Sưu tầm những khoảnh khắc

 BỘ SƯU TẬP MÁY QUAY PHIM HOÀNH TRÁNG…

 

Tiếp chuyện với chủ nhân của những bộ sưu tập này – chú Huỳnh Văn Thăm (mọi người thường gọi chú một cách thân mật là “chú Thắm”) mới cảm nhận được niềm đam mê mãnh liệt của ông với các loại thiết bị thuộc diện “hitech” này! Chú Thắm cho biết, bắt đầu từ khoảng năm 1970 chú bắt đầu sưu tầm những chiếc máy quay phim đầu tiên. Điểm sơ qua bộ sưu tập của chú Thắm, người xem không khỏi giật mình, gần 1500 chiếc máy quay phim! Đủ mọi kiểu dáng, kích thước, có những chiếc máy to đùng, có những chiếc nhỏ gọn và cũng có những chiếc với những nhãn hiệu rất xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Chú chia sẻ: “Trước đây, tôi học ngành kỹ thuật nên nhìn thấy những thiết bị điện tử là mê lắm, nhưng thời đó còn khó khăn, tiền kiếm được phải ưu tiên cho cái ăn. Bây giờ kinh tế ổn định, có nhiều thời gian hơn nên sưu tầm cho thỏa nỗi khát khao trước đây!”. Thật vậy, phải tận mắt chứng kiến những “con cưng” của chú Thắm mới thấu hiểu cái công và cái tình mà chú dành cho bộ sưu tập của mình. Vừa tiếp chuyện, chú vừa khệ nệ bê những chiếc máy quay yêu quý của mình cho khách cùng chiêm ngưỡng, “Chiếc camera hiệu Olympus đời đầu tiên về kỹ thuật số vừa quay vừa chụp và in ra hình lập tức được tôi sưu tầm cũng đã hơn 30 năm trong dịp tu nghiệp ở Đức , chiếc Panasonic palcorder IQ - X14  to đùng này tôi sưu tập ở New Zealand, chiếc Camcoder RCA và Chinon là kỷ niệm mua tại “chợ trời điện tử “ ở Nhật, chiếc Weathermatic màu vàng tôi thu lượm trong dịp Du lịch Mỹ, còn  Minota “là lạ” cùng chiếc Polarroid 340 Automatic land camera là ở Noway, chiếc Fujifilm Instax 100 thì tại miền nam nước Pháp, chiếc Sony cùng chiếc national Vicica thì mua tại Ý…”, vừa nói tay chú thoăn thoắt giới thiệu những “người bạn thân” của mình với tâm trạng rất phấn khích. Nhìn hơn 1000 chiếc máy quay mà chú Thắm đã sưu tập, sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về bộ sưu tập của chú, nhưng nếu tính riêng về số lượng và sự phong phú về nhãn hiệu, kiểu dáng, thể loại thì bộ sưu tập của chú Huỳnh Văn Thắm thuộc diện đáng gờm!

 
VÀ BỘ SƯU TẬP MÁY ẢNH KHỔNG LỒ! 
 
Đã 40 năm sưu tầm máy ảnh nhưng chú Thắm vẫn tự nhận bản thân không phải là tay sưu tầm chuyên nghiệp, mà chỉ là “người sở hữu một thú chơi sưu tầm” như theo lời chú nói. Không đồ sộ như bộ sưu tập máy quay phim, bộ sưu tập này của chú chỉ khoảng… vài trăm chiếc! từ các nhãn hiệu danh tiếng khắp Đông Tây Nam Bắc. “Bây giờ đã vào tuổi thất thập nên tôi có nhiều thời gian đi du lịch thăm thú nhiều vùng miền trong nước và nước ngoài. Cứ đến mỗi nơi tôi điều đi tìm những chiếc máy ảnh cũ kỹ, thậm chí có những chiếc máy cũ nát, chỉ giữ lại được cái vỏ máy và nhãn hiệu. Vốn là dân kỹ thuật, tôi cần mẫn sửa chữa, phục hồi rồi đem cất vào tủ kính với niềm hân hoan khó tả!”. Trong bộ sưu tập máy ảnh của chú có những chiếc máy có tuổi đời hơn 50 năm, từ những chiếc máy cơ tráng phim đến những chiếc máy thô sơ to vật vã của những năm đầu thời kì công nghệ máy ảnh. Giá trị là không thể điếm hết được nhưng ý nghĩa của những bộ sưu tập này là rất lớn. 

Ngoài hai niềm đam mê chính là máy quay phim và máy ảnh thì trong bộ sưu tập khồng lồ của chú Thắm còn có sự góp mặt của các “nhân vật” khác là cần câu cá, máy điện thoại bàn, đồng hồ đeo tay… Mỗi loại sưu tầm chú có khoảng vài trăm cái. Riêng bộ sưu tập đồng hồ chú Thắm chỉ giữ lại những chiếc mặt đồng hồ, vì theo chú, cái tinh tế của một chiếc đồng hồ là ở chỗ bộ máy thời gian tinh xảo, có những chiếc đồng hồ được chế tác bằng kỹ thuật thủ công hoàn toàn. Bộ sưu tập mặt đồng hồ này có khoảng gần 1000 cái! Nhìn và lắng nghe chú Thăm huyên thuyên kể về nguồn gốc, xuất xứ của từng vật dụng với niềm đam mê khó diễn tả, người nghe mới càng cảm phục được công sức và tình yêu của người sưu tầm. 

Đã làm người, có lẽ ai cũng có những thú vui và nỗi đam mê không giống nhau thì xã hội mới đa dạng và lung linh đủ màu sắc. Chia tay người thầy giáo cơ khí kiêm danh thủ bóng bàn khá nổi tiếng một thời của đất Sài Gòn – Huỳnh Văn Thắm, tôi chợt nghĩ, nếu có một tổ chức tập họp được những người cao tuổi có những niềm đam mê về những thú chơi như cây - hoa - lá cảnh, chim cá, cát đá, máy móc, âm nhạc… giống như chú Thắm thì xã hội sẽ có một sân chơi lớn lành mạnh và bổ ích cho thế hệ mai sau. Chúng ta cần phải trân trọng vì ngoài những giá trị tinh thần của các bộ sưu tập này ta còn được những người bạn già chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá từ thực tiễn mà ta đôi khi phải bỏ cả một khoảng thời gian dài kiếm tìm trong cuôc sống.

(Theo Tạp chí Du lịch và Giải trí)