Cuộc gặp gỡ của thương nhớ

 

Háo hức xem triển lãm - Ảnh: Minh Giang

Tìm lại được mình

Những gương mặt, nụ cười, cuộc sống mến yêu nơi phiên chợ đã được ghi lại trong 200 khuôn hình của biết bao lãng khách. Và đã có biết bao câu chuyện xoay quanh các giá ảnh ngày triển lãm. Một cậu bé từ tận Phố Cáo tìm lại được mình, một cô gái ở Sủng Là nhận ra người ngồi bên khung cửa ngắm chiếc lồng chim cũng là mình.

Người nhận ra “em này là em trai của anh lấy chị gái em”. Người nhận ra con gái mình năm nào chỉ là một cô bé, bây giờ đã lớn hơn nhiều. Người nhận ra ngôi nhà, con đường về bản làng trong tấm ảnh phong cảnh. Chính bà con cũng thấy bất ngờ, sao nơi họ ở lại đẹp đẽ và thú vị đến thế trong một khuôn hình.

Từ sáng sớm đã nghe chiếc xe thông tin lưu động của huyện chạy quanh thị trấn và phát một bản tin ngắn bằng tiếng Mông - ngôn ngữ phổ thông quan trọng nhất sau tiếng Kinh với rất nhiều đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Giáy... trên cao nguyên đá. Có một triển lãm ảnh, một chương trình chụp và tặng ảnh, một bữa tiệc giao lưu ẩm thực dành cho bà con tại chợ Đồng Văn cũ trong hai ngày 18 và 19-2. (Chợ phiên tồn tại gần một thế kỷ này đã được di dời sang địa điểm mới từ tháng 8-2011, xem “Thương nhớ chợ phiên Đồng Văn”, Tuổi Trẻ ngày 27-11-2011).

Lâu lắm rồi chợ Đồng Văn cũ mới lại đông vui đến thế. Người đến xem triển lãm ảnh, người đến chụp ảnh, người đến ăn xôi màu, mèn mén, thắng cố, uống một vài chén rượu ngô và chuyện phiếm. Sắc màu tràn ngập phiên chợ “thương nhớ”. Rất nhiều lữ khách từng đến chợ Đồng Văn xúc động đến ngỡ ngàng. Với những người tổ chức, bao nhiêu lo lắng cho chương trình tri ân mảnh đất mến yêu đang theo dòng Nho Quế chảy đi.

Ở giữa gian nhà ngang, nơi đặt chiếc bàn nhỏ in ảnh trực tiếp tặng bà con, người đứng vòng trong vòng ngoài. Các tình nguyện viên háo hức chụp hình lưu niệm và chiếc máy in chạy hết công suất để in ra những bức ảnh “nóng hổi”. 300 niềm vui là 300 bức ảnh chụp. Người cầm bức hình rưng rưng cảm động, người vội vã khoe với bạn bè, tiếng nói tiếng cười rộn rã.

Tại khu vực treo 200 ảnh triển lãm, những tấm ảnh đã bắt đầu được đánh dấu bằng một sticker in chữ “Kính tặng” của chương trình. Điều đó cho biết bức ảnh đã tìm được chủ nhân. Đội trả ảnh cầm những bản in ảnh trên giấy đi xuống chợ mới và đi quanh khu vực chợ cũ tìm kiếm chủ nhân của những bức ảnh. Nhiều người thốt lên khi nhận ra người quen hay họ hàng. Tin tức về những bức ảnh đang được trao trả lan xa, nhanh đến mức người ở Phố Cáo, Sủng Là cũng lên, người ở Lũng Phìn, Mèo Vạc cũng lại...

Tất cả tình nguyện viên đều cuống quýt, vội vàng. Chúng tôi chạy từ giá ảnh này sang giá ảnh kia, đi từ góc chợ này sang góc chợ khác, nói cười hối hả khi đồng bào nhận ra chủ nhân của những tấm ảnh. Có những người nhận ra mình trong ảnh, có người là vợ con, anh trai, em gái, chồng, mẹ. Họ đã nhận ra chủ nhân và những tấm ảnh được gỡ ra khỏi giá treo và trao tặng.

Đã có quá nhiều những niềm vui khó tả, những câu chuyện không kết thúc. Ấy là khi chiếc giá ảnh cứ vơi dần. Có tấm ảnh được chính tác giả tặng lại cho nhân vật trong tác phẩm. Có tấm ảnh ban tổ chức thay mặt tác giả gửi tặng. Chúng tôi vui một thì đồng bào phải vui gấp đôi, gấp ba. Người chăm chú xem kỹ từng tấm hình, người xin nhận tấm ảnh chỉ vì “nhà em ở phía sau vách đá”.

Một nhóm tình nguyện cầm ảnh xuống tận chợ mới để tìm người vì đang bận bán hàng chưa lên xem triển lãm được. Vui thay, họ đã tìm được chủ nhân của những bức ảnh đó đang khâu giày, bán bánh gạo hay đang đi quanh chợ. Thật khó tin!

Câu chuyện về những bức ảnh tìm lại được chủ nhân khiến người làm chương trình cũng như bà con đều rơi vào một cảm xúc khó tả. Dư âm về món quà mừng xuân mới đầy ý nghĩa văn hóa mang đến cho đồng bào Đồng Văn khiến khắp thị trấn cao nguyên ấy đâu đâu cũng thấy bàn tán về triển lãm và chương trình giao lưu ẩm thực. Một bà cụ rưng rưng nắm tay tôi nói bà đã sống 80 tuổi, chưa có phiên chợ nào bà thấy vui như hôm nay. Cánh đàn ông bên bàn rượu hồ hởi: “Khi nào các chú lại lên?”.

Một phiên chợ đặc biệt của những ân tình mà bao lãng khách muốn gửi gắm lại cho cao nguyên đá, mong chia sẻ được với bà con những niềm vui tinh thần nho nhỏ, mong miền đất ấy sẽ ấm no và gìn giữ được bản sắc của riêng mình. Chúng tôi trở về và tự hỏi bao giờ lại có cuộc gặp gỡ của “thương nhớ Đồng Văn”?

Trích Tuổi Trẻ.