Món ngon và Chợ phiên ngày Tết



Món ăn ngày Tết
Khi nói đến Tết là nghĩ đến “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ-Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Dù mỗi vùng miền có cách đón Tết khác nhau, phong tục khác nhau, món ăn khác nhau nhưng tất cả đều không thể thiếu mâm cơm, mâm ngũ quả và các loại bánh mứt. Đối với người Việt, mâm cơm ngày Tết có ý nghĩa rất đặc biệt – đó là mâm cơm đón tổ tiên ông bà về chung vui 3 ngày Tết với gia đình. Bên cạnh đó mâm cơm còn mang ý nghĩa xin lộc của thần linh, tổ tiên. Khi tàn một tuần hương thì mâm cơm được dọn cho cả nhà cùng dùng với ý nghĩa hưởng lộc của thần linh, tổ tiên, cầu cho mọi thành viên trong gia đình được mạnh khỏe… Không đơn thuần là một bữa ăn mà mâm cơm ngày Tết thể hiện tất cả nhưng mong ước của chúng ta về một năm mới an lành, hạnh phúc, ấm no.Theo chuyên gia ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh ngoài ý nghĩa xin tài lộc, may mắn, mâm cơm ngày Tết còn có thêm xôi và những món ăn được du nhập từ nước ngoài vào như: cà ri, bít tết…Tuy nhiên nét truyền thống thì vẫn không thay đổi.


Nói đến Tết là nói đến mứt, tất cả mọi vùng miền đều có món này trong nhà vào ngày Tết. Theo quan niệm dân gian mứt tượng trưng cho sự ngọt ngào trong năm mới. Riêng đối với chuyên gia ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh thì mứt nó còn mang nhiều ý nghĩa khác chứ không đơn thuần là món ăn. Chẳng hạn, mứt khế chua, mứt bí, mứt gừng… đều tượng trưng cho những thăng trầm trong cuộc sống, tức là đời sống mỗi người đều có lúc vui buồn, chua cay, nhưng cũng có lúc thật ngọt ngào... Tất cả tạo nên gia vị cho cuộc sống thêm phong phú.
Đặc biệt, ngày Tết không thể thiếu thịt kho hột vịt và khổ qua dồn thịt. Đây là hai món ăn gắn liền với cuộc sống của người Việt từ ngàn xưa và nó mang ý nghĩa rất đặc biệt. Nếu như món thịt kho hột vịt mang trên mình đầy đủ những hương vị của thịt, nước dừa và trứng tượng trưng cho sự sung túc trong cuộc sống. Thì khổ qua dồn thịt đã thể hiện rõ ý nghĩa của nó qua tên gọi, mọi cái khổ sẽ đi qua chỉ còn lại may mắn và hạnh phúc. Ngoài ý nghĩa tâm linh thì hai món này cũng cung cấp nhiều năng lượng cho những ngày Tết thêm vui.


“Sống” lại chợ phiên xưa
Nếu ẩm thực cung cấp năng lượng cho mọi người vui chơi trong ngày Tết thì chợ phiên lại là nơi mọi người thỏa thích đón xuân, nhất là những chợ phiên chỉ được sinh ra và phục vụ trong những ngày Tết. Thế nhưng theo dòng thời gian, những ngôi chợ này dần mai một một trong số đó là chợ Gia Lạc (Huế). Được khai sinh bởi một hoàng tử triều Nguyễn (Nguyễn Phúc Bính), chợ Gia Lạc chỉ mở trong 3 ngày Tết. Chợ là nơi mà “Hoàng thân quốc thích” có thể hòa cùng dân chúng vui chơi, nên cái tên Gia Lạc nghĩa là “thêm vui” là thể hiện ước muốn đó.Tết đến tất cả già trẻ gái trai đến với chợ Gia Lạc để vui xuân vì chợ Gia Lạc khác với chợ thường ở hai điểm. Thứ nhất, người dạo chơi trong chợ đều ăn mặc tươm tất, dáng điệu thướt tha khác với không khí tất bật của các chợ thường. Thứ hai, hàng bày bán trong chợ ngoài những món mặn còn có món chay, bánh trái và đặc biệt là cau Nam Phổ và trầu chợ Dinh – hai trong số những “đặc sản” ngon nhất của đất Thần Kinh.


Nét đẹp của chợ Gia Lạc xưa còn thể hiện ở cách bài trí với các bức tranh trường liễn làng Chuồn mà màu sắc tạo từ cây lá của thiên nhiên, với hoa giấy Thanh Tiên nhiều màu dùng cúng bổn mạng, với bông đũa xòe tròn trong dịp cúng thổ công, với tranh làng Sình… Tất cả như làm sống lại “Một thời vang bóng” của đất Cố đô xưa. Những chợ phiên ngày nay còn tồn tại nhưng phần lớn là của các dân tộc thiểu số, còn các chợ phiên Tết của người kinh cũng thay đổi ít nhiều theo xu thế phát triển. Chính vì vậy, việc tái hiện lại phiên chợ Tết xưa theo đúng nét truyền thống là điều vốn quý. Cô Hoàng Anh chia sẻ: “Năm 2002 phiên chợ này đã được tôi tái hiện lại ở Đức và được hưởng ứng nhiệt liệt. Chính vì vậy mà Tết năm nay tôi muốn giới thiệu nó đến với mọi người về một phiên chợ truyền thống để làm sống lại những giá trị xa xưa”.Thật vậy, Tết ngày nay, những giá trị truyền thống đang dần mai một, có những giá trị đã mất hẵn đi.Chính vì vậy, việc phục dựng lại một trong những phiên chợ nổi tiếng nhất thời xưa không chỉ giúp cho mọi người hoài cổ mà còn là thông điệp muốn gửi đến mọi người về những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông vẫn mãi trường tồn.
 

    Mỗi vùng miền có một phong tục riêng trong ngày Tết, nếu như miền Nam có mai, miền Bắc có đào thì miền Trung có cả mai lẫn đào được đặt trong nhà ngày Tết. Miền Nam dùng bánh tét, miền Bắc bánh chưng thì miền Trung có cả hai loại trên.
   Chợ phiên Gia Lạc sẽ được tái hiện lại trong những ngày đầu tháng 01/2012 tại CLB Presidental Club – 111A Pasteur, Q.1, TP.HCM. Tại chợ phiên những hình ảnh về ngày Tết của người dân Huế xưa sẽ được tái hiện lại. Bên cạnh đó, những món ăn mang đậm hương vị Huế cũng sẽ góp mặt trong ngày vui trên.



Toàn Nguyễn