Những tranh cãi gay gắt đã vượt ra ngoài khuôn khổ một bộ phim và cuốn dư luận vào những cuộc khen chê bất phân thắng bại về tài năng của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và cuộc sống của người mẫu Ngọc Trinh. Chuyện liên quan đến Ngọc Trinh dường như rất dễ gây tranh cãi. Trong trường hợp này, khen chê bộ phim của Vũ Ngọc Đãng rất dễ bị đánh đồng với việc khen chê cuộc sống của Ngọc Trinh.
Nếu đặt Vòng eo 56 dưới góc nhìn về một tác phẩm điện ảnh sẽ thấy, đây là bộ phim không có nhiều chất liệu điện ảnh cũng như không có nhiều giá trị để phải tranh cãi, xôn xao.
Mọi câu chuyện khi được kể lại tất yếu sẽ nhuốm màu chủ quan của người kể, ít hoặc nhiều. Với Vòng eo 56, phim đậm đặc nhãn quan chủ quan của Vũ Ngọc Đãng. Từ góc nhìn về nhân vật chính đến việc sử dụng dàn diễn viên phụ là các “cạ cứng”, từ cách dẫn dắt câu chuyện đến cách xây dựng nhân vật (ví như việc biến ông bầu Khắc Tiệp thành… Lương Mạnh Hải chẳng hạn).
Những diễn viên quen thuộc của Vũ Ngọc Đãng vốn được quen mặt, biết tên trong những bộ phim trước bỗng “ồn ào” xông vào bộ phim tiểu sử về Ngọc Trinh. Họ được sắp đặt để vào các vai phụ trong phim một cách rất… hồn nhiên và ngẫu hứng. Bỗng thấy anh Lố (La Quốc Hùng) từ đâu chạy đến để làm anh trai của Ngọc Trinh, thấy một Lương Mạnh Hải nguyên xi từ các vai trước đến để trở thành ông bầu Khắc Tiệp, thấy một Hồ Vĩnh Khoa đẹp trai lộng lẫy lấp ló trong các khuôn hình để thể hiện vai anh trai cả nghèo khổ, vất vả của “nữ hoàng nội y”. Vì chỉ tham gia bộ phim với mục đích duy nhất là làm nền cho Ngọc Trinh nên các diễn viên không cần đến bất cứ sự hóa thân nào, không cần diễn xuất, chỉ cần có mặt trong phim để làm nền, là đủ.
Dàn diễn phụ như thể xuất hiện... cho vui trên phim Vòng eo 56. Ảnh: CGV |
Thế nên, chẳng có gì để bàn cãi về diễn xuất của dàn diễn viên trong Vòng eo 56, từ Ngọc Trinh đến các diễn viên phụ. Người ta chỉ bàn cãi về tài năng diễn xuất khi có sự hóa thân đặc biệt của người diễn viên trong một cuộc đời, một số phận, một cá tính khác, để đưa nhân vật ấy thật nhất, gần gũi nhất đến khán giả. Dàn diễn viên trong Vòng eo 56 khi xuất hiện trên màn ảnh chỉ là chính họ, hoặc là những nhân vật đã gắn liền với họ trong suốt thời gian dài. Không ai nhìn thấy ông bầu Khắc Tiệp trong cách diễn của Lương Mạnh Hải. Không ai nhìn thấy sự khác biệt trong vai diễn mới của diễn viên Công Ninh so với những vai khắc khổ anh đã từng đóng. Nếu có một diễn viên đáng khen hơn cả trong dàn diễn viên Vòng eo 56, có lẽ chỉ là Phạm Đình Minh Triệu. Ít ra còn có sự hóa thân nhất định trong công việc diễn xuất của cô ấy khi tham gia bộ phim này.
Kịch bản là câu chuyện được nói đến nhiều nhất của Vòng eo 56. Phim được kể với hai phần rõ rệt, Ngọc Trinh của những tháng năm nghèo khổ ở Trà Vinh và Ngọc Trinh với cuộc sống may mắn bất ngờ ở Sài Gòn. Vũ Ngọc Đãng đã dành nhiều tâm huyết, tình cảm để trau chuốt cho những cảnh quay lột tả gia cảnh nghèo khó của gia đình Ngọc Trinh ở Trà Vinh. Căn nhà lá xơ xác luôn xuất hiện tầm tã dưới mưa, cảnh đòi nợ đeo bám gia đình “nữ hoàng nội y”, cảnh ông bố khắc khổ ngày ngày bán vé số… Nhưng những trường đoạn chau chuốt ấy vẫn không đủ sức nặng để giúp phim giảm phần nào sự hời hợt, hụt hẫng ở phần sau.
Phần sau của Vòng eo 56 là sự đuối lý của Ngọc Trinh và sự đuối sức của Vũ Ngọc Đãng. Những tình tiết phim cho dù được bày vẽ ra với rất nhiều câu thoại mô tả về tính phức tạp, về cạm bẫy, về mưu đồ nguy hiểm… vẫn chỉ thấy rõ nhất sự hời hợt, hụt hẫng.
Luôn tâm niệm phải giữ mình, sống trong sạch, nhưng Ngọc Trinh không ngại làm những công việc điều tiếng, có thể bị công an hỏi thăm, ví như trình diễn nội y ở các quán bar. Luôn ngợi ca sự tự trọng, nhưng nữ nhân vật chính có thể nhận biệt thự, xe hơi của bạn trai sau 8 ngày quen, và để đại gia xây nhà cho ba mẹ dưới quê… mà chẳng nghĩ gì, chỉ “cảm ơn anh”.
Kể từ khi Ngọc Trinh bước chân lên thành phố đến khi tận hưởng cuộc sống xa hoa, phú quý, nhịp phim diễn ra nhanh, tình tiết không có điểm nhấn, khiến câu chuyện trở nên rời rạc, phi lý.
Ngoài những câu thoại mang “đặc trưng” riêng của Ngọc Trinh, như “Anh có biết khi nào em yêu anh không? Đó là khi anh xây nhà cho ba mẹ em…”, hay, khi giận bạn trai “nữ hoàng nội y’ chỉ trả xe chứ không trả nhà vì “Căn nhà là niềm vui của cả gia đình em”, Vòng eo 56 còn được cài đặt nhiều câu thoại mang tính tuyên ngôn, ví như những câu với đại ý “Rửa chén có sao đâu chị? Thà mình làm những việc cực thân nhưng nhẹ cái đầu còn hơn là làm những việc tưởng như nhẹ nhàng nhưng điều tiếng khổ lắm chị ơi!”, hay, “Em không phải là một món hàng”…
Bộ phim là những câu chuyện mà Ngọc Trinh muốn kể, việc tin hay không, yêu thích hay không, là tùy thuộc vào mỗi người.
Ảnh: CGV |
Bản thân Ngọc Trinh đã chia sẻ, dù bỏ ra nhiều tỷ đồng để sản xuất phim, nhưng Vòng eo 56 không phải là sản phẩm mua danh xa xỉ. Tự bản thân Ngọc Trinh hiểu rằng, cô không thể kỳ vọng vào việc sẽ thăng tiến nhờ phim ảnh, mà chỉ muốn qua bộ phim này, khán giả sẽ hiểu cô hơn.
Đứng trước một bộ phim tiểu sử, điều khán giả quan tâm nhất, đó là câu chuyện về sự thật. Tại buổi ra mắt phim, khi phóng viên đặt câu hỏi có bao nhiêu phần trăm sự thật được kể ra trong bộ phim Vòng eo 56 về người mẫu Ngọc Trinh, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng có nói, rất khó để kiểm chứng đâu là sự thật đích thực, và rằng anh chỉ làm một bộ phim được đảm bảo với 100% "tinh thần Ngọc Trinh" chứ không đảm bảo về sự thật.
Nếu đặt Vòng eo 56 dưới góc nhìn về một tác phẩm điện ảnh, bộ phim gần như không có gì để phải xôn xao, tranh cãi. Ai cũng có thể nhìn thấy mục đích tô hồng nhân vật chính của Vòng eo 56. Bộ phim chỉ là một sản phẩm xây dựng hình ảnh theo cách của Ngọc Trinh.
Thế nên, Vòng eo 56 giống như một món hàng đắt tiền Ngọc Trinh vừa mua được. Giống như khi cô ấy mua chiếc túi 3 tỷ đồng, hay sắm đôi giày hằng trăm triệu. Hay nhìn một cách đơn giản hơn, bộ phim là câu chuyện mà Ngọc Trinh muốn kể cho khán giả nghe về mình, việc đón nhận hay không, tin hay không, thích hay không, tùy thuộc vào mỗi người.
Có gì đâu để phải ồn ã?
(Theo Tạp chí Du lịch & Giải trí)