Người lưu giữ giá trị tân nhạc việt

Căn phòng nhỏ của tiến sỹ nằm gần ngã tư Bảy Hiền ngày càng bị thu nhỏ lại khi mà số lượng các băng Aka, đĩa đá, đĩa nhựa cũ và cả những dàn máy nghe nhạc xưa cứ tăng dần theo thời gian. Thầy kể, những năm trước đây thầy chỉ thích nghe nhạc thôi, nhưng trong thời gian du học ở Anh, ra khu “Chợ trời” thấy người ta bán những chiếc đĩa đá cũ với giá rẻ nên mua về nghe cho vui. Tuy nhiên, lúc này chỉ có nghe được nhạc quốc tế thôi nên rất “thèm” nghe nhạc Việt. Trong những dịp trở về Việt Nam, thầy tranh thủ tìm mua những đĩa nhạc Việt để khi trở lại Anh cho đỡ nhớ quê nhà. Rồi dần dần niềm đam mê tìm kiếm sưu tầm đĩa đá, đĩa nhựa, băng Aka ngắm vào máu lúc nào không hay. Sau khi học xong tại Anh trở về Việt Nam, thầy bắt đầu cuộc săn lùng “cổ vật” từ khắp mọi miền đất nước, nhất là những băng đĩa về Tân Nhạc Việt Nam trong những năm đầu khai sinh. Khu phố Lê Công Kiều (gần chợ Bến Thành) là nơi thầy săn lùng nhiều nhất.

  Bên cạnh đó, là tìm và thu mua lại từ các hiệu sách cũ, những nơi sửa chữa dàn máy, ampli và cả những người bán ve chai. Sau hơn 5 năm, đến nay, căn phòng nhỏ của thầy đã có hơn 3.000 băng đĩa cũ. Trong đó, đĩa đá có khoảng 1.000 chiếc, đĩa nhựa hơn 2.000 chiếc và cả băng Aka. Bên cạnh đó, là sự xuất hiện của những dàn máy quay tay, máy điện và máy nghe băng Aka. Thầy tâm sự: “Tôi thích sưu tầm những băng đĩa này vì tôi muốn biết nhiều hơn về nền Tân Nhạc Việt Nam, nghe lại những giọng ca đầu tiên của nền Tân Nhạc những năm đầu đời. Những giai điệu, giọng hát lúc bấy giờ tạo cho người nghe cảm giác thật mộc mạc, đơn giản và chân thật, không giống như ngày nay đã thay đổi ít nhiều nhờ công nghệ thu âm”.

 Trong bộ sưu tầm của thầy Lương có nhiều đĩa ghi dấu thời gian, từ những đĩa đầu đời quay 78 vòng/phút, 45 vòng/phút đến những đĩa quay 33 vòng/phút (quay càng chậm càng nghe được nhiều bài hơn nhưng cao lắm cũng khoảng 2 bài) và tất cả nghe bằng máy quay tay. Những băng đĩa này được thầy chia sẽ cho những bạn thân người Việt Nam và người nước ngoài khi đã chuyển sang dưới dạng mp3 hoặc đến phòng thầy nghe trực tiếp. Anh Huy – một người bạn của thầy Lương cho biết: “Tuy tôi không sưu tầm như anh Lương nhưng tôi rất thích nghe những giai điệu, giọng hát từ những năm đầu của Tân Nhạc Việt Nam bởi đó là sản phẩm của cả một ekip từ ca sỹ đến những người hòa âm. Do công nghệ khi đó không như bây giờ nên chỉ cần một sai sót nhỏ là xem như công sức trước đó đổ sông đổ biển”. “Cái hay của nhạc ngày xưa so với bây giờ là chất giọng, sự yêu nghề và công sức của những ca nhạc sỹ bỏ ra cho sản phẩm của mình. Đó là sự say sưa, niềm đam mê nghệ thuật rất đáng trân trọng. Ngày nay, dù có rất nhiều ca sỹ trẻ đầy triển vọng nhưng nhạc sỹ vẫn cần ca sỹ chứ không như ngày xưa”. Thầy Lương tiếp lời. Trong bộ sưu tầm của mình hiện nay, thầy Lương có gần như đầy đủ các Seri của các đĩa nhạc ngày xưa, những giọng ca của Ngọc Bảo, Phạm Duy… Tuy nhiên, để có được những đĩa như vậy không hề đơn giản. “Nghe ở đâu có ai bán đĩa đá, đĩa nhựa cũ là tôi chạy đến, có khi đĩa mình đã có rồi nhưng vẫn mua, bởi những đĩa này rất khó bảo quản nên mua nhiều để dành. Khi nào may mắn thì mua được những đĩa còn thiếu trong bộ Seri. Lúc đó, tuy mệt nhưng thật sự vui”. Khi công nghệ này càng hiện đại, việc sưu tầm thêm những chiếc đĩa đá, đĩa nhựa này ngày càng khó khăn. Do đó, khi muốn nghe những đĩa này thì thầy thường kết nối với máy tính chuyển sang mp3 để nghe, còn những đĩa gốc thầy lưu giữ lại. “Ở nước ngoài có những khu trưng bày sưu tầm dành riêng cho những cá nhân. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, tôi không biết có những trung tâm, bảo tàng hay nơi nào đó để lưu giữ các đĩa đá, đĩa nhựa như thế này không? Nhưng tôi thật sự mong có một nơi để lưu giữ lại những giá trị văn hóa của nền Tân Nhạc Việt Nam để tránh sự mai một theo thời gian”. Thầy Lương thầm mong.  

 Hiện vừa là giảng viên, vừa là Phó giám đốc Khoa Lọc Hóa Dầu Trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh. Công việc dù rất bận rộn nhưng khi về đến nhà nghe những giai điệu mộc mạc thởu xưa cũng làm cho sự mệt mỏi vơi đi ít nhiều. Và đối với thầy Lương, đam mê – sưu tầm băng đĩa cũ như là một phần không thể thiếu trong đời sống của anh. Nó có thể làm anh mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc nhưng đổi lại nó cũng mang đến cho anh rất nhiều niềm vui trong cuộc sống. Xa hơn nữa là bảo tồn được những giá trị đang dần mai một của nền Tân Nhạc Việt Nam.

 

Trong bộ sưu tầm của thầy Lương có nhiều đĩa ghi dấu thời gian, từ những đĩa đầu đời quay 78 vòng/phút, 45 vòng/phút đến những đĩa quay 33 vòng/phút (quay càng chậm càng nghe được nhiều bài hơn nhưng cao lắm cũng khoảng 2 bài) và tất cả nghe bằng máy quay tay.