Nhật kí du ngoạn núi lửa tại Indonesia

 

 
 
Từ Malang, muốn tận hưởng giây phút đầu tiên của ngày mới trên đỉnh núi lửa, chúng tôi rời thành phố từ 2 giờ sáng và đến chân khuôn viên Bromo vào khoảng 4g. Thời tiết sáng sớm chuyển lạnh vì độ cao địa hình. Không chuẩn bị trước, nhiều du khách phải mua thêm áo ấm, khăn choàng, bao tay để rời khỏi xe leo lên đỉnh Penanjakan, còn gọi là Viewpoint, đỉnh núi lửa đối diện với quần thể ba ngọn núi trên.
 
 
Hầu như ngày nào cũng vậy, cứ 4- 5h sáng trên đỉnh Penanjakan, đã đông nghịt người, cả người dân bản địa lẫn khách du lịch. Người thì cầm máy ảnh, người thì chuẩn bị điện thoại, hoặc máy quay phim, cố gắng tìm một nơi tốt nhất để chiêm ngưỡng và chộp được những khoảnh khắc đầu tiên của ngày mới. Dường như mọi người đều nín thở, chờ đợi những giọt nắng đầu tiên rớt trên miệng Bromo.
 
 

 Mọi người đứng chờ những tia nắng đầu tiên chiếu trên miệng núi lửa
 
 
Mặc dù ba ngọn núi này nhiều năm gần đây có những hoạt động bất thường, mới phun trở lại đầu năm 2011, nhưng nhiều du khách vẫn tìm đến đây những ngày này bất chấp nguy hiểm. Đường từ chân núi leo lên đỉnh Penanjakan chỉ mất nửa giờ, nhưng địa hình vô cùng hiểm trở và quanh co. Tất nhiên, ngồi trên chiếc xe jeep địa hình, cảm giác của chuyến đi sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời đối với dân thích mạo hiểm và chúng tôi cũng không phải là ngoại lệ.
 
 

Từ đỉnh Penanjakan ngắm những vầng sáng đầu tiên trước khi mặt trời ló dạng
 
 
Khi những tia sáng đầu tiên xuyên qua đám mây, bầu không khí lặng yên tại đỉnh núi bị phá vỡ bởi những tiếng bấm máy ảnh và tiếng trầm trồ đủ loại ngôn ngữ của người đứng ngắm. Lòng chảo Tengger và Thị trấn Cemoro Lawang nhỏ bé nằm chênh vênh ngay cạnh mép vực trên biển cát dần hiện ra trong sương sớm.

 

Biển mây trắng bồng bềnh phủ dưới dầy chân núi.
 
 
Tại đỉnh ngọn núi, có không ít du khách cũng trong tâm trang giống chúng tôi, lần đầu tiên chứng kiến giây phút này, nhưng cũng có rất nhiều người, nhất là dân bản địa, những cặp uyên ương, đã hơn một lần chứng kiến cảnh quang tuyệt đẹp ở đây. Dù cách nào đi nữa, tôi cũng tin chắc rằng những lần đứng nơi này, vào những giờ khắc này và hít thở không khí đất trời, thưởng lãm những kỳ quan của tạo hoá nơi đây, chúng tôi giống như được nạp đầy năng lượng và cảm giác thăng hoa mạnh mẽ hơn khi bắt đầu ngày mới.
 

 
Những ánh nắng của ngày mới “dát vàng” lên kỳ quan
 
 
Từ đỉnh ngọn Pananjakan, chiếc xe jeep tiếp tục cuộc hành trình lao xuống thung lũng cát đen phía dưới. Luồn qua làn sương còn bay là là trên mặt đất, chúng tôi đến gần chân ngọn Bromo và Batok chuẩn bị leo lên để được tận mắt nhìn thấy hai ngọn núi lửa hình nón đã tắt nhưng vẫn phun khói và lưu huỳnh.
 

 
Sương mù phủ thung lũng cát tan dần khi mặt trời lên cao
 
 
Người dân sống quanh khu vực núi lửa cũng phải thức dậy từ sáng sớm bận rộn, mang vác hàng hóa, quà vặt phục vụ du khách tại chân ngọn Bromo và Batok. Nhiều trong số họ còn dắt ngựa cho khách khi khách muốn rút ngắn đoạn đường đi bộ 2km và tiết kiệm năng lượng sau chuyến leo lên miệng núi.
 
 

Người dân sống gần khu vực núi lửa di chuyển đoạn đường vài km từ sáng sớm để đến chân núi cho kịp bán hàng cho khách.
 
 
Ngôi đền Pura Luhur Poten của tín đồ theo đạo Hindu tại Indonesia nằm ngay dưới chân ngọn Bromo, giữa biển cát đen mênh mông. Người dân bản địa kể rằng cha ông của họ đã lấy những viên đá từ núi lửa về xây, tương truyền những hòn đá này sẽ vững chắc mãi mãi. Hầu hết du khách khi lên miệng ngọn Batok đều dừng chân ghé viếng và tham quan ngôi đền này.

 

Ngôi đền Pura Luhur Poten nằm lặng lẽ dưới chân núi, quanh năm vắng lặng, thường là nơi tập trung của tín đồ Hindu vào dịp năm mới và lễ hội của người dân theo tôn giáo này hàng năm.
 

 

Khoảng cách 2km từ nơi dừng xe đến những bậc thang đầu tiên bước lên miệng núi lửa là một quãng đường dài vì đường đi ngập trong cát bụi từ núi lửa và địa hình dốc thoai thoải.
 

 
Du khách thường thuê ngựa đi nguyên chuyến vừa đi vừa về với giá khoảng 200.000 đồng, vừa để tránh mệt vừa giúp người dân địa phương có thêm thu nhập.
 
 
Khi hoạt động, ngọn núi lửa như con mãnh thú, khạc tàn tro, đất đá, văng xa vài chục cây số. Tro bụi, nham thạch núi lửa không chỉ gây xáo trộn cho cuộc sống của người dân mà còn ảnh hưởng đến hàng loạt hoạt động kinh tế xã hội của vùng, quốc gia. Nhưng khi núi lửa không hoạt động, con thú hoang này trở nên hiền hòa, đáng yêu đến lạ. Tất cả những gì tôi nhìn thấy khi vượt qua cả hơn 100 bậc thang lên được đến miệng ngọn Batok vừa phun tro bụi đầu năm 2011 là một lòng chảo khổng lồ đường kính khoảng 1km với một hố sâu hoắm giữa miệng.
 
Khoảng trống trên miệng hố để du khách có thể đứng ngắm miệng hố và thả cái nhìn bao quát qua các ngọn núi xung quanh không rộng đủ 1m. Chỉ lỡ lơ đễnh mất thăng bằng khi đứng nhìn thì cũng không biết mình sẽ ở đâu giữa hỗ sâu đen ngòm đó. Không phải tất cả mọi người đến chân Batok đều được tận mắt chứng kiến miệng núi lửa này. Những ai sợ độ cao hoặc có ám ảnh với độ sâu đã phải bỏ cuộc giữa chừng. Tôi đã hiểu tai sao, người hướng dẫn bản địa lại nói chỉ những người thích mạo hiểm mới nên chinh phục những miệng ngọn núi lửa tại Indonesia.
 
 

 Miệng núi lửa Batok khi ngưng hoạt động.
 
Theo Tạp chí Du lịch & Giải trí