Đường Đến Vương Quốc Đàn Bà

Có một vùng đất mà từ hơn ngàn năm qua được lưu truyền với huyền thoại là một vương quốc của đàn bà, đàn ông lọt vào chốn sơn thủy này sẽ bị bắt làm nô lệ tình dục cho đến mãn đời, nơi này đàn bà nắm mọi quyền sinh sát, mà trong “tứ đại danh tác” Trung Hoa cổ sử Tây du ký đã từng ghi lại rằng Đường Tăng đã từng lọt vào xứ sở kỳ lạ này với tên gọi Tây lương nữ quốc…

"TÂY LƯƠNG NỮ QUỐC"

Gấp cuốn sách Tây Du Ký lại, nhắm mắt mà thầm nghĩ: Có hay không một vương quốc của nữ nhi, nơi mà đàn bà nắm mọi quyền hành từ ngàn năm trước?. Thư điện tử được gởi đi khắp Trung Hoa xin chút thông tin về “Tây lương nữ quốc” cũng rơi vào quên lãng, vậy mà cuối cùng email của một người quen ở Côn Minh đã hồi âm rất ngắn nhưng mở ra một chuyến đi: “Tây lương nữ quốc nằm cách thành cổ Lệ Giang 300 km về hướng bắc và phải vượt 18 con đèo để lên cao nguyên Minh Châu…”.

Cho đến năm 1996, vẫn còn ít ai biết đến cổ thành Lệ Giang với cái tên Đại Nghiên cổ trấn. Tháng 2.1996, một trận động đất mạnh đến 7 độ richter đã san bằng 1/3 khu thành cổ và khi các lực lượng cứu hộ quốc tế tìm đến họ mới ngỡ ngàng vì sao nơi chỉ cách thủ phủ Côn Minh của tỉnh miền núi heo hút Vân Nam lại có một đô thị cổ đẹp như tranh?. Được xây dựng từ cuối đời nhà Tống, đầu nhà Nguyên, với hơn 700 năm lịch sử, nhưng Lệ Giang vẫn giữ được gần như nguyên vẹn một đô thị cổ với những ngôi nhà gỗ, lợp ngói âm dương đều tăm tắp, và dòng sông Ngọc Hà uốn lượn qua phố với những chiếc cầu đá ẩn hiện dưới chân núi Ngọc Long Tuyết Sơn quanh năm tuyết trắng như tranh thủy mặc. Chỉ trong ba năm “khai thác” thiên đàng hạ giới” này sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, người Trung Hoa đã thu về 1,344 tỷ nhân dân tệ từ Đại Nghiên cổ trấn...

Chúng tôi rời Lệ Giang trong một ngày mưa tầm tả. Vừa ra khỏi ngoại vi Lệ Giang chưa bao lâu, chúng tôi đã vào ngay con đèo cao ngất. Câu chuyện về xứ sở đàn bà này dần dần được hé mở trên đường vượt qua 18 con đèo ngoạn mục để lên cao nguyên Minh Châu. Và cái xứ sở lạ lùng này hoàn toàn có thật trong cổ sử Trung Hoa. Sử xưa kể rằng, Hốt Tất Liệt với đoàn kỵ binh Mông Cổ ngày xưa vượt núi đến đây cũng là một kỳ công. Nhưng khi phát hiện ra khung cảnh thần tiên với những nữ nhi vô cùng duyên dáng, binh lính Mông Cổ đã ngẩn ngơ mà hạ mã, tra gươm, và chính Hốt Tất Liệt đã đặt tên cho vùng đất này là Vĩnh Ninh Hương – ngôi làng mãi mãi yên bình. Còn với câu chuyện Đường Tăng lạc vào nữ nhi quốc đã được cổ sử Trung Hoa ghi chép rất cẩn thận. Trong Đại Đường tây vực ký do chính Đường Tăng viết có ghi: Hành trình sang Tây phương thỉnh kinh kéo dài trong suốt 17 năm (từ năm 629 đến năm 645 sau Tây lịch) đi qua 128 nước lớn nhỏ. Ông đi một mình cùng với một chú ngựa già, và mang từ Ấn Độ về hàng trăm bộ kinh Phật được chở trên 24 con ngựa, lạc đà. Trong Đại Đường Tây vực ký cũng đã từng nhắc đến sự kiện Đường Tăng lạc bước vào “Tây Lương Nữ Quốc”, nữ vương của xứ Tây Lương đem lòng yêu thương Đường Tăng và muốn sống trọn đời bên ông giữa bồng lai tiên cảnh, nhưng Đường tăng đã vượt qua sắc dục mà tiếp tục hướng tới con đường thỉnh kinh.

Trong cơn mưa chiều mù trời, một khung cảnh ẩn hiện của những mái nhà lúp xúp ven hồ nước mênh mông đã hiện ra. Đỉnh Cách Mẫu Sơn sừng sững như đang cố chọc xuyên mây để đón tia nắng cuối ngày cho bước chân lữ khách được chiêm ngưỡng chốn bồng lai. Đây chính Vĩnh Ninh Hương của Hốt Tất Liệt, Tây Lương nữ quốc của Đường Tam Tạng và Vương quốc đàn bà của chúng tôi…

TÌNH MỘT ĐÊM…

Tây Lương nữ quốc trong Đại Đường tây vực ký chính là khu vực sinh sống ngày nay của cư dân bộ tộc Moso nằm ven hồ Lugu - một vùng rừng núi heo hút trên cao nguyên Minh Châu, phía tây bắc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Bộ tộc người Moso tự xưng là người Nạp Nhật, là hậu duệ của dân tộc Khương cổ đại. Theo “Nguyên sử địa lý chí” của người Trung Quốc, người Moso từ cao nguyên Himalaya đã di cư đến vùng hồ Lugu từ hơn 1.500 năm nay. Với người Moso, cho dù trong xã hội bộ lạc hay thị tộc và cho đến hôm nay vẫn theo chế độ mẫu hệ, mọi việc trong cộng đồng, gia đình đều do người phụ nữ quyết định. Cộng đồng Moso được cai quản bởi một nữ vương. Phụ nữ Moso rất khỏe mạnh, đàn ông các bộ tộc khác lỡ bước lạc vào Nữ nhi quốc sẽ bị bắt làm nô lệ, đặc biệt là những trai tráng khỏe mạnh, ban ngày họ là nô lệ khổ sai xây dựng thành quách cho nữ vương, đêm về sẽ làm thú vui thể xác thâu đêm cho các nữ quan đất này. Theo một nghiên cứu khoa học được công bố năm 1998 của tiến sĩ Châu Hoa Sơn, thuộc trường đại học Hong Kong, thì chốn này là chốn “vô phụ, vô phu” (không có khái niệm cha hay chồng), người phụ nữ có quyền quan hệ tình dục với bất cứ người đàn ông nào mà họ thích và khi có con họ tự nuôi, không cần biết ai là cha chúng. Các “lão cửu cửu” (người cậu) trong gia đình sẽ đóng vai trò người cha nuôi nấng và chăm sóc đứa bé cho đến khi trưởng thành.

Chúng tôi đến thăm Lạc Thủy thôn, một thôn mà vừa nghe qua sự giới thiệu của ông trưởng thôn đã thấy đặc trưng cho xứ sở đàn bà: Thôn có 500 người, mà phụ nữ có đến hơn 300 người. Trưởng thôn Ta Shi Po Che chống chế khi chúng tôi hỏi vì sao ông lại là trưởng thôn chứ không phải một nữ nhân nào khác: “À không, do chính quyền kêu tôi làm trưởng thôn thôi, chứ thực ra mọi việc tôi đều phải xin phép tổ mẫu (mẹ), ngay cả việc tiếp các anh trong nhà tôi, tôi cũng phải tâu lên tổ mẫu”.

Ở xứ sở đàn bà này, người ta gần như không ngại ngùng khi nói đến chuyện “tình một đêm” mà ngôn ngữ nơi này gọi là “tẩu hôn”. Hôm đến thăm Thaxi Zhuma, một cô gái Moso mới 20 tuổi, cô rất háo hức giới thiệu với chúng tôi căn phòng “tẩu hôn” trên hoa lầu của cô. Khi con gái Moso đến tuổi 13 – tuổi mà cộng đồng cho phép “tẩu hôn” sau khi làm lễ “thành nhân”, cô gái sẽ được mẹ cha sắm cho một hoa lầu, nơi đó là  một căn phòng với chiếc giường phủ màn hồng e ấp. Cô gái đã bắt đầu có quyền đón mời bất cứ chàng trai nào mà mình ưng đến hoa lầu để “tẩu hôn”. Sau khi đáp được tín hiệu cho phép, chàng trai chỉ cần cào nhẹ vào căn phòng trên hoa lầu lập tức cô gái sẽ mở cửa cho chàng trai vào. Với người Moso, tình yêu đến rất tự nhiên, nam không cưới, nữ không gả. Sau “tình một đêm” nếu cảm thấy thích thì sẽ tiếp tục “tẩu hôn” lâu dài, còn không thì đường ai nấy đi, đứa trẻ sinh ra sẽ không bao giờ biết được người cha thực sự của chúng. Do đó trong ngôn ngữ người Moso không hề có từ “vợ, chồng” mà chỉ có “Azhiu” có nghĩa là “đằng ấy” hay đơn giản là “bạn”.

Bộ tộc Moso được xem là hóa thạch sống của chế độ mẫu hệ từ thuở bình minh của loài người còn sót lại đến ngày hôm nay, nhưng đàn ông đa tình “tẩu hôn” một lúc với nhiều cô gái còn nghiêm trọng hơn tội giết người. Một người đàn ông lợi dụng sự tự do luyến ái sẽ bị cả cộng đồng lên án, đuổi ra khỏi bộ tộc và đó sẽ là nỗi nhục truyền kiếp cho cả dòng họ.

QUYỀN LỰC ĐÀN BÀ

Trước đây, bộ tộc Moso được cai quản bởi dòng tộc nữ vương A Vân Sơn, một bộc tộc tự xưng là con của “Thánh mẫu vũ trụ” Hy Mã Lạp Sơn. Sau năm 1950, chính quyền trung ương không cho phép tồn tại một vương quốc tự trị của A Vân Sơn nên đã đày cả dòng họ nữ vương đi xa. Việc điều hành bộ tộc được giao cho một hội đồng các thôn trưởng. Thế nhưng tục lệ nữ quyền của người Moso vẫn không bỏ được, do đó từng gia đình vẫn âm thầm giữ lại truyền thống bộ tộc qua quyền lực của các tổ mẫu. Ngay như thôn trưởng Ta Shi Po Che đã hơn 50 tuổi, khi được chính quyền cho làm trưởng thôn và được phát lương mỗi tháng 700 nhân dân tệ, ông đều mang về nộp đủ cho tổ mẫu và ngày ngày vẫn phải lên rừng chăn dê, làm công việc đồng áng do tổ mẫu giao. Mỗi khi đi họp xã, họp huyện, ông đều ghi chép rất cẩn thận để về trình tổ mẫu xem và quyết định việc nào nên làm, việc nào không…

Trong các ngôi nhà truyền thống của người Moso, nơi trang trọng nhất là mẫu thất, với khung cửa thấp đến bất thường, để tỏ lòng cung kính tổ mẫu, mỗi khi bước vào đầu phải cúi thấp. Ngay cả hai cây cột trong phòng tổ mẫu cũng thể hiện quyền lực đàn bà, nhất thiết đều được lấy từ một gốc cây, phần cột biểu hiện cho nữ được làm từ gốc cây, phần cột cho nam là ngọn cây với ý nghĩa nữ là gốc, còn nam chỉ là ngọn. Ở bến thuyền ven hồ Lugu, chúng tôi thường thấy những người đàn ông Moso lam lũ sau một ngày vất vả chèo thuyền đưa khách sang bên kia hồ tụ tập lại đếm số tiền kiếm được trong ngày. Sau đó, những người phụ nữ xuất hiện, đám đàn ông líu ríu nộp tiền mà không hề dám xin dù chỉ một xu để mua thuốc lá hoặc uống chèn trà.

Một dự án quy mô xây dựng Lạc Thủy thôn thành khu du lịch hiện đại với nhà hàng, karaoke, khách sạn ba sao…Theo đó, tên Lạc Thủy thôn sẽ được đổi thành “Nữ nhi quốc” và đưa ra những “cuộc chơi” như đàn ông vào đây sẽ bị các cô gái đánh (tượng trưng) vài hèo và sẽ được tham dự những đêm Giáp tha vũ tìm ý trung nhân. Nhưng chúng tôi vẫn thích tìm đến những ngôi nhà nhỏ truyền thống của người Moso để được nghe các tổ mẫu vẫn đêm đêm ngồi bên bếp lửa để kể cho con cháu nghe chuyện ngày xưa của Tây Lương nữ quốc…

Theo Tạp chí Du lịch & Giải trí