Đi qua tam giác vàng.

 
Dehli đông đúc
 
Chuyến bay của hãng hàng không Thai Airways hạ cánh xuống phi trường Dehli trong ráng chiều nhập nhoạng, một đô thị lấp lánh hiện ra bên dưới hứa hẹn những điều kì thú đang chờ đón. Từ trên máy bay tôi đã cảm thấy không khí rất Ấn Độ, khá nhiều các vị khách nữ trong bộ sari truyền thống và những người đàn ông theo đạo Sik quấn khăn trên đầu. Còn lại một nhóm bạn trẻ Hàn Quốc cùng chuyến bay với tôi ríu rít trò chuyện đầy hứng khởi. Mùi hương quen thuộc của đất Ấn ùa vào ngay khu vực nhập cảnh. Nhiều người có thể nhăn mũi còn tôi đã trở nên rất gần gũi với hương quế, hồi và hương gia vị mà những người đàn ông hay vui miệng nhai như ăn kẹo. 
 
Từ sân bay, chiếc taxi cà tàng đưa tôi và người bạn đồng hành len lỏi qua những con đường chợt tối chợt sáng thẳng hướng Ga Dehli, nơi tập trung những khu nhà trọ bình dân kiểu bến xe miền Đông miền Tây ở quê nhà Việt Nam. Kệ, cứ thử trải nghiệm một chút dân dã xem sao, tôi và anh bạn tặc lưỡi tạt vào một quán trọ tù mù với giá không thể rẻ hơn: 20 Rupee thời điểm đó. 
 
Một đêm ngon giấc vì chuyến bay dài cộng với những mệt mỏi vì thay đổi múi giờ, chúng tôi tỉnh dậy trong tiếng ồn ào náo động bên ngoài ô cửa sổ nhỏ xíu phủ đầy bụi. Ra khỏi cánh cửa tối màu của khách sạn, một không gian hoàn toàn khác đêm qua mở ra. Con đường trong khu Ga Dehli đông nghẹt người, xe bán hàng rong, xe đạp, xe máy, xe richshaw máy (một loại xe 3 bánh như xe lam) và cả những chú bò thảnh thơi lang thang. Những người đàn ông luôn miệng rao các món đồ như nón, nước uống, bánh nan (một loại bánh làm từ bột mì)… Mọi thứ tạo nên không khí đặc quánh khiến cho những ai không quen có thể bị say mùi. 
 
Những người đàn ông Ấn Độ nói thứ tiếng Anh nhanh và nặng khiến chúng tôi mất một hồi lâu mới hỏi được đường đến Pháo Đài Đỏ - Red Fort. Phương tiện nhanh nhất là dùng những chiếc xe taxi 3 bánh và chúng tôi có cơ hội trổ tài trả giá thoải mái bởi có hàng ngàn chiếc xe liên tục chạy khắp thành phố. Quả là một dịp thú vị để chúng tôi cảm nhận Dehli qua nhiều con đường. 
 
Thủ đô hành chính của Ấn Độ chia ra thành hai khu vực rõ rệt là Old Dehli và New Dehli với sự khác nhau về hạ tầng cơ sở và cả tầng lớp. Xã hội Ấn vẫn còn mang nặng tư tưởng tôn giáo Bà La Môn với sự phân tầng về vị trí. Pháo đài đỏ nằm tại khu vực Old Dehli, mới sáng sớm nhưng đã tràn ngập dòng người ghé thăm gồm cả khách địa phương lẫn người nước ngoài. Lal Quila, tên gọi của pháo đài đỏ được nhắc đến như một biểu tượng của quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Mảng tường dài tít tắp hiện ra trước mắt chúng tôi với màu đỏ rực lên trong nắng. Di sản văn hóa thế giới được công nhận năm 2007 này được xây dựng trên diện tích 92,6 hecta với những thành lũy bao quanh cao đến 18m.  
 
Con đường dẫn vào cổng Lahore (một trong những cổng vào lớn nhất) mang theo bao nhiêu háo hức của chúng tôi. Trên nóc cổng, những bảo tháp hình vòm kiêu hãnh vươn mình ở độ cao 33,5m cùng với lá quốc kỳ phấp phới. Tên gọi của pháo đài đến từ màu đá sa thạch được dùng xây dựng nên quần thể kiến trúc độc đáo này. 
 
Sau chiếc cổng cao kiên cố bằng sắt nhuốm màu thời gian, lối đi nhỏ đầy những gian hàng bán đồ lưu niệm khá trật tự đón chúng tôi. Rất đông những người Ấn Độ ghé chân vừa mua hàng vừa cười đùa rất vui vẻ. Họ đến từ khắp nơi trên đất nước, những phụ nữ trong bộ Sari nhiều màu sắc, những người đàn ông mặc quần áo thụng cuốn chúng tôi vào không gian của những công trình kiến trúc môn-gô (Mungaul). 
 
Pháo đài đỏ do một vị vua rất đặc biệt xây nên năm 1648, đó là đức vua Shad Jahan, người đã cho xây công trình Taj Mahal huyền thoại, biểu tượng của tình yêu bất diệt. Ông gọi pháo đài là Uru Muhalla và cho chuyển thủ đô từ Agra về Delhi, dùng pháo đài là trung tâm quyền lực. 
 
 
Bước qua cổng Lahore, tòa kiến trúc đồ sộ có tên gọi Diwan I Am với lối thiết kế vòm nối liên hoàn rất quen thuộc được xây dựng dưới triều vua Shah Jahal. Chính giữa tòa nhà là bệ đá cao bằng đá cẩm thạch trắng với nhiều nét khảm các loại đá quý nhiều màu, thể hiện đề tài hoa lá, chim muông rất sinh động. Diwan I Am chia làm 9 gian chiều rộng và 3 gian chiều sâu, mỗi cây cột có đến 12 cạnh, tài liệu ghi lại dưới thời vua Shah Jahah, các cây cột này được trang trí rất công phu, có mạ vàng và treo lụa sang trọng để tăng thêm vẻ đẹp và sự nguy nga của sảnh đường. Tòa kiến trúc này xưa kia dùng làm nơi gặp gỡ giữa nhà vua và thần dân, cũng là nơi để vua lắng nghe, tiếp nhận những ý kiến từ thần dân. 
 
Pháo đài làm chúng tôi cảm thấy choáng ngợp bởi những toà kiến trúc lộng lẫy như Bhadon, cung điện Rang Mahal. Khắp các bức tường, trần nhà đều sử dụng chất liệu nổi bật là đá cẩm thạch trắng. Các chi tiết được chạm, khảm hoa văn trang trí bằng đủ màu sắc khác nhau, các ô cửa sổ cũng là một phiến đá nguyên khối, được chạm lọng lên những hoa văn cực kỳ tinh tế. Vòm trần của kiến trúc này được ghép những chi tiết trang trí bằng thủy tinh, tạo hiệu ứng lấp lánh đẹp mắt nên nơi này còn được gọi với cái tên khác là “cung điện những chiếc gương”.
 
Trước những khối kiến trúc đầy nguy nga, tráng lệ của Pháo Đài Đỏ, chợt gợi lại cho chúng tôi câu chuyện vào năm 1958, bác Hồ cũng đã đến thăm nơi này theo lời mời của thủ tướng Nehru. Nhà báo Geetesh Sharma đã ghi lại: Trong lễ đón tiếp, thủ tướng Nehru mời bác Hồ ngồi vào một ngai vàng đồ sộ, lộng lẫy, vì người là khách mời danh dự của đất nước, còn thủ tướng chỉ ngồi một chiếc ghế bình thường. Bác Hồ kiên quyết từ chối, cả hai không ai chịu ngồi vào ngai vàng. Cuối cùng, thủ tướng phải cho dọn chiếc ngai vàng đi và thay bằng một chiếc ghế khác giản dị hơn. Câu chuyện này nay trở thành một huyền thoại về bác Hồ với người dân Ấn Độ trong chuyến viếng thăm Pháo Đài Đỏ. Những nguyên thủ quốc gia như tổng thống Mỹ Obama, ngoại trưởng Rice cũng đã từng đặt bước nơi đây trong các chuyến thăm hữu nghị. 
 
Bắt đầu khởi công từ 1639, phải mất đến 9 năm, vào ngày 16 tháng 4 năm 1648, Pháo Đài Đỏ mới được hoàn thiện. Ở phương diện lịch sử, Pháo Đài Đỏ là nơi diễn ra lễ tuyên bố độc lập của quốc gia Ấn Độ vào 15 tháng 8 năm 1947, và kể từ đó cứ đến 15 tháng 8 hàng năm, Pháo Đài Đỏ luôn được chọn là nơi tổ chức sự kiện trọng đại này. Chúng tôi đi trên những con đường trong pháo đài, cảm giác thật bình yên trong cái náo nhiệt của đoàn người đang nô đức đổ về. 
 
 
Choáng ngợp Agra
 
Mải mê thưởng thức cái không khí Ấn Độ đậm đặc ở Dehli, tối thủ đô chúng tôi ngồi nhâm nhi món bánh nan ăn chung với cari, uống thử chai bia Ấn mát lạnh mà lòng hướng về phía Agra đầy náo nức. Ngày mai sẽ là một ngày chúng tôi chờ đợi.
 
Sáng sớm, chuyến tàu từ Dehli đi Agra chậm chạp chuyển bánh và sau 2 giờ chúng tôi đã có thể dung dung trên chiến richshaw máy cũ kỹ tiến thẳng về Taj Mahal.
 
Taj Mahal luôn là một trong những hình tượng tiêu biểu nhất của đất nước Ấn Độ, không chỉ trong nét kiến trúc mà còn là ý nghĩa của nó khi được xây dựng. Có trên trong danh sách các Di sản Thế giới của UNESCO từ năm 1983, Taj Mahal được miêu tả là "Kiệt tác được cả thế giới chiêm ngưỡng trong số các di sản thế giới". Khu vực đền Taj Mahal ngày nay được bảo vệ với những quy chuẩn nghiêm ngặt như trong vòng bán kính 3km, tất cả các phương tiện di chuyển đều là các loại xe không khói để bảo đảm an toàn cho sự tồn tại khu di sản. 
 
Chúng tôi chọn cổng phía Tây để vào ngôi đền Taj Mahal. Quên hết mọi nóng bức của mùa hè Ấn Độ, những bước chân kẻ lữ hành cứ bước tới không mệt khi sắp được diện kiến khung cảnh tráng lệ vốn trước đây chỉ được xem qua phim ảnh sách báo.
 
Taj Mahal được xây dựng với cổng chính nhìn ra phía Nam để có thể đón ánh nắng cả ngày, điều này thể hiện sự thông thái của các kiến trúc sư thời đó. Anh Rohit, hướng dẫn của chúng tôi là người đã sống và lớn lên ở Agra cùng với Taj Mahal luôn miệng kể chuyện: “Taj Mahal được xây dựng bởi nhà vua mô-gôn Shad Jahah vào năm 1632. Vì vua này có đến 3 người vợ và họ đều theo hồi giáo. Ông có tên thật là Shad Budin, nhưng sau khi lên ngôi đã lấy hiệu là Shad Jahan có nghĩa là vua của thế giới. Nhiều người lầm tưởng Taj Mahal là một cung điện, nhưng thật ra đây là một đền thờ. Nó được xây lên để tưởng niệm người vợ thứ 3 của nhà vua là hoàng hậu Mum Taj Mahal. Tên thật của bà là Ajumand Banu Begum nhưng nhà vua đã gọi bà là Mum Taj Mahal với ý nghĩa biểu tượng sắc đẹp của cung điện”.
 
Trước khi bước vào khu đền chính, chúng tôi lại nhận tràn ngập những con số ấn tượng từ Rohit. Mất 17 năm để người ta xây dựng cung điện và 5 năm cho những công trình xung quanh khu quần thể. Cổng vào chính diện của Taj Mahal có chiều cao 35m, được làm hoàn toàn bằng đá sa thạch đỏ và chóp mái bên trên bằng đá sa thạch trắng. Những thiết kế hoa văn và cây cỏ, đều được tạc bằng đá sa thạch và cẩm thạch, sau đó được dán vào tường với một loại keo đặc biệt mà đến nay hơn 360 năm vẫn không ai biết được đó là chất kết dính gì. 
 
Những phòng ốc và hành lang hai bên đượcc xây dựng cùng thời điểm và thường được gọi là Caravansarai nơi những người lỡ đường qua lại có thể dừng nghỉ tạm mà không phải trả tiền. Họ thường dừng chân cầu nguyện và cúng tặng những vật phẩm cho hoàng hậu quá cố. 
 
Bao nhiêu háo hức dâng trào trong chúng tôi, ngôi đền Taj Mahal hiện ra phía chân trời thật kỳ diệu. Không một công trình kiến trúc nào được xây cao hơn Taj Mahal trong khu vực này để đảm bảo lúc nào nó cũng là độc nhất trên nền trời bao la. Càng vào sâu chúng tôi càng hiểu thêm mối tình lãnh mạn đã là chất xúc tác cho sự ra đời của ngôi đền mĩ lệ này.
 
 
Khi mang thai đứa con thứ 14, nàng Mumtaz đã nghe về một điềm xấu rằng mình sẽ có thể sẽ phải rời xa nhà vua mãi mãi, do đó Mumtaz đã đề nghị Shad Jahan giữ 3 lời hứa nếu điều đó xảy ra bao gồm: không cưới thêm bất cứ ai nữa, chăm sóc các con và xây một đền thờ hồi giáo thật đẹp. Nàng Mumtaz đã theo nhà vua ra trận và mất khi hạ sinh đứa con thứ 14. Giữ đúng lời, nhà vua cho xây đền thờ tráng lệ đặt tên là Taj Mahal để tưởng nhớ người vợ yêu quý của mình. Trước đây Taj Mahal là một khu vườn tươi mát nằm bên cạnh dòng Yamuna, đó cũng là nơi nhà vua và nàng Mumtaz gặp nhau lần đầu tiên. Nhà vua truyền lệnh đi khắp châu Á trong vòng 6 tháng để tuyển chọn mô hình cho ngôi đền thờ và trong 17 bản vẽ, ông rất ứng ý kiến trúc của Isanakhandif từ Thổ Nhĩ kỹ. Năm 1631, công trình được bắt đầu và nhà vua đã mất 22 năm hoàn thành tác phẩm vĩ đại này với hơn 20.000 nhân công. 
 
Người ta đã phải đắp đất từ khoảng cách 1,5km cao dần cho đến đỉnh đền. Voi cũng như lạc đà được dùng để kéo những phiến đá lên trên cao. Sau khi đền thờ hoàn thành, mất sáu tháng để công nhân dọn dẹp đống đất đá đã đắp lên và dùng chúng để xây dựng các công trình xung quanh.
 
Trước khi vào đền du khách phải gói giày vào một chiếc túi hoặc bao bên ngoài lớp vải mỏng được phát sẵn. Chúng tôi chọn cách đi chân trần như nhiều phụ nữ và đàn ông Ấn để cảm nhận nền đá mát lạnh khi bước qua cửa đền. Chính giữa là hai ngôi mộ của nhà vua và hoàng hậu hướng ra phía cửa chính nằm im lìm. Mái vòm cao chót vót phía trên vang vọng lại tiếng hướng dẫn viên và trầm trồ từ du khách. Rohit cầm chiếc đèn pin, áp vào một chiếc lá hoa màu xanh trên tường làm nó sáng rực lên. Khắp các bức tường là nhiều loại đá quý khảm vào đá như màu xanh là ngọc lam, màu hồng là mã não, đá mắt mèo, đá xám đem….tất cả các loại đá này đều được nhập về từ các nước lân cận như Afganishtan hay khu vực Ba Tư (Iran, Iraq ngày nay). Các vì vua láng giềng của Ấn Độ đã tặng Shad Jahan hầu hết số đá quý này bởi họ biết ông đang xây dựng một đền thờ cho người vợ yêu quý của mình. Rất nhiều du khách không thể kìm nén được sự thích thú khi thử cảm giác âm thanh vang dội từ trên trần xuống tường. Một vài người phụ nữ Ấn thành kính cầu nguyện và đặt tay lên bức thành bao quanh ngôi mộ.   
 
Taj Mahal đã thật gần gũi, lưng áo tôi đang dựa vào ngôi đền huyền thoại. Cùng với nhiều du khách, chúng tôi ngồi cả giờ đồng hồ phía sau đền thờ để thưởng thức không khí mát mẻ và ngắm nhìn dòng Yamuna hiền hòa trôi. Bỏ qua sự độc đoán và hiếu chiến, với chúng tôi Shad Jahal là một nhà vua có tình yêu hết sức mãnh liệt với vợ mình khi cho xây nên đền thờ Taj Mahal. Ông đã để lại cho hậu thế một công trình kiến trúc mà hình ảnh của nó trở thành biểu tượng của tình yêu và sự lãng mạn mà với thi hào nổi tiếng Tagaore thì Taj Mahal như “Giọt lệ lấp lánh gương mặt thiên thu”. 
 
 
Thanh bình Jaipur 
 
Nếu như Dehli đông đúc, Agra tráng lệ thì Jaipur mang một vẻ gì đó mĩ miều và đằm thắm. Cũng bởi những kiến trúc ở đây có sự pha trộn giữa Hindu giáo và Hồi giáo tạo nên một đô thị đặc sắc trong “tam giác vàng” Ấn Độ. 
 
Chúng tôi đến Jaipur vào những ngày cuối của chặng hành trình với tâm trạng không hề mệt mỏi. Mỗi ngày ở Ấn là một ngày thêm nhiều người bạn, tiếp xúc nhiều cư dân bản địa và tận mắt nhìn thật nhiều địa danh vốn đã thấy trên các tấm ảnh. Anh bạn đồng hành chúng tôi gặp ở Agra hôm trước đã nói: “hãy đi Jaipur nhưng đừng mường tượng ra sự tráng lệ nhé, ở đấy hãy để mọi thứ nhẹ nhàng trôi”. 
 
Chúng tôi xuống bến tàu khi trời đã xẩm tối, chiếc richshaw nhàn nhã tiến về phía nhà trọ cách đó không xa. Đêm Jaipur cũng đông đúc ầm ào nhưng có gì đó rất thanh bình. Những món ăn đường phố như khoai tây nghiền, sinh tố xoài hay nước rau bạc hà bổ sung thêm vào nhật ký ngày của chúng tôi thật nhiều chi tiết thú vị.  
 
Jaipur còn có biệt danh là thành phố màu hồng, là đô thị lớn nhất của tỉnh Rajasthan được xây dựng vào thế kỉ thứ 18 bởi Sawai Jai Singh. Jaipur có rất nhiều công trình thu hút du khách như cung điện, đền thờ nhưng chúng tôi vẫn quyết định chọn những pháo đài làm điểm đến đầu tiên. Kiến trúc nhà cửa và pháo đài mang màu đỏ hồng của đá và gạch đã tạo nên cái biệt danh của thành phố xinh đẹp bao quanh bởi đồi núi này. 
 
 
Từ trung tâm thành phố, chúng tôi thẳng tiến đến Amer Fort, sáng sớm đã có nhiều du khách thích thú lắc lư trên lưng voi đến pháo đài. Con đường dốc thoai thoải làm chúng tôi cảm thấy khoan khoái bước tới. Được bắt đầu xây dựng bởi Man Singh I năm 1592, và hòan thành bởi người kế vị Jai Singh I, Amer Fort hay còn gọi là Amber Fort gây ấn tượng với mọi người bằng hàng trăm hình ô cửa sổ mái vòm tràn ngập phía mặt ngoài. 
 
Cổng chính Surai Pole của pháo đài hướng về phía mặt trời mọc, cũng là nơi những đạo quân chiến thắng trở về từ chiến trường và được những người phụ nữ trong hoàng gia chào đón. Mỗi bước chân của du khách làm chúng tôi liên tưởng đến sự huy hoàng của pháo đài trong quá khứ.  
 
Pháo đài có đến 4 khu vực chính, chúng tôi theo cổng Surai Pole qua hướng Jaleb Chowk đi vào trong. Ngay bên phải là ngôi đền Sila Devi nơi từng dùng để tiến tế những con vật cho đến tận những năm 1980. Càng vào sâu, những kiến trúc của pháo đài chinh phục chúng tôi bởi những trang trí trên tường hết sức tinh xảo. Khác với Taj Mahal, mọi thứ ở Jaipur nhìn không thật xa hoa nhưng vẫn toát lên nét thẩm mĩ đỉnh cao. Những mảnh ghép của từng bông hoa, cánh hoa được ốp tỉ mỉ lên tường. Ô cửa mái vòm hình tổ ong đều đặn nhìn xuống mặt hồ phẳng lặng. Bên ngoài là ánh nắng chói chang mà hành lang vẫn mát lạnh khiến nhiều du khách cứ tần ngần không muốn rời. Nhưng nơi được nhiều người ghé thăm nhất có lẽ là những bức trần gương ở cung điện gương – Mirror Palace. Những hoa văn áp vào trần bằng gương và đá bóng khiến cho ánh nắng lọt vào phản xạ lấp lánh như bầu trời sao giữa ban ngày. 
 
Những người quản tượng vui vẻ bắt chuyện khi chúng tôi lân la với mấy chú voi dưới chân pháo đài. Các chú voi được sơn móng chân, trán, vòi và khoác “áo” nhiều màu sắc. Họ cho biết mỗi chú đều được đặt tên và trước khi bắt đầu làm việc thì sẽ được các vị thầy trong Bà La Môn giáo làm lễ cầu may mắn. Từng chú sẽ có một vị thần tượng trưng bảo hộ và có lẽ vì lý do đó, bao nhiêu năm qua, các chú voi vẫn mạnh khỏe và ngày ngày phục vụ hàng trăm du khách. Những họa tiết được sơn lên các chú voi bằng loại bột màu giống như thứ bột được bày bán trên những đường phố và hình vẽ đa phần là hoa, dây leo rất quen thuộc trong những trang trí nơi các công trình kiến trúc pháo đài, lăng tẩm. 
 
Càng về trưa, Amer Fort càng đông khách. Theo số liệu được báo cáo bởi Trung tâm khảo cổ và bảo tàng Ấn Độ, trung bình có hơn 5000 lượt khách mỗi ngày và gần 2 triệu du khách một năm ghé thăm pháo đài, một con số ấn tượng nói lên giá trị về lịch sử và văn hóa của công trình nằm soi bóng bên mặt hồ Maota này.
 
Tạm biệt pháo đài Amer, chúng tôi tiếp tục rong ruổi trên con đường đến đền thờ Laxmi Narayan nơi gợi lại truyền thống văn hóa và tín ngưỡng muôn thuở của Ấn Độ từ hàng thế kỉ qua. Lại nắng, gió và những lời mời gọi của nhóm người bán hàng rong... chúng tôi xin hẹn đồng hành cùng các bạn trong những câu chuyện tiếp theo nhé!
 
An Nam – Hoach