HUYỀN THOẠINGƯỜI DAYAK TRÊN ĐẢO BORNEO


Cửa ngõ Banjarmasin

Chúng tôi quyết định bắt đầu hành trình từ thành phố Banjarmasin, miền Nam đảo Kalimantan.Đây là cánh cửagần nhất để có thể len lỏi sâu vào những khu rừng trên đảo với biết bao điều kì bí. Muốn đến Banjarmasin, cách thuận tiện nhất là đáp máy bay từ thủ đô Jakarta với khoảng 1,5 giờ bay. Chuyến bay chiều hạ cách trong ráng chiều nhập nhoạng chỉ khiến chúng tôi thêm tò mò về một đô thị được mệnh danh là thành phố ngàn sông.

Sáng sớm, người dẫn đường Mukani đưa chúng tôi làm một vòng thành phố bằng con thuyền truyền thống keloto. Kênh rạch nơi đây rất chằng chịt, hàng trăm cây cầu bắc ngang vàtrên đó người ta tạo nên những chợ trời trên cầu tấp nập.

Con thuyền chạy xuyên qua những khu phố nổi, những căn nhà được dựng tràn ra mặt sông. Từ hai bên mạn thuyền có thể thấy rất nhiều những gia đình đang tắm rửa giặt giũ, tiếng ghe máy qua lại, tiếng những người phụ nữ trò chuyện và lũ trẻ vẫy vùng chơi đùa tạo nên một không gian gần gũi như đi giữa miền Tây quê nhà Việt Nam.


Thuyền chạy đến một ngã ba sông rộng thì bỗng chậm lại bởi trước mắt chúng tôi là những ghe thuyền bồng bềnh tràn ngập phía chân trời. Cảm giác ngỡ như chợ nổi Cái Răng hay Phụng Hiệp miệt Cửu Long, chỉ có điều những người buôn bán nơi đây nổi bật hơn với khuôn mặt trắng toát bởi họ dùng vôi bôi lên mặt nhằm tránh cái nắng sẽ sớm lên cao. Trên con thuyền bán bánh trái và đồ ăn sáng, người ta để một cây móc dài, cứ ai muốn ăn gì thì cầm chiếc gậy có đầu nhọn ấy ghim vào món mình thích. Còn dưới những thuyền bán trái cây, các ông chủ bà chủ tươi cười mời khách nếm thử tất cả những gì họ thích. Không khí sôi động râm ran cả góc trời khiến lòng những lữ khách chúng tôi thêm rộn ràng.

Chợ nổi trên dòng Barito đã ra đời cách đây hàng trăm năm, từ khi những người Dayak chọn thuyền là phương tiện di chuyển từ đầu nguồn xuống đồng bằng.Chợ chỉ bắt đầu đông đúc sau 5h sáng (sau khi các tín đồ hồi giáo cầu nguyện) và kết thúc khoảng 8h sáng để mọi người tiếp tục công việc thường nhật.Sản vật chính đa phần là trái cây như dưa hấu, thơm (dứa), chuối… Chợ nổi ngày nay đã có rất nhiều những cư dân khác từ khắp nơi đến, muốn tìm được người Dayak và tìm hiểu cuộc sống của họ chỉ có cách ngược dòng hay vượt đèo vào rừng sâu. 
 


Bí ẩn trong rừng sâu

Người Dayak trên đảo Kalimantan chiếm đại đa số, có bề dày lịch sử cư trú trên vùng đất ngày từ hàng thiên niên kỉ trước. Từ khi còn là những bộ lạc nguyên thủy, họ đã rất nổi tiếng với những câu chuyện săn đầu người rùng rợn do các tù trưởng lãnh đạo cùng các chiến binh dũng cảm và thiện chiến.

Từ thành phố Banjarmasin chúng tôi mất một ngày dài len lỏi qua những con đường ngoằn ngoèo nhỏ hẹp, đến được Loksado thì trời đã nhá nhem tối, dòng sông Amandit nằm sau lưng khu nhà trọ vẫn réo rắt kêo gọi những lữ khách.Đêm Loksado dường như tĩnh lại, chiếc máy nổ chỉ chạy đến nửa đêm để tiết kiệm dầu làm cho không khí thêm phần kì bí.

Không ngủ được, chúng tôi tập trung ngoài lan can gỗ trò chuyện trong tiếng côn trùng réo rắt. Người đẫn đường Mukani kể cho chúng tôi, vào đêm trăng khuyết chính là lúc người Dayak tổ chức những cuộc tấn công vào kẻ thù bởi ánh sáng nhập nhoạng kiasẽ khiến người ta mất cảnh giác.

Người Dayak bắt đầu có mặt trên đảo khoảng 3000 năm trước và họ sở hữu một trong những ngôn ngữ cổ nhất hành tinh, khoảng 2450 trước. Hai tộc người Dayak lớn là Bakumpai và Bukit cư trú chủ yếu ở miền Nam Kalimantan nơi chúng tôi đang hiện diện.Trong số hơn 250 chủng người người Dayak khác nhau nổi lên một số bộ tộc nổi tiếng như Ngajus, Baritos, Benuaqs ở Tây Kalimantan, Kayan và Kenyah ở trung tâm Borneo và Ibans, Embaloh (Maloh), Kayan, Kenyah…. ở khu vực Kapuas, Sarawak.

Săn đầu người là truyền thống vốn có của người Dayak, đặc biệt là người Iban và Kenyah.Từ những ngày đầu khi người Dayak còn sống thuở hồng hoang, họ đã có thói quendu căn cu cư, sống qua hết cánh rừng này đến dòng sông nọ.Rừng với họ như huyết mạch, sở hữu một cánh rừng sẽ có nguồn sống cho cả bộ tộc.Thế là đàn ông Dayak thường xuyên mài dao, làm mũi giáo và khiên, sẵn sàng chiến đấu chống lại kẻ thù để giữ rừng.Mỗi khi bắt được kẻ thù, họ lại chặt đầu giữ lại để răn đe những kẻ khác có ý đồ xâm lược.

Những lời kể của Mukani khiến cho chúng tôi chợt rùng mình, khoảng năm 70 của thế kỉ trước từng có một cuộc hỗn chiến săn đầu người giữa hai bộ tộc Dayak và Banjar ở miền Trung Kalimantan làm bàng hoàng cả đất nước. Giấc  ngủ chúng tôi rơi vào những mộng mị về một bộ tộc có vẻ dữ dằn nhưng cũng gợi đầy tò mò.      
 


Căn nhà của huyền thoại

Dayak là tộc người có cuộc sống cộng đồng gắn kết bậc nhất trên đất nước Indonesia.Điều đó xuất phát từ phong cách sống của họ từ hàng thiên niên kỉ trước mà biểu hiện cho điều đó là căn nhà dài truyền thống đặc trưng.

Sáng nay, Mukani đưa chúng tôi tìm đường vào làng Banlagis, ngôi làng nhỏ nằm sát dòng Amandit trong khu vực có tên Muara Hatif mà chúng tôi phải dùng bè chuyên chở vượt qua những con thác ầm ào mới đến được. Làng đã có đường đi bộ nhưng nhỏ hẹp, người bản địa vẫn giữ thói quen di truyển trên những chiếc bè kết từ tre và dây rừng.

Người Dayak sống nơi đây là Dayak Barian và Dayak Bukit, sau những năm tháng sống trong bạo lực tranh giành đất sống, ngày nay họ là cộng đồng cộng cư thân thiết và có sự hôn phối giữa hai bộ tộc. Con đường vào làng lấp lánh sương giăng trên những ngọn cỏ và mạng nhện. Thi thoảng một người Dayak cặm cụi lên rừng để lại những nụ cười thân thiện khác hẳn với những quan ngại của chúng tôi sau những câu chuyện đêm hôm trước của Mukani.


Nhà dài của người Dayak có rất nhiều kích cỡ kéo dài từ 50 – 500m.Căn nhà dài ở làng Banlagis nay chỉ là kỉ niệm một thời của người dân. Cuộc sống hiện đại xâm lấn đã làm cho các gia đình có nhu cầu sống riêng, ăn uống riêng và giáo dục con cái riêng. Tính cộng đồng đã có chút giảm bớt tuy họ vẫn sống gần gũi nhau.Mukani biết khá nhiều gia đình trong làng, anh thường xuyên ghé thăm hỏi và nhận được những cái bắt tay nồng nàn. Cảm giác hồi hộp lo lắng tan biến khi chúng tôi nhận ra những người Dayak nơi đây rất hiền hòa và hiếu khách. Họ luôn vẫy tay chào khách lạ đặc biệt là người già và trẻ em. Thanh niên trong làng đa phần ra phố thị làm việc hoặc vào rừng khai thác các sản vật như mật ong, chỉ thi thoảng mới đi săn.

Mặt trời thấp thoáng sau hàng cây khiến cho con đường vào rừng lấp lánh nắng.Và rồi căn nhà huyền thoại cũng hiện ra trong sự háo hức của chúng tôi.Một căn nhà dài đúng nghĩa với hơn 100m chiều dài và hàng trăm cọc gỗ bên dưới. Nằm cách mặt đất khoảng 1,5m, muốn bước lên nhà dài, chúng tôi phải leo lên cây cầu thang gỗcũ kỹ. Mukani cho biết, đây là căn nhà dài cuối cùng còn sót lại ở làng và cả khu vực Loksado.

Không khí bên trong toát lên mùi ẩm ướt và giá lạnh, chỉ đến khi ánh dương len lỏi qua lớp mái, căn nhà mới ấm lên bởi màu vàng bừng sáng từ những lá cỏ khô. Căn nhà có tuổi thọ trên dưới 50 năm, trước được lợp bằng mái tranh, sau đó cứ 15-20 năm được thay mái một lần và lần cuối cùng người ta đã dùng tôn để lợp mái. Nền nhà là những tấm phên đan từ tre vang lên những tiếng kẽo kẹt mỗi khi chúng tôi cất bước.Một khoảng không gian rộng chính giữa nhà dài và xung quanh là 30 cánh cửa biểu trưng cho 30 gia đình.Đằng sau đó là những căn phòng nhỏ rộng khoảng vài mét vuông.Vài vật dụng gia đình còn sót lại như rương đựng quần áo, chiếc nón đã sờn cũ…gợi nhớ những năm tháng nhộn nhịp khi cả làng Banglagis cùng nhau sinh hoạt, trồng trọt và săn bắn.

Mukani hướng chúng tôi đến khu vực bàn thờ nằm giữa căn nhà, đó là khoản không gian rộng, đón ánh nắng sớm mai trong lành nhất. Những bụi cỏ quấn với nhau thành nhiều lớp tạo nên nhiều tầng nhiều lớp mà với người Dayak đây chính là nơi linh thiêng nhất, nơi để những cụ già giáo huấn cho lớp trẻ, nơi cộng đồng bô lão ra những quyết định tấn công kẻ thù và làm lễ cầu nguyện trước khi ra trận. Bàn thờ có 3 “tầng”tượng trưng cho con người ở tầng 1, tầng 2 là của nhà tiên tri và tầng trên cùng là của thượng đế. Lá cỏ dài rũ như chiếc lược trên cao nhất là biểu tượng của địa cầu ôm trọn mọi giới.Cỏvà cây rừng được người Dayak mang về nhà phơi khô mới đan một cách cẩn thận.Tất cả gắn kết với nhau hài hòa tượng trưng cho sự giao thoa của con người với những quyền lực siêu nhiên.Bố mẹ và ông bà của các gia đình ngủ trong những căn phòng còn lũ trẻ sẽ tập trung quanh bàn thờ, nơi nhận được những sức mạnh của thần linh, tập trung những gì linh thiêng nhất những mong khi chúng trưởng thành sẽ là những chiến binh dũng cảm và mạnh mẽ.

Đã qua rồi thời người người ra vào tấp nập, căn nhà dài nay chỉ là kỉ niệm với người Dayak.Một căn nhà dài mới đã được dựng lên gần trung tâm làng nhưng cửa đóng im lìm bởi cư dân đã thích nghi với việc sống riêng lẻ.Ông bà Mali cư dân làng đón chúng tôi trong khoảnh sân xi măng phơi đầy các hạt giống trầm ngâm cho biết họ đã sống trong 3 căn nhà dài suốt cuộc đời mình và luôn nhớ về thời cả làng sinh sống tập trung. Hiện tại con cái ông bà đã lên thành phố làm việc, chúng chỉ trở về khi có dịp lễ tế.Trẻ con cũng được học trong những ngôi trường xi-măng kiên cố với những sách vở đầy các tranh ảnh hiện đại.

Tạm biệt nhà dài cũ kĩ đang nằm im lìm trong khu rừng rậm rạp, chúng tôi chia tay làng Banglagis với chút cảm giác nuối tiếc, nếu có dịp trở lại Kalimantan, sẽ tìm ở đâu căn nhà dài thân thương chở cả nền văn hóa Dayak sâu sắc.


Vũ điệu chiến binh

Sau hành trình dài ngày ở Kalimantan, chúng tôi quyết định ghé thăm văn phòng đại diện của cộng đồng người Dayak ở thủ đô Jakarta bởi nơi đây tập trung rất nhiều thông tin thú vị về bộ tộc nổi tiếng với cách sắp xếp tư liệu rất phong phú. Những người ở ủy ban rất ngạc nhiên phút ban đầu khi có một đoàn khách từ Việt Nam xa xôi muốn tìm hiểu về người Dayak. Thật may mắn, người đại diện của văn phòng rất sốt sắng tiếp đón và sau cùng mời chúng tôi ghé công viên Miniature ngay cuối tuần tham dự buổi văn nghệ đặc sắc do các nghệ sỹ đến từ Kalimantan biểu diễn

Quyết định dời ngày về, chúng tôi có mặt đúng hẹn tại Miniature Park – một bảo tàng sống giữa thủ đô được xây dựng nhằm tập trung giới thiệu tất cả những nền văn hóa lớn trên xứ sở vạn đảo. Khuôn viên trưng bày của tỉnh Kalimantan nổi bật với căn nhà dài có cầu thang (tangka)là những bậc gỗ tạc các mặt quỷ dữ tợn.Điêu khắc của người Dayak mang nét mạnh mẽ mà uyển chuyển thể hiện trên những bức tường có khuôn mặt đấng tạo thế (Blang) chính giữa.Những hình tượng chim thần, tượng trưng cho sự may mắn được gắn trên nóc và trên thành những hành lang nhà dài với hai màu trắng đỏ. Quan trọng nhất với các chiến binh Dayak là thanh đao mandaus (mandau) bằng kim loại có cán làm bằng sừng hươu và chiếc khiên thameo bằng gỗ bọc da hươu. Khi ra trận họ mang những mặt nạ quỷ cùng với những tiếng thét vang trời có thể làm kẻ thù sợ hãi.Những bức họa và hình chụp mô tả rõ ràng nhất hình ảnh của những chiến binh Dayak oai phong trong đó có những sọ người được họ trưng bày như những chiến lợi phẩm.

Tục săn đầu người đã không còn nữa, nay người Dayak nhớ về truyền thống đó bằng vũ điệu chiến binh.Điệu múa gợi nhớ lại thời những bộ tộc Dayak giao tranh dữ dội để tìm chỗ đứng trong những cánh rừng.

Âm thanh rộn ràng của dàn nhạc vang lên, cô gái đội chiếc nón có hình đầu chim thần uyển chuyển xuất hiệntrong bộ quần áo đầy sắc màu.Khi mọi người đang say sưa trong những chuyển động quyến rũ của cô gái xinh đẹp thì hai chàng thanh niên đầu đội chiếc nóng lông chim, áo giáp lông chim cùng thanh mendao tiến vào. Sâu trong ánh mắt họ toát lên thần thái của một chiến binh.Bước chân chậm rãi mà chắc chắn, và làn da rám nắng.Những tiếng thét vang lên làm bừng tỉnh cả sân khấu, hai thanh mendao chạm vào nhau và chiếc khiên thameo luôn giúp họ tránh được những đòn tấn công từ đối thủ.Tiếng nhạc dồn dập vang dội khiến khán giả nghẹt thở.Chúng tôi có thể cảm nhận rất rõ hơi thở của vũ điệu và tinh thần của người Dayak muốn gửi gắm. Xưa kia, chắc hẳn đã có những cuộc giao tranh, những cuộc chiến gay cấn trong những cánh rừng sâu để lại một quá khứ oai hùng và đầy ắp kỉ niệmcho một dân tộc lừng lẫy trên đảo Kalimantan huyền thoại.



AN NAM