Tôi đặt vé đi châu Âu qua hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ - Turkish Airlines, nếu không nhầm thì đây là lần thứ hai tôi bay cùng hãng này. Ngoài tí xíu trục trặc ở phía mặt đất sân bay TSN, chuyến bay của tôi khá suôn sẻ. Các cô tiếp viên chuyên nghiệp và nồng hậu, anh tiếp viên hài hước, vừa phục vụ vừa hát khẽ khẽ.
6 giờ sáng mà sảnh vắng hoe.
Để bay qua Latvia, tôi có một khoảng thời gian gần 11 tiếng quá cảnh ở sân bay Thổ Nhĩ Kỳ. Lần đầu tiên đến Thổ Nhĩ Kỳ và dư dả thời gian như thế, nên tôi quyết định đăng ký một chuyến city tour ngắn ngắm Istanbul.
Pháo đài Yedikule
City tour này là dịch vụ cộng thêm của hãng Turkish Airlines kết hợp với hiệp hội du lịch Istanbul để quảng bá du lịch và hình ảnh Istanbul. Tour dành cho những hành khách bay quốc tế cùng Turkish Airlines, hoàn toàn miễn phí. Thủ tục đăng ký tour không hề rườm rà, nếu không nói là không có thủ tục nào cả ngoài việc phải có visa Thổ Nhĩ Kỳ (đối với các hành khách ở các nước cần visa, như tôi người Việt Nam, chẳng hạn), vé máy bay của chặng kế tiếp bay cùng Turkish Airlines và phải có thời gian chuyển tiếp chuyến bay từ 6 tiếng và không quá 24 tiếng.
Tường thành Constantinople
Để tham gia tour chỉ cần đến đăng ký tại quầy Hotel Desk của hãng Turkish Airlines (nằm giữa cổng ra 13 và 14) trước khi tour bắt đầu mà không cần phải đăng ký chỗ trước. Có nhiều lựa chọn lịch trình tour tùy theo thời gian chuyển tiếp chuyến bay. Buổi sáng có tour ngắn bắt đầu 9:00 - 11:30, tour dài hơn bắt đầu 8:30 - 15:00, hoặc 8:30 đến 18:00. Buổi trưa có 1 tour từ 12:00 - 18:00. Buổi chiều và tối có tour 16:00 - 21:30 và 18:00 - 23:00. Đối với lịch trình dài, tour phục vụ cả dịch vụ ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn tối miễn phí.
Đây là sân bóng Istanbul (nó nhắc tôi nhớ đến sân Camp Nou ở Tây Ban Nha)
Tôi bay từ Việt Nam chuyến 21:30, đến sân bay Istanbul lúc 4:30 sáng. Visa Thổ Nhĩ Kỳ tôi đã xin trước đó, nên cứ thế mà đi thẳng đến làm thủ tục nhập cảnh ở hải quan, rồi đến quầy Hotel Desk. Còn quá sớm để bắt đầu giờ làm việc của một ngày mới, nên anh nhân viên trực ca bảo tôi hãy quay lại vào lúc 7:00. Theo thông tin tôi nhận được sau khi thắc mắc thì thường quầy thủ tục được mở 1 tiếng trước tour. Tôi hết nằm, lại ngồi, lại đi lòng vòng quanh quẩn bên trong sân bay chán chê, cuối cùng rồi cũng đến 7 giờ. Lúc này, vài nhóm hành khách cũng đã lục tục kéo đến quầy Hotel Desk. Tôi bấm số thứ tự, rồi giao passport, boarding pass cho cô nhân viên phụ trách dịch vụ. Do chặng kế tiếp tôi bay lúc 15:30’ nên tôi chỉ có 1 lựa chọn duy nhất là lấy tour “cưỡi ngựa xem hoa” 9:00 - 11:30, mặc dù tôi muốn dành thời gian dài hơn để khám phá Istanbul - một địa danh tôi muốn ghé thăm từ ấu thơ sau khi xem bộ phim “Chim tải cúc hay hót”. Cô nhân viên phụ trách trả lại giấy tờ và đưa thêm cho tôi một miếng sticker ghi số thứ tự nhóm. Cô đề nghị tôi dán lên áo và chỉ tôi địa điểm tập trung, thật ra cũng chẳng đâu xa, là chỗ tôi nằm ngồi từ sáng đến giờ.
Quán cà phê bên bờ hải cảng Gatala
Khu vực tập trung sau 7g bắt đầu đông dần, phần lớn là khách đi nhóm từ 2 người trở lên, có nhóm là 1 gia đình 4 người. Khách nhiều màu da, da trắng, da vàng, da đen đủ cả. Tôi không biết họ người nước nào, chỉ biết mỗi tôi và 2 bạn đi cùng là người Việt Nam.
Đúng 9:00, cô hướng dẫn viên đến điểm tập kết, đọc tên khách, rồi dẫn mọi người ra nơi đậu xe bus. Tôi không gửi hành lý lại quầy gửi hành lý nằm ngay bên cạnh Hotel Desk như vài hành khách đi cùng, thứ nhất, do vali xách tay của tôi nhẹ chỏng chơ, chỉ chứa 1 cái áo khoác, 1 khăn choàng cổ, 1 bộ đồ phòng khi thất lạc hành lý, 1 quyển sách, 1 bình giữ nhiệt, 1 sợi dây sạc điện thoại, tai nghe bluetooth, pin dự phòng, 1 cái balo rỗng là hết. Thứ nhì, theo thông tin tôi tìm hiểu và hỏi nhân viên dịch vụ thì có thể cất hành lý ở khoang hành lý (gầm xe), và đồ được bảo quản an toàn không mất mát, nên để tiết kiệm 7USD, tôi nhét hành lý của tôi vào gầm xe.
Tháp đồng hồ 4 tầng phía trước Cung điện Dolmabahçe. Tháp được xây vào những năm 1890 and 1895, đế chế Ottoman, theo phong cách nghệ thuật baroque (một phong cách nghệ thuật bắt nguồn từ Phục Hưng Ý, bắt đầu vào khoảng năm 1600 tại Rome và Ý, sau đó lan ra khắp châu Âu và cả những thuộc địa ở Tân thế giới cho tới cuối thế kỷ 18). Tháp cao 27m, diện tích 8.5m x 8.5m.
Khoảng 9:05 xe bắt đầu khởi hành, chạy dọc theo con đường biển nối giữa sân bay và khu trung tâm thành phố. Tour ngắn, nên cũng không thăm thú được nhiều điểm, và đúng là cưỡi ngựa xem hoa khi phần lớn thời gian, chúng tôi chỉ ngồi trên xe bus 40 chỗ, nghe cô hướng dẫn viên giới thiệu khi xe chạy ngang qua các điểm lịch sử như: Pháo đài Yedikule, tường thành Constantinople, quảng trường Taksim, phố cổ Samatya Armanian… Dừng chân 10’ để chụp hình trên cầu Galata và 20’ ở (bên ngoài) cung điện Dolmabahçe…
Khoảng 11:30’ chúng tôi quay về sân bay Istanbul, kết thúc hành trình cưỡi ngựa ngắm cảnh. Từng ấy điểm, từng ấy thời gian không hề thỏa mãn khát khao khám phá Thổ Nhĩ Kỳ, tôi ước có thêm thời gian hoặc có thêm cơ hội để ghé thăm Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn, nên hẹn gặp lại một thời gian không xa nhé Thổ Nhĩ Kỳ!
Thông tin tham khảo thêm:
- Nếu bạn không thích chuyến đi tham quan ngắn, bạn có thể đăng ký dịch vụ “khách sạn” - cũng miễn phí - của Turkish Airline, nếu thời gian quá cảnh của bạn lâu hơn 12 tiếng. Xem thêm thông tin ở đây: (https://www.turkishairlines.com/en-tr/flights/hotel-service/index.html)
- Một khi bạn đã đăng ký dịch vụ hotel thì không thể đăng ký dịch vụ city tour, nói 1 cách khác, bạn chỉ có thể chọn sử dụng 1 dịch vụ. Thông tin về city tour, có thể tham khảo ở đây: https://www.turkishairlines.com/en-ie/flights/fly-different/touristanbul/index.html
- Bạn có thể đăng ký e-visa để xin visa vào Thổ Nhĩ Kỳ. E-visa tham khảo ở đây: www.evisa.gov.tr/. Mặc dù trong trang này khuyến nghị khách nên xin visa trước 48 tiếng, nhưng trước khi vào làm thủ tục hải quan, tôi thấy một quầy hỗ trợ của Turkish Airlines giúp hành khách đăng ký và in e-visa ra giấy tại chỗ. (Phải công nhận dịch vụ của Turkish Airlines được ghê!)
Ngọc Hạnh