Yêu bắt đầu từ ghét

Học múa vì bố mẹ… dụ dỗ


“Bố mẹ tôi đều là dân múa, cũng muốn cho hai thằng con theo nghề. 13 tuổi, bố tìm cách lừa mãi, nhưng tôi nhất quyết không chịu tập. Cuối cùng, bố bảo tập đi rồi cho về Hà Nội chơi. Hồi đó, nhà tôi ở Thái Nguyên, nghe nói được lên Hà Nội thích lắm, ừ thì tập rồi trúng tuyển vào trường múa…” – nghệ sĩ múa Nguyễn Phúc Hùng kể đến với nghề múa trong tình huống như thế.



Ban đầu, những buổi tập múa của Hùng diễn ra rất tẻ nhạt. Không có những máy móc hỗ trợ học tập như bây giờ, thỉnh thoảng, Hùng được căng mắt xem những cuốn băng cũ kỹ do các thầy đi Liên Xô mang về. Năm 1993, đất nước bắt đầu thời kỳ mở cửa, xuất hiện các chương trình giao lưu văn hóa quốc tế, tuyển chọn người đi du học. Hùng cười, nhớ lại: “Lớp nhỏ không được chọn, nhìn mấy anh chị lớp lớn đi về chụp bao nhiêu là ảnh lạ mắt, thèm lắm”. Chính khao khát được đi đây đó đã tiếp thêm động lực để Hùng hăng say tập luyện và cái duyên múa đã bén với Hùng lúc nào không hay…


Nghệ sĩ phải… “mặt dày”


Tiếp xúc với Hùng không khó để nhận ra rằng, anh thuộc típ người thích tự do, mê sáng tạo… qua phong thái lẫn ngôn từ mà anh thể hiện. Trở về sau chuyến du học Hà Lan do Ủy ban Nhân dân TP.HCM tài trợ, Hùng rất háo hức với những cuộc “thử nghiệm”, khởi đầu là  “Chuyển - Motion”, vừa diễn ra vào ngày 9/9/2010.



Tháng 6/2010, vừa về nước, Hùng được phân công giảng dạy ở trường Múa TP.HCM. Trong vòng 2 tháng đầu, Hùng đã tranh thủ thăm dò ý kiến sinh viên, đồng nghiệp về mô hình “Modern Dance – Múa hiện đại”. Ý tưởng của Hùng nhận được sự đồng tình, đặc biệt từ những đồng nghiệp từng du học ở các trường múa danh tiếng. “Chuyển” xóa bỏ lối mòn “nghe tên là biết mở đầu và kết thúc như thế nào”. Hùng có thói quen thích quan sát những chuyển động đời thường - yếu tố cần của “Modern Dance”. Nhiều khi thói quen của Hùng khiến người khác hiểu nhầm anh đang ngắm nhìn ai đó! Hùng kể, hồi ở châu Âu ngồi trên xe buýt vào mùa đông, anh nhìn thấy những người phụ nữ lái xe tải đường dài với ngoại hình cao lớn, đầu cạo trọc nhìn như đàn ông, nhưng đôi lúc họ có những giây phút rất nữ tính… Các chi tiết ấy được Hùng đưa vào trong “Chuyển”.

Hỏi Hùng đưa những món ăn lạ miệng nếu không hợp khẩu vị thì sao, anh cho biết: “Chương trình này đổ, tiếp thu ý kiến làm lại. Dân nghệ sĩ vốn bị xem “mặt dày” mà. Tôi không hài lòng với những gì mình làm ra, lúc nào cũng phải chuyển động, sáng tạo, linh hoạt… không thôi sẽ ì hết máy!”. Với “Chuyển”, anh đã chuẩn bị tinh thần diễn xong đi ra cửa truớc nhận hoa chúc mừng hoặc lặng lẽ về bằng cửa sau. Đêm đó khi kết thúc chương trình, Hùng vào phòng thay đồ ngồi lại 10 phút, rồi quyết định bước ra cửa trước, cũng may mọi người tặng hoa và nắm tay chúc mừng.

Trước lạ sau quen, cái mới bao giờ cũng khiến người ta có cảm giác bỡ ngỡ. Hồi mới sang Hà Lan, vốn tiếng Anh được Hùng trang bị sẵn mà khi sang đấy anh phải “ô, a” lại từ đầu. Đã thế, múa ở Hà Lan vượt xa Việt Nam khoảng chừng 50-70 năm. “Nền tảng của mình là sự hoàn hảo, an toàn. Trong khi đó, phương Tây thích phá tung ra, tìm cái mới mà làm. Tôi nhớ lời thầy nói rằng, đừng mặc cảm, mỗi người có thuận lợi riêng: thấp di chuyển nhanh, cao chuyển động dài rộng. Cho nên, thầy cũng không muốn đào tạo ra những bản photocopy, mỗi diễn viên múa cần có sự sáng tạo riêng của mình. Mất khoảng nửa năm thì đâu lại vào đấy” – Hùng chia sẻ. Theo Hùng, nếu muốn một con đường bằng phẳng, thì nên theo dòng giải trí đơn thuần. Trăn trở với nghề múa, Hùng cũng tranh thủ tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn ở Hà Lan. Để phát triển dòng múa hiện đại, họ cũng từng gặp phải phản ứng của khán giả. Với những cuộc thử nghiệm của mình, Hùng cho biết: “Tất nhiên, mình sẽ từng bước chứ không đột ngột thay đổi, để xem phản ứng khán giả. Bên cạnh cái cũ sẽ không ngừng có những cái mới. Xã hội tiến lên, con người đã bay lên mặt trăng rồi, không thể sử dụng mãi kỹ thuật thời cách đây 300 năm được. Nghệ thuật luôn sáng tạo, đừng đi theo lối quá hoàn hảo, trải đầy hoa hồng”.



Không muốn trở thành Chí Phèo


Không ai như Hùng, ngay từ đầu cuộc trò chuyện, anh đã vội vàng… giao ước: “Tôi không muốn trở thành Chí Phèo, cứ làm nghiêm túc rồi sẽ kết quả, chứ ngồi đó than nghèo kể khổ có ích gì, chỉ lo già thế này mà chưa có vợ thôi. (Cười)”.



Nhiều người cho rằng nghề múa bấp bênh, bạc bẽo. Với Hùng thì ngược lại: “Nghề múa tuy nhìn lên không bằng ai, nhưng nhìn xuống không ai bằng mình! Tất nhiên không giàu nhưng được đi nhiều nơi, tôi chỉ còn mỗi châu Phi là chưa đến thôi, đâu phải ai cũng được như thế? Đó cũng là cái sướng, đáng tự hào lắm chứ? Nhiều bạn tôi làm kinh doanh, giàu có đó nhưng chưa đi được đâu cả. Tiền thì ai cũng ham, nhưng vô cùng lắm!”.



Dẫu biết nghệ sĩ không thể ngồi uống nước lã mà sáng tác, Hùng tiết lộ trong thời gian này anh được bố mẹ “cứu trợ”. Hằng ngày, Hùng tất bật với công việc giảng dạy, làm biên đạo… với Hùng mọi thứ chỉ mới bắt đầu…

Đường Lam

Ảnh : Hoàng Vũ