Ông Henri Hubert - đại sứ chương trình Global Wellness Day (GWD - Ngày hội Sức khỏe toàn cầu) tại Việt Nam, đã có buổi chia sẻ cùng tạp chí Du lịch & giải trí về ẩm thực, dinh dưỡng cho sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần dành cho mọi người.
DL>: Một thực tế cho thấy thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, vậy theo ông chế độ ăn uống là theo xu hướng hay tôn giáo, hay nên theo nhu cầu (sinh học) của con người?
Tôi nghĩ có một số khía cạnh cần được xem xét trong lĩnh vực dinh dưỡng như: Vị trí địa lý, lịch sử, tôn giáo, giáo dục, tài chính và nhu cầu... Tất cả những yếu tố này đều tác động đến điều kiện dinh dưỡng cho sức khỏe của chúng ta cả thể chất, tâm lý lẫn tinh thần. Với tôi, thực phẩm là sự chia sẻ, là khơi nguồn của một văn hóa, một thói quen làm siết chặt tình thân gia đình, xã hội của tất cả mọi người lại với nhau, qua những khoảnh khắc của một bữa ăn gia đình, tiệc tùng cùng bạn bè, qua các truyền thống và lễ hội tôn giáo. Và tất nhiên, tôn giáo là một trong những yếu tố tác động lớn đối với chế độ ăn uống, bao gồm từ việc cấm một số loại thực phẩm cho đến các giai đoạn kiêng cữ và ăn chay, thông qua các nghi thức xung quanh việc giết mổ và tiêu thụ động vật hoặc chế độ ăn uống phải đi kèm với các lễ hội và lễ kỷ niệm. Trong một số tôn giáo, mối liên hệ giữa tôn giáo và thực phẩm là rất sâu sắc, việc ăn uống là một khoảnh khắc thiêng liêng, mỗi thứ ta ăn có ảnh hưởng đến danh tính của con người và của các tín đồ.
Mặt khác phải nói đến là thành phần dinh dưỡng đúng có vai trò rất lớn trong việc ngăn ngừa sự xuất hiện và phát triển của một số bệnh như béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp động mạch hay thậm chí là các bệnh tim mạch. Vì vậy, duy trì sự cân bằng dinh dưỡng nhất định là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng thực hiện. Tôi sẽ là người đầu tiên nói về nó nhưng có lẽ là người cuối cùng làm theo (cười lớn)
Trong xã hội hiện đại và tri thức tiến bộ của chúng ta ngày nay, chúng ta thường có xu hướng ăn uống lành mạnh. “Tôn giáo” hữu cơ mới này mặc dù đã có ảnh hưởng nhận thức ở các quốc gia phát triển, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận rằng hàng triệu người, dù giàu hay nghèo, đôi khi cũng khó tránh khỏi việc ăn uống không sạch, mà thậm chí không hề hay biết. Khi tôi đến các thị trấn nhỏ ven biển ở Việt Nam, hoặc thậm chí ở sông Mekong chẳng hạn, khi nói đến chế độ dinh dưỡng tôi lại thấy những người ở đây ăn uống đơn giản và lành mạnh dù họ không cập nhật xu hướng hay theo tôn giáo, tín đồ nào cả. Và đối với cá nhân tôi chế độ ăn uống của tôi rất đơn giản, tôi không thích một số loại thịt, đặc biệt là từ động vật bốn chân, nhưng đó là sở thích cá nhân, không liên quan đến tôn giáo, tín đồ hay bất kỳ xu hướng nào.
DL>: Thực phẩm chay (rau) có phải là lựa chọn lành mạnh nhất?
Ngày nay, chế độ ăn chay thực dưỡng càng thu hút nhiều người, tỷ lệ những người này ở Pháp và Việt Nam không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, chế độ ăn uống lành mạnh này đang vấp phải những tranh luận sôi nổi giữa những người coi nó là chế độ dinh dưỡng đúng của tư duy tiến bộ và những người ngược lại, coi đây là một chế độ ăn uống nguy hiểm dẫn đến thiếu chất và nghi ngờ truyền thống ẩm thực của một số quốc gia. Trước hết, chúng ta cần phải hiểu đầy đủ những gì đằng sau thuật ngữ này, cần phân biệt “ăn chay” với “ăn chay thuần”. Một người “ăn chay” là không ăn thịt động vật, nhưng họ có thể ăn trứng hoặc thậm chí các sản phẩm từ sữa. Trong khi đó, “ ăn chay thuần” là loại trừ bất kỳ sản phẩm nào từ động vật: trứng, các sản phẩm từ sữa (sữa chua, pho mát, v.v.) hoặc thậm chí là mật ong. Vì vậy, với câu hỏi của bạn, câu trả lời của tôi là không, mặc dù tôi là người có chế độ ăn uống gần giống như một người “ăn chay”. Theo tôi, nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người phụ thuộc vào sự trao đổi chất của cơ thể và sự thấu hiểu cơ thể của chính mình, ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến việc kiến thức đúng.
DL>: Để ăn uống đúng cách, chúng ta cần sự hỗ trợ của các chuyên gia ẩm thực, chuyên gia dinh dưỡng, đầu bếp ... Những điều này có cản trở người bình thường muốn có những bữa ăn ngon, bổ và tốt cho sức khỏe không?
Đầu bếp như một ảo thuật gia, là người mang đến cho chúng ta sự thưởng thức, cảm nhận hương vị thông qua nghệ thuật biến tấu trong từng món ăn. Chuyên gia dinh dưỡng là người có hiểu biết rất rõ về sự đóng góp dinh dưỡng của thực phẩm, ảnh hưởng của chúng đối với sức khoẻ và giúp điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh theo nhu cầu của chúng ta. Tôi tin rằng tác động bổ sung lẫn nhau của cả hai vai trò này chắc chắn giúp chúng ta cân bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, phù hợp với sự trao đổi chất của mỗi cơ thể. Tuy nhiên, kiến thức về chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tôi nghĩ đó là vấn đề của giáo dục và đặc biệt là môi trường, chúng ta vẫn có thể thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh mà không cần sự hỗ trợ của các đầu bếp hay chuyên gia dinh dưỡng. Điển hình như điều kiện sống và ăn uống ở thành phố, đô thị sẽ khác với điều kiện lối sống ở nông thôn hoặc vùng ven biển. Ví dụ như ở vùng ven biển, chỉ với cá đơn giản trong mỗi bữa ăn mà không tiếp xúc với các loại thịt gây hại khác, thì một cuộc sống điều kiện bình thường cũng có thể duy trì một chế độ dinh dưỡng tốt.
DL>: Cảm ơn ông về buổi trò chuyện này, chúc ông có nhiều sức khỏe để hoàn thành tốt vai trò đại sứ GWD của mình!