Ashgabat - dấu tích xưa và nay

 

Trung Lập Môn và thang máy đưa du khách lên ngắm cảnh thành phố - Ảnh: H.A.T.

Năm 1948, một trận động đất đã hủy diệt toàn bộ thủ đô Ashkhabad, làm chết 110.000 người. Năm năm trời sau đó thành phố hoàn toàn đóng cửa. Chỉ có các nước cộng hòa Xô Viết anh em đổ đến góp của, góp công xây dựng một thành phố mới.

Thành phố của dấu tích

Thành phố Ashgabat vào mấy ngày tết Nowrouz vắng lặng hẳn. Thiết kế thành phố dành nhiều chỗ cho không gian thoáng rộng. Những chung cư hiện đại cao vài chục tầng. Những cung điện, nhà hát, bảo tàng, công sở kiến trúc vừa dân tộc vừa hiện đại. Những khu tập thể thời xã hội chủ nghĩa, trong những khu phố cũ, thoáng nhìn cũng sạch sẽ và ngăn nắp không kém khu phố mới.

Nhưng đi vào một khu tập thể kiểu ấy, ta sẽ thấy cũng có các căn hộ lấn chiếm đất chung, những hàng rào cong vênh phân định mảnh vườn, những dây phơi quần áo, ăngten chảo treo như nấm - kiểu cách của những khu Kim Liên, Trung Tự, Nguyễn Công Trứ ở Hà Nội thời trước. Nhưng có một điểm hơn: ấy là các khu tập thể đều thiết kế quay lưng ra đường. Cho nên không có chuyện vỉa hè chung bị chiếm dụng để bán hàng, cũng không có chuyện chăng dây phơi quần áo trên cửa sổ phía mặt đường.

Chỉ lướt qua trên đường sẽ không nhìn thấy các cửa hàng, cửa hiệu điện máy, giống như bách hóa hoặc hiệu ngũ kim ở ta thời trước. Buôn bán xem ra đìu hiu. Mọi đông đúc, sầm uất tập trung về trung tâm, nơi có chợ Nga làm tâm điểm. Xung quanh khu vực ấy là những siêu thị, bách hóa nhiều tầng, những plaza không thiếu thứ gì.

 

Di tích pháo đài Nissa có từ hơn 2.000 năm trước

Đài kỷ niệm tinh thần Turkmen - Ảnh: H.A.T

Khách sạn chúng tôi ở được xếp bốn sao nhưng khách không được sử dụng điện thoại quốc tế. Hỏi có chỗ nào gần để gọi điện thoại? Trả lời: ra bưu điện trung tâm. Bưu điện lớn mà đường dây cũng nghẽn, không sao điện thoại được, tôi chọn mua phiếu Internet tại khách sạn. Phải ngồi chờ một giờ, hễ báo kết nối hỏng là nhấp chuột gửi lại, đến phút thứ năm mươi tám may quá mới gửi nổi một cái email.

Dấu tích thời liên bang Xô Viết cũng còn lại trong sắc tộc Turkmenistan hôm nay: một sự pha trộn các “cộng đồng anh em” Turkmen, Nga, Uzbek, Kazakh, Armenia, Azeri, Ba Tư… Người gốc Nga còn lại khá nhiều, phần lớn nhân viên trong khách sạn tóc vàng mắt xanh là người gốc Nga, mang những cái tên Masa, Katya, Nikita, Dmitri… Ngôn ngữ chính là Turkmen, nhưng tiếng Nga là ngôn ngữ giao tiếp giữa các sắc tộc. Ngay cả ngôn ngữ bản địa cũng được “Nga hóa” bằng con chữ Slav.

Ashgabat có gì để xem?

Dệt thảm là một ngành kinh tế quan trọng của Turkmenistan, đồng thời là một kỳ tích. Nghề dệt thảm có truyền thống hàng nghìn năm từ khi vùng đất này còn chịu ảnh hưởng của đế chế Ba Tư. Trong bảo tàng thảm hiện lưu giữ hàng trăm tấm thảm đủ mọi phong cách, tấm cổ nhất dệt từ thế kỷ 17. Đặc biệt có tấm thảm vào loại to nhất: 300m2, treo hết cả một bức tường bảo tàng, từ trên cao khoảng 15m thả xuống.

Cô hướng dẫn viên bảo tàng nói tấm thảm to nhất thế giới có diện tích 400m2 hiện trưng bày bên nhà quốc hội.   

Mấy nhân viên khách sạn đều biết có một khu di tích thành cổ tên là Nissa nhưng không ai biết đường đến đấy. Người lái taxi thì đưa chúng tôi đến… khách sạn Nissa. Anh chàng taxi phải gọi điện thoại hỏi mấy người bạn, cuối cùng mới có một người chỉ đường cho. Nó ở ngoại vi, cách trung tâm khoảng 15km. Đến nơi rẽ vào mới thấy có tấm biển ghi là Di sản thế giới của UNESCO hẳn hoi.

Một buổi hòa nhạc hiếm hoi trên đường phố nhân dịp tết truyền thống Nowrouz - Ảnh: H.A.T

Nghề dệt thảm truyền thống của Turkmenistan - Ảnh: staticflickr.com

Lối vào bên sườn núi đẹp như tranh. Một đàn cừu trắng như bông thong dong gặm cỏ bên sườn núi. Chú mục đồng ngồi trên mỏm đá ở cổng vào khu di tích. Bày ra trước mắt cả một tòa thành bằng đất và gạch không nung. Tòa thành của người Parthian, một bộ tộc du mục và chiến binh lừng danh đã thống trị đế chế Ba Tư hơn 400 năm, cách thời ta đang sống khoảng 2.200 năm.

Họ là những kỵ binh thiện xạ cung nỏ, đã chiến thắng quân La Mã nhiều trận để giành giật đế chế Ba Tư trải rộng khắp vùng Trung Á và Tây Á bây giờ. Tòa thành ở đây chỉ là một trong hàng trăm pháo đài thời xưa. Vẫn còn dấu tích những bức tường thành cao dày, những trạm quan sát, những nơi tập hợp quân, những kho chứa nước có chum vại chôn dưới mặt đất, cả nhà nguyện cho những chiến binh theo Hỏa giáo thời ấy…

Những công trình mới trong thành phố gây ấn tượng hoành tráng. Trung Lập Môn (Arch of Neutrality), một cái cổng kỷ niệm việc Turkmenistan được Liên Hiệp Quốc công nhận quy chế trung lập vĩnh viễn kể từ năm 1995. Một cái tháp theo kiểu kiềng ba chân cao 75m, trên đỉnh có pho tượng vàng Saparmurat Niyazov, người được hưởng quy chế tổng thống suốt đời từ năm 1991 cho đến khi mất, năm 2006.

Thang máy đưa người lên nhà hàng quay trên tháp, từ đó có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố trong lòng chảo của những rặng núi tuyết phủ. Ở khu tượng đài mười con ngựa ghi nhớ tinh thần kỵ binh và du mục của dân tộc, cũng có tượng vàng vị tổng thống. Trên đường phố thỉnh thoảng gặp một pho tượng mạ vàng như vậy.

Hình ảnh vị tổng thống đầu tiên sau khi tách ra khỏi Liên Xô cũ, chắc hẳn là sự ghi nhớ và nêu cao tinh thần độc lập của một đất nước Trung Á, tiềm năng vẫn đấy nhưng chưa được khai thác đầy đủ nhằm đưa đến sự phồn thịnh.

 

Theo TuoiTre