Rực rỡ Áo dài trên Thành phố mang tên Bác

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, Áo dài trở thành một hình ảnh tự hào và kiêu hãnh của người Việt. Tà áo mong manh nhưng mang trong đó tinh hoa văn hóa Việt. Nhắc tới Áo Dài là nhắc tới một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời của dân tộc. Áo dài dành cho nữ có vẻ đẹp trang nhã, thanh lịch, đằm thắm như tâm hồn phụ nữ Việt trong khi đó Áo dài nam là biểu tượng của sự chuẩn mực và trang trọng.

Khác với kimono của Nhật Bản hay hanbok của Hàn Quốc, chiếc áo dài Việt Nam vừa truyền thống lại cũng vừa hiện đại. Áo dài không bị giới hạn chỉ mặc tại một số nơi hay dịp mà có thể mặc mọi nơi, dùng làm trang phục công sở, đồng phục đi học, mặc đi chơi hay mặc để tiếp khách một cách trang trọng ở nhà. Thêm vào đó, không giống với những trang phục khác, chiếc Áo dài hình như có cách riêng để tôn lên vẻ đẹp mọi thân hình. Phần trên của Áo ôm khít lấy cơ thể, nhưng hai vạt áo lại buông thật mềm mại trên đôi ống quần rộng. Hai tà xẻ chí trên vòng eo giúp người mặc hoạt động thoải mái nhưng lại tạo dáng thướt tha, tôn vẻ nữ tính, dịu dàng. Chiếc áo vừa kín đáo vì toàn thân được bao bọc bởi lụa mềm, lại cũng vừa gợi cảm vì lộ ra sống eo cong cong hút mắt. Có lẽ vì vậy mà Áo dài mang tính cá nhân hóa rất cao: mỗi chiếc chỉ may riêng cho một người, dành cho riêng người đó, không thể có một công nghệ "sản xuất đại trà" cho chiếc áo dài. Thông thường, người đi may được lấy số đo thật kỹ. Khi may xong phải qua một lần mặc thử để sửa nhỏ nữa mới hoàn thiện.

Không hề rườm rà hay cầu kỳ khi mặc Áo dài, phái đẹp có thể mặc theo kiểu truyền thống với tà áo thướt tha kết hợp cùng quần lụa mềm, dưới chân đi hài, guốc, hoặc là kiểu áo dài cách tân hiện đại, áo dài tay ngắn, tà ngắn và có thể mặc chung với quần jeans, quần ôm… Khác với thời gian trước, phái nam giờ đây cũng chọn Áo dài làm trang phục chính thay cho trang phục Tây âu trong các sự kiện thể hiện sự trang trọng, lịch sự.

Có thể thấy, Áo dài đã, đang và sẽ trở thành một biểu tượng của thời trang chứ không phải chỉ là trang phục truyền thống khi rất nhiều nhà thiết kế tiếp tục lấy cảm hứng từ Áo dài và tạo nên những bộ sưu tập tuyệt đẹp, có tính ứng dụng cao.

Trong hai ngày 7/3 và 8/3 tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, “Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần 2 năm 2015” với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh – Thành phố Áo dài” được Sở Du lịch – Trung tâm Xúc tiến Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục & Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Thành Đoàn TP.HCM, Ủy Ban nhân dân Quận 11, Công ty TNHH Một thành viên DVDL Phú Thọ tổ chức. Lễ hội nhằm tôn vinh giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, vẻ đẹp của chiếc áo dài Việt Nam nói chung, vẻ đẹp dịu dàng, tinh tế trong trang phục truyền thống của Người Phụ nữ Việt Nam nói riêng. Với mong muốn lưu giữ và nhắc nhở giá trị bản sắc văn hóa truyền thống với giới trẻ hôm nay; giới thiệu đến du khách, công chúng hình ảnh chiếc Áo Dài Việt Nam qua từng thời kỳ theo suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, tạo môi trường giao lưu văn hóa giữa công chúng và các Nhà thiết kế, nghệ nhân áo dài nổi tiếng Việt Nam thông qua những tác phẩm nghệ thuật áo dài đặc sắc;

Lễ hội có sự tham gia của hơn 40 đơn vị, doanh nghiệp, các Nhà thiết kế - nghệ nhân Áo Dài, thương hiệu Áo Dài lâu năm tại TP.HCM.     Du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những tà Áo dài rực rỡ, phong cách tại Thành phố mang tên Bác.

Trong không khí lễ hội tưng bừng, du khách sẽ đặc biệt thích thú khi thưởng thức các hội thi đặc sắc, sôi động trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài như: Hội thi “Vẽ Áo Dài trên giấy”-sân chơi phát huy tính sáng tạo và phát hiện tài năng của học sinh, thiếu nhi trong lĩnh vực thiết kế áo dài, hội thi “Ảnh đẹp Áo Dài”…

Điểm nhấn của Lễ hội là hội thi “Duyên dáng Áo Dài ”, thí sinh tham dự là nữ từ 18 tuổi đến 35 tuổi, được chia làm 2 bảng dư kiến thu thút sự tham gia của nhiều đơn vị và thí sinh tham dự. Không khí sôi nổi, tươi vui của Hội thi, sự phong phú về cách biểu diễn kết hợp với nét duyên dáng, tinh tế của phụ nữ Việt, chắc chắn sẽ khiến du khách khi thưởng thức càng thêm yêu hơn tà Áo dài Việt Nam.

Ngoài ra, đến với Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 du khách sẽ được thưởng thức chương trình biểu diễn thời trang, ca nhạc, hài kịch diễn ra liên tục với sự tham gia của nhiều ngôi sao ca nhạc, người mẫu, nghệ sĩ,… được yêu thích hiện nay. Lễ hội còn có hoạt động ẩm thực với các món ăn độc đáo, thú vị, chương trình hướng dẫn làm hoa giấy nhân dịp chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3. Ban tổ chức cũng bố trí nhiều tiểu cảnh sắc màu, đa dạng với các chủ đề về hoa để du khách tham quan có thể lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt đẹp bên gia đình, bạn bè trong tà Áo dài – niềm tự hào của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Hưởng ứng Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh, toàn thể cán bộ nữ các Sở, ban, ngành, các công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, khách sạn sẽ mặc Áo dài trong 2 tuần từ 02/3 đến 13/3/2015; Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng Áo dài sẽ tổ chức nhiều buổi triển lãm và tọa đàm về chủ đề Áo dài như: Tọa đàm “Áo Dài phụ nữ Việt Nam qua khói lửa chiến tranh”, tọa đàm tư vấn cách mặc trang phục Áo Dài đẹp…;

 

Ban tổ chức