công cộng này là khu buôn bán, trao đổi hàng hóa, đối diện xích lên chút xíu là Thư viện La Mã Celsus, nằm bên kia đường đối diện khu thương mại là khu phố đèn đỏ.
Ngựa Troy Hollywood quay phim xong tặng lại cho thành phố Canakkale - Ảnh: Lê Nam |
Nhiều du khách thích thú khi đến hồ bơi tắm khoáng, nghỉ dưỡng… - Ảnh: Lê Nam |
Thư viện La Mã ở thành phố cổ Ephesus - Ảnh: Lê Nam |
Theo TuoiTre