Chợ Việt ở Berlin


Cổng vào một gian hàng trong chợ

 

hợ Đồng Xuân là khu chợ châu Á đặc trưng với quy mô ở mức công nghiệp. Nằm trong khu lao động ở vùng ngoại vi Lichtenberg, ở đây có rất nhiều gian nhà kho rộng lớn. Cách đó chừng 10km về phía tây là cổng Brandenburg.

1. Khách tham quan nếu đi chuyến tàu điện M8 đến ga Herzbergstr/Industriegebiet sẽ được đặt chân lên phần di tích còn lại của điểm ranh giới Đông - Tây Âu và hướng về Viễn Đông.

Không gian trong chợ rộng như một nhà kho máy bay. Không khí đặc quánh với mùi khói bếp, mùi thơm gắt của sầu riêng, mùi các loại rau thơm, mùi cao su và mùi nhựa của hàng ngàn loại hàng hóa, trang sức. Có cả những vòng hoa Hawai đặc trưng mang ba màu cờ Đức, những chú chó bằng sứ to như chó thật và những chiếc đồng hồ báo thức với cô búp bê xoay vòng theo điệu múa Ba Lan.

Xếp chật kín trên giá và chất đống trên sàn là những bức tượng Đức mẹ gắn đèn nhấp nháy, những chú mèo Trung Hoa cánh tay có gắn môtơ vẫy không ngừng nghỉ, những tấm lót bồn vệ sinh thiết kế kiểu mới với đủ hình vẽ từ những chú cá ngựa, cá sao cho tới các cô gái đua xe ngực trần.

Từ đắt nhất để mô tả toàn bộ khối hỗn độn nhưng vui nhộn và thống nhất này, ấy là “kitsch”, từ tiếng Anh mượn từ gốc Đức mang nghĩa chỉ món đồ giá rẻ, bề ngoài hào nhoáng.

Tuy nhiên, chợ Đồng Xuân Berlin còn có nhiều hơn thế. Đây là trung tâm thương mại huyết mạch của thủ đô với cộng đồng hơn 20.000 người Việt.

Vào những năm 1970, một lượng không nhỏ người Việt đã đến Đông Đức lẫn Tây Đức. Riêng ở Đông Đức đã có hàng nghìn người xuất khẩu lao động làm đủ mọi công việc trong các nhà máy.

Nếu Tây Đức phải nhập cư hàng nghìn người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, Hi Lạp hay Ý để phát huy sức mạnh kinh tế thần kỳ thì Cộng hòa dân chủ Đức (GDR) ở phía Đông cũng củng cố lực lượng lao động của mình bằng những gastarbeiter (công nhân xuất khẩu) với đủ mọi trình độ để tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất Đức.

Khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, các khu công nghiệp bị thanh l‎ý, hàng nghìn công nhân xuất khẩu lao động rơi vào cảnh mất việc làm phải quay về nước. Họ được chính phủ mới hỗ trợ bằng chính sách cấp vé máy bay miễn phí. Tuy nhiên, phần đông chọn ở lại và tụ về các trung tâm sản xuất cũ như Leipzig, Rostok và Chemnitz hay các khu ngoại vi phía Đông Berlin như Lichtenberg và Marzahn. Số lượng người Việt hiện chiếm 10% dân số của thành phố Marzahn-Hellendorf. Và những người ở lại đã nhanh chóng làm quen với cuộc sống mới.

Ở khu chợ Đồng Xuân Berlin, những người bán sỉ cung cấp đủ mọi thứ, dù bạn chỉ mua vài thứ lặt vặt hay định mở cả một nhà hàng, từ những quầy hàng bán trà sữa trân châu cho tới các tiệm làm móng - ngành công nghiệp do người Việt thống trị ở Berlin.

Cổng vào chợ Đồng Xuân 

Cổng Brandenburd, biểu tượng của Berlin

2. Bạn có thể bắt gặp những nam nữ thanh niên tựa những ca sĩ nhạc pop của châu Á trong bất cứ hiệu làm tóc hay tiệm làm đẹp nào. Ở đây rất dễ dàng tìm được chỗ mátxa đầu với 10 euro hoặc mua những hộp keo vuốt tóc với giá 1 euro.

Nếu không có nhu cầu tìm chỗ làm móng hay tìm mua những đôi đũa bóng bẩy, bạn có thể dành thời gian cho các món ăn. Ở Berlin có rất nhiều các nhà hàng ngon bán đồ ăn Việt. Từ nhà hàng nổi tiếng Monsieur Vuong ở khu phố thượng lưu Alte Schönhauser Strasse của Mitte, cho tới quán cà phê Hamy phục vụ với giá rất phải chăng và phong cách rất vui tươi.

Quán cà phê này chỉ cách góc phố bụi Hermannplatz vài dặm. Tất nhiên, các món ăn ở đây đã được gia giảm đi rất nhiều để phù hợp với khẩu vị của người Đức chứ không đầy ắp hương vị như ở Hà Nội hay TP.HCM.

Ở chợ Đồng Xuân Berlin, khách ăn trưa chủ yếu là người Việt, thế nhưng các nhà hàng ở đây cũng thu hút lượng lớn sinh viên, những người thuộc tầng lớp trung lưu và những người muốn tìm giá phải chăng. Đồ ăn mang nét đặc trưng miền Bắc Việt Nam.

Trong chợ có các món ăn truyền thống có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi tại Berlin như phở bò và bún chả, tuy nhiên đồ ăn ở đây thường mặn, nhiều gia vị và hương liệu hơn. Có cả bánh rán, loại bánh làm từ bột gạo phủ hạt vừng, với nhân là bột đậu xanh và mực, cua, lươn nướng. Một bữa ăn với ba món giá chỉ khoảng 12 euro.

Hoa nhựa bán ở chợ Đồng Xuân Berlin

Không thiếu gì, từ sách báo các thứ tiếng và báo in trong nước

3. Sau một bữa trưa no căng bụng, tôi tiếp tục hành trình khám phá khu chợ. Ông Đông, 43 tuổi đang nằm trên ghế sau quầy thu ngân, vừa hút thuốc lá vừa xem kênh truyền hình Việt qua vệ tinh. Sau cánh cửa có tấm bảng ghi gute Qualität - chất lượng tốt là những kệ trưng bày những bật lửa ngoại cỡ, những bình rượu bỏ túi có khắc ảnh Lê Nin và những bức tượng Phật đội mũ…

Đang thảnh thơi, ông Đông nói chuyện bằng kiểu tiếng Đức giản đơn, vừa nói vừa mỉm cười dù câu chuyện cuộc đời của ông không giản đơn chút nào. Ông đến Đông Đức vào năm 1988 và làm việc trong một nhà máy hóa chất ở Leipzig, nằm cách Berlin 190km về phía tây nam. Sống trong một khu Wohnheim, kiểu chung cư dành riêng cho công nhân lao động xuất khẩu, lúc ấy ông không có điều kiện để học thêm ngoại ngữ, tất cả chỉ là những gì học được tại nơi làm việc, và cũng không có mấy bạn bè là người Đức.

Khi nhà máy ngừng hoạt động, ông chuyển sang bán rau quả ở khu chợ ngoài trời tại Leipzig. Gia đình ông chuyển tới Berlin vào năm 2004. Khi tôi hỏi công việc kinh doanh dạo này thế nào, ông Đông trả lời thẳng thắn bằng tiếng Đức: “Không tốt”. Ông nói công việc trước kia tốt hơn nhiều. Bị gián đoạn nhiều bởi suy thoái, nhưng ông rất tự hào vì cửa hàng nhỏ của mình vẫn có đủ hàng để cấp cho những người bán buôn cũng như những khách mua lẻ. 

Với cả khu chợ nói chung, công việc buôn bán vẫn đang phát triển mạnh. Gian chợ đầu tiên mở cửa năm 2005, và từ đó đến nay khu chợ vẫn không ngừng mở rộng. Hiện đang có tất cả chín gian nhà, một số gian khác đang nằm trong quy hoạch. Năm 2010, giám đốc khu chợ, ông Nguyễn Văn Hiền, đã trả lời báo Berliner Morgenpost rằng khu chợ sẽ phát huy vai trò là trung tâm thương mại lớn ngang tầm như Chinatown ở Mỹ, Canada và Úc.

Theo TuoiTre