Nam Phi - tiếng gọi nơi hoang dã

 

Những điệu nhảy trên đường phố của các chàng trai, cô gái Nam Phi

Nam Phi cũng là nơi có hệ động vật rất đa dạng - Ảnh: Linhnc2005

1. Là thành phố “đầu tàu về kinh tế” của Nam Phi và là nơi để các hãng hàng không quốc tế khác bay đến, nhưng Johanesburg không gây ấn tượng mạnh trong tôi bởi những lời đồn thổi về tình hình an ninh. Nhưng tôi bắt đầu thấy “hưng phấn” và thích thú khi đi vào một số công viên quốc gia của Nam Phi. Ở những nơi đó, tôi có thể cảm nhận và trả lời một phần nào đó những câu hỏi đã tồn tại trong đầu.

Do nằm giữa dòng biển lạnh Benguela từ Đại Tây Dương và dòng biển ấm Agulhas từ Ấn Độ Dương nên khí hậu Nam Phi thật đa dạng: nóng vào mùa hè và ôn hòa vào mùa đông, đặc biệt khác nhau ở giữa ban ngày (4 mùa/ngày), vì thế Nam Phi là một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học bậc nhất trên thế giới (được xếp hạng 6/17 nước của thế giới ở hạng mục này (Úc, Brazil, Trung Quốc, Colombia, Cộng hòa Congo, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Madagasca, Malaysia, Mexico, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nam Phi, Mỹ và Venezuela) dù Nam Phi chỉ có 1% diện tích rừng).

Người ta tìm thấy ở Nam Phi 20.000 loại cây khác nhau mà chỉ 10% trong số đó mới được phân loại thực vật bởi các nhà khoa học. Sự đa dạng về thực vật học hầu hết ở các cây dạng bụi, những đồng cỏ trải dài tới chân trời trên các sườn đồi, hay những bãi cỏ hoang đầy màu sắc của hoa xương rồng dại… Ngay cả quốc hoa của Nam Phi, Protea, là giống hoa dại nhưng người ta cũng đã tìm thấy 130 giống khác nhau thuộc họ hoa này.

Chỉ với một diện tích nhỏ ở Western Cape, các nhà khoa học đã tìm thấy 9.000 loài thực vật khác nhau, khiến Western Cape là một trong sáu “vương quốc” trên thế giới đa dạng bậc nhất về mặt sinh học.

Nam Phi là nơi có hệ thực vật rất đa dạng - Ảnh: Linhnc2005

Những bộ đàn truyền thống của người Nam Phi - Ảnh: Linhnc2005

2. Không chỉ đa dạng về thực vật học, ở Nam Phi tôi còn tìm thấy được sự đa dạng về động vật học. Người ta thường gọi “Nam Phi là quê hương của 6% động vật có vú, 7% loài chim lớn có trên thế giới” khi các nhà khoa học tìm thấy nơi đây 299 loài động vật có vú và 858 loài chim. Những loài rắn hay những loài cú, hoặc linh dương mang một đặc điểm rất riêng của châu Phi cũng tìm thấy tại đây như: rắn Mamba xanh, rắn Mamba đen, Cape Cobra (rắn mang bành), cú đốm, linh dương Kudu, linh cẩu, hà mã, hươu cao cổ…

Chúng là hiện thân những gì còn tồn tại của thiên nhiên, chủ quyền của lãnh thổ, giúp lớp trẻ biết được thức ăn của chúng là gì, nơi đâu và khi nào có thể săn mồi… Một cuộc sống hoang dã thật sự.

Khác với những khu bảo tồn động vật hoang dã của các quốc gia khác, các nhà khoa học tìm thấy cùng một lúc “năm ông lớn” ở vương quốc bụi rậm Nam Phi: sư tử - quốc vương của bụi rậm, báo - kẻ đơn độc lảng vảng đâu đó, voi - gã khổng lồ của bụi rậm, tê giác - động vật có vú của bụi rậm đang có nguy cơ bị diệt chủng lớn nhất và trâu rừng - vẻ bề ngoài hiền lành nhưng rất dữ dằn trong thực tế.

Môi trường sinh thái đa dạng và cây cối nơi đây đã cung cấp một địa điểm nơi sinh sản hoàn hảo cho vô số loài chim thật sinh động. Các dải bụi rậm rải rác khắp nơi cùng các rừng cây lấy gỗ là nơi sinh sống của hàng loạt loại chim lùm bụi đa dạng đến kinh ngạc, trong đó có cả chim săn mồi có thể bay lượn thật dễ dàng trên đầu lũ động vật hoang dã.

Mỗi khi hè sang, hơn 100 loài chim lại di cư từ Bắc bán cầu tới các bờ biển Nam Phi. Dòng chảy Benguela ở bờ biển nam và tây nam đem lại nguồn cá hấp dẫn các loại chim biển. Trong số 858 loại chim ở Nam Phi có 95 loài đặc chủng - chỉ xuất hiện duy nhất ở phía nam của lục địa châu Phi và 72 loài bán đặc chủng - có mặt hầu như ở phía nam lục địa này.

Các chú voi thong thả rong chơi trong các khu bảo tồn - Ảnh: Linhnc2005

Các món hàng lưu niệm có thể mua tại Nam Phi, đặc biệt là vỏ trứng đà điểu - Ảnh: Linhnc2005

3. Xuất hành từ lúc mặt trời còn chưa thức giấc để đi qua những công viên quốc gia của Nam Phi, tôi lắng nghe tiếng thú gọi bầy, dán mắt vào những cử động quanh mình và dõi theo bóng dáng bọn dã thú đang lẩn trốn cái nóng cháy bỏng, hay lướt nhìn lũ kền kền đói khát bay lượn tìm kiếm những gì còn vương lại từ một con thú vừa bị giết, để rồi tha mồi vào vô số vũng nước trong công viên, cũng chính là nơi tụ tập thường xuyên của các động vật ăn mồi.

Cứ thế, khi ánh hoàng hôn mờ dần trên các bụi rậm và bầu trời đầy sao khiến tôi trôi vào cảm giác ngây ngất và đắm say với “tiếng gọi nơi hoang dã”.

Bây giờ tôi có thể hiểu thêm một chút nào đó về “tiếng vọng châu Phi” hay nói cách khác, chương trình thế giới động và thực vật trên các kênh giải trí truyền hình như chỉ hiển hiện ở châu Phi, trong đó có Nam Phi, bởi vì Nam Phi quá đa dạng về sinh học.

Theo Tuổi Trẻ - NGUYỄN CHÍ LINH