Đi tìm “gươm thần” giữa rừng già.
Từng sống trong không khí cổ xưa của Angkor Wat, Angkor Thom trong nhiều lần đến Campuchia, lần trở lại kỳ này chúng tôi mang theo những hy vọng tìm về khu rừng sâu giữa hai tỉnh Kompong Thom và Preah Vihear, nơi có một báu vật nằm yên ắng nhiều thế kỉ qua.
Được sự giúp đỡ của hai người bạn rất mê đền đài cổ là anh Ni Yong và Lim Sophektra ở Caravan Angkor Tours, sau một đêm nghỉ ở trung tâm Kompong Thom, chúng tôi lên đường khi trời còn tối thẳng hướng Tây Bắc. Lim cho biết anh đã tìm rất nhiều tài liệu trong thư viện quốc gia nhưng không có thông tin chi tiết nào về Preah Khan. Hơn một giờ băng qua những con đê làng và cánh đồng lúa chín, chúng tôi phải dừng lại nhiều lần hỏi đường về làng Sakrem, nơi gần nhất đến Preah Khan. Xe quay đầu liên tục do sự phức tạp của cung đường mà anh tài xế chưa bao giờ kinh qua. 70km vượt những con đường nhỏ, nối tiếp những ngôi làng đỏ quạch bụi đất, lúc mặt trời đã lên cao, làng Sakrem đã hiện ra trong sự háo hức của chúng tôi.
Lim sau khi trao đổi với thanh niên trong làng cho biết từ đây vào khu vực Preah Khan khoảng 30km đường mòn, cách duy nhất là thuê xe máy và nhờ chính họ trực tiếp dẫn đường. Gồng mình trên những chiếc xe vốn khá ọp ẹp, len lỏi vào rừng, do không có đường đi cụ thể, chúng tôi phải liên tục xuống khiêng xe và đi bộ. Ba năm trước, nhóm của Lim từng tìm đến Preah Khan nhưng mìn vẫn còn dày đặc. Lực lượng rà phá mìn CMAC đã ngăn cản không cho hành trình của họ tiếp tục vì sợ nguy hiểm.
Trưa nắng, khi toàn thân mỏi nhừ vì liên tục bị nhồi nhét thì bất ngờ anh thanh niên dừng xe. Tấm bảng chỉ hướng Preah Khan tuy đã mờ hẳn nhưng cũng đủ làm chúng tôi sung sướng đến vỡ òa. Sau hàng cây bụi, những tảng đá nâu sẫm màu rêu phong hiện ra. Đây Preah Khan, khu đền mà chúng tôi luôn mong đợi suốt chặng hàng trình.
Dưới chân cổng dẫn vào đền là bức tường tạc hình ngỗng thần Hamsa, vật linh của thần Brama, vị thần sinh tồn trong đạo Bà La Môn. Preah Khan được xây dựng từ cuối thế kỉ IX đến thế kỉXII. Đây là cố đô của nhà vua Suryavarman I. Năm 1177 đế chế Angkor bị quân Chăm Pa xâm lược, vua Jayavarman VII, một trong những vị vua vĩ đại nhất của đế chế Angkor đã đứng lên chống lại đạo quân này. Trong thời gian chiến tranh ông dùng Preah Khan là căn cứ địa tập huấn quân đội và làm hậu phương.
Theo chân những đứa trẻ địa phương, chúng tôi đi sâu vào Preah Khan. Ở công viên Angkor tỉnh Siêm Riệp cũng có ngôi đền Preah Khan, nhiều người thường có sự nhầm lẫn giữa 2 địa danh này. Thật ra tên đầy đủ của đền là Preah Khan Kompung Svei nằm ngay ranh giới hai tỉnh Kompong Thom và Preah Vihear. Trong ngôn ngữ Campuchia, Preah Khan có nghĩa là “gươm thần”.
Đền hầu hết đã bị sụp đổ, nhất là những phù điêu, tượng Phật, Apsara đa số bị kẻ xấu đục đẽo đến trơ đá. Từ trên tường thành phía Tây có thể nhìn thấy Preah Khan bí ẩn, im lìm giữa rừng hoang.
Trên đường vào Preah Khan có một công trình mang dáng dấp đền Bayon ở công viên Angkor với tượng Bayon 4 mặt quay về 4 hướng vẫn đứng vững sau hàng chục thế kỉ, môi mỉm cười đầy bí hiểm. Ý nghĩa của mặt Bayon được xem là “từ tâm – nhân ái – độ lượng – thanh tịnh”. Chúng tôi cứ đi doc những tường thành đổ nát, phóng tầm mắt giữa bốn bề. Ngôi đền Gươm Thần Preah Khan nghìn năm tuổi mang lại cảm xúc hãnh diện khi tìm đến, cũng pha chút xót xa trước những đổ nát của đền thiêng, tạm biệt Preah Khan, chúng tôi tiếp tục hành trình để lại sau lưng tiếng vọng của rừng vào đền giữa hoang vu cỏ dại.
Bí ẩn trên đỉnh Kulen
Với người Campuchia, Kulen là đỉnh núi thiêng chứa nhiều điều thần bí. Rời Preah Khan đến Siem Riep đã tối, chúng tôi quyết định tìm đến Kulen ngay hôm sau.
Sáng sớm Kulen đã tấp nập dòng người đi lễ. Chúng tôi theo chân Lim tiến sâu vào ao nước ngầm trong rừng, dưới đáy cát trắng liên tục luân chuyển tạo nên dòng nước trong vắt và mát lạnh. Người ta bảo đó là hơi thở của hai con rồng sống bên dưới. Người dân quanh vùng coi đây là nước thánh nên thường hứng nước về uống. Mạch nước hòa vào dòng suối ngàn linga rồi đổ ra sông Siem Riep. Năm 802, nhà vua Jayavarman II sau khi đánh bại quân xâm lược Java, lên ngôi trị vì. Mong muốn nhân dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc, ông cho chặn dòng nước tạc hàng ngàn hình linga tượng trưng cho dòng sông Hằng linh thiêng.
Ít người để ý, Kulen mới chính là nơi phát nguồn và là cố đô đầu tiên trong thời kì đầu của đế chế Angkor. Chúng tôi thêm một lần nữa đồng hành cùng những người lái xe ôm len lỏi lên núi để tìm đến những dấu tích còn sót lại của kinh đô xưa. Đường mòn hẹp dần, cây dại cứ chực cuốn lấy mặt người, có đoạn qua nền đá sa thạch dằn sóc muốn vỡ tung cả xe.
Sau hơn nửa giờ, đến đoạn không thể đi bằng xe máy, chúng tôi lần theo những dấu vết đá ẩn sau dưới đám cỏ cây. Thật bất ngờ khi giữa núi rừng rậm rạp lại có hình voi, sư tử, ếch cao hơn 2m đứng sừng sững. Xưa kia, vua Jayavarman II sau khi đặt kinh đô ở Kulen đã cho tạc thẳng hình thú này vào đá để nói lên sức mạnh của ngài là trên tất cả. Những con thú này tượng trưng cho chúa tể các loài thú. Vết tích còn lại duy nhất của kinh đô xưa chỉ là những phiến đá bao quanh hồ nước cạn, đất đá, cỏ dại chẻ phủ gần hết khu vực.
Nghe nói vẫn còn những tu sĩ đạo Bà La Môn tu tập trên núi, chúng tôi quyết định tiếp tục băng rừng lên đỉnh. Hôm nay tu sĩ trưởng xuống núi, chỉ còn một thầy tu trẻ ở nhà. Thấy khách từ xa đến, tu sĩ nhiệt tình dắt chúng tôi đi sâu vào trong hang động với yêu cầu nhỏ là cởi giầy, để lại nón bên ngoài. Dưới ánh đèn pin lờ mờ, những tượng Phật, tượng thần ẩn hiện ngay trung tâm động. Trên nóc tiếng hàng ngàn con dơi đang bay lượn gợi lên chút cảm giác rờn rợn. Nơi tu sĩ trưởng ngồi thiền là vách đá ẩm ướt, nước nhỏ xuống mát lạnh. Thiền tọa vừa đủ ngồi, khoảng không còn lại thờ tượng thần Shiva, Visnu cùng với cặp sừng trâu bằng gỗ cong vút tượng trưng cho sức mạnh thần linh. Tu sĩ trưởng sau khi giảng kinh cho môn đệ, 2 giờ chiều bắt đầu nhập thiền cho đến tận hôm sau.
Ra khỏi động, chúng tôi theo chân vị tu sĩ trẻ lên đỉnh núi, nơi có thể phóng tầm nhìn về đồng bằng Siem Riep. Sau khi đọc bài kinh trước bàn thờ thần Shiva vị tu sĩ cởi mở chia sẻ câu chuyện tu tập. Xuống tóc đi tu, tu sĩ đã xăm hình mặt trời lên bờ vai để tỏ lòng tôn kính với bề trên và quyết tâm tu hành. Kulen là đỉnh núi thiêng, nơi giao hòa giữa trời - đất nên tu sĩ đã bỏ xuôi, ngược núi tu tập, tịnh tâm.
Cả năm các tu sĩ mới xuống núi một lần, họ sống bằng những gì người dân cúng tặng, đôi khi chỉ ăn lá rừng. Là số ít người theo Bà La Môn giáo còn lại ở Campuchia, nhưng với chúng tôi hình ảnh các tu sĩ rất quen thuộc. Trò chuyện và tiếp xúc với họ cũng như nhìn các vị thần Shiva, Visnu, Ganesa… chúng tôi cảm giác mình cứ như đâu đó ở Ấn Độ xa xôi.
Ngôi đền tưởng niệm Bantey Chmar
dùng đường bộ chiến đấu với Chăm Pa, quân đội của nhà vua liên tục bị thua và điều đau đớn nhất là con trai ngài đã hi sinh trong trận chiến khốc liệt ấy. Sau này, quân Khơme chuyển sang đánh bằng đường thủy và đã liên tiếp giành được thắng lợi, mở ra sự tích đua ghe ngo của người Khơme. Ngôi đền vì thế được xây nên để tưởng nhớ hoàng tử, con trai của nhà vua Jayavarman VII.
Cũng thật khó hiểu tại sao Jayavarman VII lại chọn một nơi xa Angkor đến thế để xây đền thờ, người ta giải thích rằng, ngài là vị Phật sống nên có khả năng di chuyển băng xa ngàn dặm như thần.
Khoảng 70% công trình đã bị sụp đổ, chỉ còn trơ lại những mái đền chông chênh. Nhưng cũng thật may mắn, những mảng điêu khắc trên đá còn nguyên vẹn đã mở ra những câu chuyện ly kỳ hấp dẫn. Con trai mất đi, nhà vua Jayavarman VII rất đau lòng, ngài quyết tâm chiến đấu với Chăm Pa trả thù cho con. Ông huy động toàn bộ lực lượng quân tinh nhuệ, vận dụng kỹ thuật đánh thủy lần đầu tiên trong trận chiến với đạo quân Chăm Pa và cuối cùng giành chiến thắng vẻ vang.
Phía sau đền là hình thần Visnu rất kỳ lạ, thường trong các ngôi đền ở Angkor, thần Visnu hiện ra với 4 tay hoặc 8 tay nhưng điêu khắc hình thần ở Banteay Chmar lại có đến 32 tay khiến ngay cả người dẫn đường Lim cũng rất tò mò. Bên cạnh đó là rất nhiều các mảng điêu khắc hiếm thấy như hình hoàng tử đang chiến đấu với con thú đầu rồng hay quái thú nuốt xe ngựa.
Giữa hàng ngàn phiến đá khô khan, những nàng tiên Keno có hình đầu người thân chim thần Garuda trên cổng thành như đang hát lên bài đồng ca da diết tiễn đưa hoàng tử về nơi vĩnh hằng.
Thật may mắn khi chúng tôi gặp được ông Chan Thuom – trưởng nhóm trùng tu khu vực Banteay Chhmar. Ông cho biết công việc này đã bắt đầu từ tháng 1 năm 2008 và thời gian qua chủ yếu là tìm đá và xếp chúng lại theo từng khối. Đền đã sụp đổ nhiều do móng không tốt. Xưa kia vua Jayavarman VII cho xây dựng quá nhiều công trình dưới vương triều mình nên nhân lực bị phân tán, các kiến trúc về sau không được vững chắc như trước.
Chiều muộn, những công nhân vẫn đang miệt mài đi tìm những “chìa khóa” để phục hồi lại tường thành. Rời xa Banteay Chmar chúng tôi vẫn ấn tượng với những câu chuyện trên vách đá của đền, trên ngả đường chinh phục chiến thắng của nhà vua Jayavarman VII luôn đi kèmvới những mất mát, hy sinh.
Độc đáo chuyến xe Nory
Vậy là chúng tôi đã đi được một vòng cung từ phía Đông sang Tây của đất nước Campuchia. Trong dừng chân tại tỉnh Battambang, buổi nói chuyện với người dẫn đường Lim đã làm chúng tôi tò mò khi nghe kể về phương tiện độc đáo chạy trên đường ray xe lửa.
Từ cửa khẩu Poipet về hướng Pusat, ngang qua Battambang, theo quốc lộ số 5 đến huyện Moun Russey, phải hỏi thăm vài lần chúng tôi mới tìm được đường, rẽ vào lối nhỏ đầy đất đỏ, chúng tôi dừng bước ở chợ Psar Dey Hui – hay còn gọi là chợ Bụi, đang vào phiên chiều.
Người Pháp đã xây dựng tuyến xe lửa ở Campuchia từ năm 1964 với 2 tuyến khởi hành từ Phnom Penh đi Poipet và Phnom Penh đi Sihanukville. Ngày nay, tuyến Poipet – Phnom Penh không còn hoạt động nhưng hệ thống đường ray thì vẫn nhộn nhịp bởi một loại xe độc đáo có tên gọi Nory.
Khi chúng tôi đến, chuyến Nory cuối cùng đang được chuẩn bị, bây giờ là lúc mọi người trở về nhà nên xe khá đông. Hình dáng Nory thật đơn giản và ngộ nghĩnh. Hai cặp bánh xe trước và sau dài vừa chiều ngang đường sắt, phần thân làm bằng tre và có hình như chiếc giường. Máy của Nory là động cơ công nông loại nhỏ, được nối với bánh xe bằng dây cô-roa. Công đoạn ráp Nory chỉ mất khoảng 2 phút.
Anh Seyha đã làm nghề lái Nory được 18 năm. 1982, chiếc Nory đầu tiên được sáng chế ở huyện Moun Russey, khi ấy Nory chưa được gắn máy, để vận chuyển người ta phải dùng thanh tre chống cho Nory trượt trên đường ray như chèo thuyền.
Khi đã đưa mọi người về làng, Seyha chỉ cần đảo chiều máy là có thể chạy ngược lại. Đường ray nay đã bị xuống cấp khá nhiều, những đoạn bị cong, vênh là thử thách với những chiếc Nory nhưng nó vẫn bền bỉ hoạt động hàng ngày, giúp cho việc di chuyển của bao con người nơi làng quê thanh bình bớt khó khăn. Seyha cho biết cứ vào mùa thu hoạch thì Nory phải làm việc hết công suất để chở lúa. Tùy theo nhu cầu, chuyến đi xa nhất cũng khoảng 50-70km và mất khoảng 4-5 tiếng do có nhiều đoạn bị hư, anh lại phải dừng khiêng Nory qua rồi mới đi tiếp.
Cả vùng có khoảng 10 gia đình có Nory và họ thay phiên nhau chạy từng ngày. Công việc thường bắt đầu lúc 7g sáng và kết thúc lúc 5h hoặc 6h chiều. Đông khách thì chủ xe thu phí từng người, còn ít người thì phải thuê nguyên xe. Nếu đi khoảng 7-8km mà thuê nguyên chiếc thì 1 lượt chỉ khoảng 20 ngàn ria.
Chiều về thanh bình trên ngôi làng nhỏ, chúng tôi đã có những ngày khó quên ở đất nước Campuchia, gặp gỡ những con người thân thiện, say sưa trong những đền đài cổ kính để rồi thăng hoa trong những cảm xúc khám phá, chinh phục và đồng điệu. Campuchia vốn đã gần gũi nay lại càng trở nên thân thiết hơn với những kẻ lữ hành chúng tôi…
An Nam