Ngắm Kiev qua một ngọn đồi

 Bởi ở đó người ta đến để hưởng thụ cuộc sống chậm rãi, lắng nghe một phần lịch sử của thủ đô Ukraine thầm thì và rồi thấy yêu Kiev hơn.

Ảnh: Anh Ngọc

Phố ký ức

Tôi sững người khi nhìn thấy con lật đật cũ rích ấy trên một tấm vải trải ra hè của một trong những con phố nổi tiếng nhất Kiev, phố Andriyivskyy, con phố nhỏ và dài chưa đầy một cây số, nằm ở rìa trung tâm thủ đô Ukraine. Tôi đã từng có một con lật đật như thế trong nhà mình hồi còn bé tí, đã từng bị mê hoặc bởi tiếng chuông phát ra từ trong mình nó mỗi khi nó lúc lắc người qua lại trong một điệu vũ tạo ra trong tôi biết bao tưởng tượng về một diễn viên múa balê.

Thế rồi, tôi gặp lại một con lật đật như thế sau rất nhiều năm, ở nơi xa tuổi thơ tôi gần vạn cây số, ở con phố Andriyivskyy không chỉ là nơi chuyển giao ký ức từ những người đã sở hữu những món đồ cũ của một thời cho những ai bây giờ muốn có chúng, mà còn là nơi người ta muốn sống trong một bầu không khí thanh bình, hơi hoài cổ nhưng đầy chất thơ.

Con phố nhỏ ấy bắt đầu bằng những hình ảnh đầy xúc động và hoài nhớ từ con lật đật của một phụ nữ lớn tuổi bán đồ cũ ở chân dốc, tiếp đến ngay sau đó là ông già đội mũ kêpi như của một thuyền trưởng trong bộ phim Liên Xô những năm 1970 đang bán những đồ kỷ niệm mà ông sưu tập được trên một chiếc Lada màu vàng cũ kỹ, và những sạp hàng bán những thứ đồ rất cũ khác: chiếc máy ảnh Leica, những bức tranh từ thời Xô viết, huy hiệu của phát xít Đức, chiếc ống nhòm cổ lỗ sĩ, những bức tượng và tranh vẽ Lenin.

Hình ảnh của Lenin, của Stalin, những chiếc mũ hồng quân và rất nhiều đồ lưu niệm khác gắn liền với ký ức thời Liên Xô xuất hiện ở khắp mọi nơi trên con phố ngắn. Đấy là một trong những đặc trưng của dốc Andriyivskyy, khiến nó không giống bất cứ nơi nào khác khi ai đó chỉ còn muốn người khác nhớ đến Liên Xô như một thời kỳ lịch sử “đầy vấn đề”.

Cũng chính những điều ấy lại khiến Andriyivskyy được chú ý hơn nữa bởi nó gắn liền với một tên tuổi văn học đã từng sống qua những năm tháng đầy nhạy cảm và đầy tranh cãi trong lịch sử Xô viết: nhà văn gốc Nga Mikhail Bulgakov.

Ở giữa con phố nhỏ vẫn còn căn nhà của Bulgakov, nơi ông đã sống từ năm 1906-1919. Chính trong ngôi nhà lớn với những riđô màu kem này, Bulgakov đã viết tác phẩm nổi tiếng Bạch vệ, trong đó có những đoạn mô tả con phố và căn nhà mang số 13. Tấm biển ghi số 13 cùng với tên ông giờ được gắn bên ngoài tòa nhà, được cải tạo thành Bảo tàng Bulgakov, và nơi này được coi là một trong những điểm tham quan đáng chú ý nhất của phố Andriyivskyy cùng với một bảo tàng nhỏ nhưng được coi là một viên ngọc của Kiev, bởi địa danh mang tên “Bảo tàng một con phố”.

Một góc Kiev - Ảnh: Anh Ngọc

Cùng nhà văn Bulgakov suy tư ở một góc phố - Ảnh: Anh Ngọc

Nhà thờ không chuông

Đi từ dưới chân dốc lên là một hành trình không bình thường, bởi trên thực tế chân dốc là điểm cuối của con đường mang tên Andriyivskyy nối từ khu Podol giàu có đến trung tâm thành phố. Cũng chính ở góc nhìn thành phố từ ngọn đồi cao nhất Kiev, trên con phố đậm chất nghệ sĩ và thủ công mỹ nghệ ấy, mà Andriyivskyy gợi nhớ đến Montmartre khi nhìn về Paris. Nhưng Paris diễm lệ và đẹp đẽ như trong thơ của Apollinaire. Còn Kiev đẹp một cách mộc mạc và bình dị hơn, với những vỉa hè lớn phủ đầy bóng cây xanh, những góc phố hẹp và quảng trường đầy mơ mộng.

Kiev đủ nhỏ để không tạo ra cảm giác choáng ngợp như người ta từng có về Paris, nhưng đủ lớn để tất cả có thể lãng mạn vào những buổi chiều khi đứng trên đỉnh dốc Andriyivskyy, nơi nhà thờ Thánh Andrey vươn cao, và ngắm hoàng hôn lặn xuống thành phố. Nhà thờ được chính nữ hoàng Nga Elizabeth đặt những viên gạch đầu tiên vào giữa thế kỷ 18 ấy cũng chính là điểm cuối cùng của phố Andriyivskyy, trong một hành trình ngắn ngủi về độ dài, nhưng đủ lớn về tầm vóc lịch sử của riêng nó, cũng như của Kiev.

Nhà thờ Thánh Andrey không giống những nhà thờ khác ở Kiev. Nó không có chuông. Một huyền thoại nói rằng chỉ cần một tiếng chuông vang lên là nước sông Dniepr có thể dâng lên ngập tràn tả ngạn Kiev. Bao nhiêu thế kỷ qua, không tiếng chuông nào vang lên nhưng Andriyivskyy vẫn luôn được nhắc đến, yêu mến và bảo vệ qua tháng năm. Khu phố sống và sống rất khỏe qua những thăng trầm của lịch sử và những thay đổi của lòng người. Bây giờ, nhà thờ Thánh Andrey đã được sửa sang đẹp đẽ. Một bức tượng Bulgakov ngồi đăm chiêu cũng được dựng lên cạnh nhà ông.

Andriyivskyy vẫn dốc cong như thế, nghiêng nghiêng trong nhịp đập của bao trái tim yêu Ukraine.

Vật kỷ niệm một thời Xô viết - Ảnh: Anh Ngọc
Búp bê đặc trưng Nga - Ảnh: Anh Ngọc

Đồ lưu niệm rất đa dạng trên phố - Ảnh: Anh Ngọc

Theo Tuoitre