Đảo sân bay Centrair
Chiếc máy bay thông báo bắt đầu giảm độ cao cũng là lúc Nagoya hiện ra lớn dần qua ô cửa sổ. Một bên là mặt biển xanh ngắt trong nắng sớm, bên kia là những ngọn đồi núi trập trùng, cây cầu dây văng hàng chục nhịp vươn thẳng lên trời cao như những dây đàn. Nagoya đón tôi trong không khí mát mẻ và nụ cười thân thiện của các nhân viên sân bay từ bác tình nguyện viên đến chị hải quan.
Vừa hạ cánh tôi đã nhìn thấy có nhiều người đứng trên một hành lang vươn sát đường băng, tò mò muốn tìm hiểu nên tôi quyết định chưa vội vào trung tâm. Buổi sáng, sân bay tấp nập với các hành khách lên xuống.
Có tên đầy đủ Central Japan International Airport Centrair nhưng mọi người đều gọi sân bay này với tên thân mật là Centrair. Tôi bắt đầu từ bản đồ toàn cảnh, Centrair nằm biệt lập trên một hòn đảo, nối với thành phố bằng 3phương tiện chính: tàu cao tốc trên biển, tàu điện và ô tô. Nhìn theo mặt cắt ngang, nhà ga được thiết kế mô phỏng hình chiếc máy bay với hai phần cánh là 50 cửa ra vào của máy bay thương mại. Phần thân với 4 tầng để xe, 1 tầng làm thủ tục và 1 tầng dành cho khu mua sắm, ẩm thực. Phần đầu máy bay chính là đài quan sát mà tôi đã nhìn thấy.
Bước qua cánh cửa kính tiến ra đài quan sát dài hơn 100m, tôi sớm bị choáng ngợp bởi tiếng ồn và những cơn gió mạnh liên tục thổi từ biển vào.Một chiếc máy bay của hãng ANA vừa hạ cánh xuống phi đạo. Lần đầu tiên tôi được nhìn các hoạt động hàng không bên ngoài quầy check-in gần đến thế (chỉ khoảng 20m). Đường ống từ từ được đưa vào, cửa mở và những hành kháchtrong nhiều tâm trạng đang vồn vã bước đi. Bụng máy bay mở rộng, những kiện hàng từ từ chuyền xuống, chiếcxevận chuyển hối hả lăn bánh vào cửa trả hành lý. Các cậu bé được cha mẹ cho lên đài quan sát thích thú líu lo chỉ trỏ hỏi hannhững công việc của các nhân viên dưới kia khiến không khí thật rộn ràng.
Tận mũi đài quan sát, du khách có thể xem toàn bộ quá trình cất và hạ cánh của các máy bay với mật độ 2 – 4 phút/chuyến. Là khu vực tập trung khá nhiều các nhà máy, đặc biệt là nhà máy sản xuất ô tô và linh kiện của Toyota, Mishubishi nên Centrair khá bận rộn với những chuyến bay thương mại, cargo (vận chuyển hàng hóa). Một nhóm người đang đứng dõi theo chiếc máy bay của hãng United Airlines. Thi thoảng lại chấm nước mắt và vẫy chiếc khăn mùi-xoa, tôi có thể cảm nhận được cụ bà người Nhật có lẽ đang rất buồn khi phải chia tay người thân. Chiếc máy bay nhanh chóng tăng tốc vút lên trời xanh trong tiếng gầm thét của động cơ, đi kèm đó là tiếng “cạch cạch cạch” phát ra từ chiếc máy ảnh ngay bên cạnh tôi. Một bác người Nhật đứng tuổi say sưa dõi theo chiếc máy bay. Sau một hồi làm quen, bác Takehiro cho tôi xem những tấm ảnh mà bác đã “săn” được trước đây. Mỗi ngày, mỗi thời điểm lại cho ra những hình ảnhmáy bay ở vị trí và màu sắc khác nhau, khi là hình máy bay đáp với lớp khói ở bánh vì ma sát, khi thì áp sắc hồng của hoàng hôn. Bác nói nếu may mắn còn có thể chụp được hình chiếc Dream Lifter của Boeing (loại máy bay chuyên chở hạng nặng có thể chứa cả chiếc cánh máy bay).
Rất ít các sân bay trên thế giới có đài quan sát ngoài trời gần phi đạonhư Centrair, đó cũng là một trong nhưng chiến lược thu hút du khách của Nagoya. Các tay săn ảnh máy bay từ nước ngoài cũng ghé Centrair thường xuyên bởi họ sẽ có được những tấm ảnh hoàn hảo về những chú “chim sắt” khổng lồ ở các góc chụp cận cảnh và toàn cảnh. Tên tay vịn lan can,người ta cho dán logo của các hãng không khai thác đường bay tại Centrair như JAL, ANA, Fin Air, Cathay Pacific, United Airlines,…và cả hãng hàng không quê nhà Vietnam Airlines.
Xa xa, tận phía gần cuối đường băng, chiếc Dream Lifter đậu im lìm, lịch cất cánh thường không được công bố rộng rãi để tránh sự tò mò quá sức của mọi người cùng lúc. Tôi nhấc ống kính lên, nheo mắt nhìn khung ngắm, trong đó không chỉ là chiếc máy bay đặc biệt mà còn có cả bầu trời, bờ biển, con sóng và cảm giác tự do bất tận.
Sushi, sushi, sushi
Tạm biệt Centrair, tôi lên đàu điệm thẳng vềtrung tâm thành phố. Nagoya là đô thị nằm phía Trung Đông đảo Honshu - Nhật Bản và là thành phố lớn nhất tỉnh Aichi, dân số khoảng hơn 2 triệu người. Phương tiện đi lại phổ biến nhất ở Nhật là tàu điện với những chuyến tàu chính xác đến từng phút và mạng lưới tỏa đi khắp các miền đất nước.Cơn đói cùng sự thay đổi môi trường khiến tôi nôn nóng muốn tìm chỗ nào đó để ăn trưa.
Như đã hẹn, anh bạn lâu năm Yoshihiro đón tôi ở khách sạn và hỏi ngay “Này, có phải cậu muốn ăn sushi không đấy?!”. Không cần chờ đợi, chúng tôi lên đường ngay.Yoshi (tên gọi thân mật của Yoshihiro) nói sẽ đưa tôi đến một nhà hàng sushi loại phổ biết nhất ở Nhật Bản là Kaiten Zushi.Kaiten có nghĩa là chạy vòng quanh, zushi là sushi.
Bước vào nhà hàng có tên Umikko, dù là buổi trưa nhưng chúng tôi vẫn phải xếp hàng trong chốc lát để có bàn, mọi người rất lịch sự viết tên mình vào sổ thứ tự.Người Nhật thật kiên nhẫn để có bữa ăn ngon và cũng thật thú vị là thay vì đặt thêm bàn, chủ nhà hàngdành hẳn không gian rộng rãi cho khách chờ.
Chọn chiếc bàn sát quầy bar, Yoshi gọi toàn những loại sushi mà tôi thích, sushi cá hồi, tôm, mực, trứng cá… Kiểu Kaiten Zushi, thực khách có thể gọi món trực tiếp với đầu bếp,khi hoàn thànhhọ sẽ chuyển đến cho khách trên băng chuyền. Để dễ quản lý, mỗi loại sushi được chia nhóm và phục vụ trên một đĩa hoặc khay có màu khác nhau như sushi tôm, sushi mực dùng đĩa màu đỏ giá 200 yên, sushi cá hồi, sushi cá thu dung đĩa màu xanh giá 250 yên, sushi chân ghẹ màu vàng giá 500 yên… Tôi quá bất ngờ với sự tỉ mỉ về ẩm thực của nhà hàng ở Nhật, trên quầy bar, họ để cả bảng thông tin số kcal của từng đĩa sushi như sushi cá hồi 127kcal, sushi tôm 208kcal... Chi phí cho một bữa ăn sushi dạng này tầm khoảng 2000-3000 Yên/người. Nếu ăn ở những nhà hàng cao cấp thì giá khoảng 5000 Yên/người.
Mất một lúc lâu để nào tìm hiểu, nào ghi chép, chụp ảnh cuối cùng tôi cũng có thể nếm thử một miếng sushi “made in Japan”. Miếng cơm nếp trộn dấm thơm hòa với miếng cá hồi mềm, thêm chút mù tạt và nước tương, tất cả cứ như tan trong miệng bởi sự hòa quyện khéo léo các hương vị. Yoshi giục thôi thử tất cả các loại sushi trên bàn, sushi bạch tuộc sần sật rất hợp cho những ai thích cảm giác cứng cứng như ăn sụn, sushi tôm ngọt lịm những thớ thịt săn chắc, sushi trứng cá bùi bùi… Một bữa trưa thịnh soạn mang trong đó nhiều mùi vị lần đâu tiên tôi nếm thử.
Những ngày đầu của tôi ở Nagoya ngập tràn không khí ẩm thực.Một buổi tối thu mát mẻ, như đã hẹn, hôm nay Yoshi đưa tôi ghé nhà hàng Uenoyama ở quận Naka. Nhờ đã gọi điện từ trước, chúng tôi có chỗ ngồi trong phòng riêng.Với sức chứa chỉ khoảng 30 người, không gian của Uenoyama rất nhã nhặn. Thực khách không quá đông và trò chuyện nhẹ nhàng, chỉ có tiếng bốp bốp phát ra từ bàn tay thoăn thoắt của ông chủ kiêm đầu bếp đang chuẩn bị làm những miếng sushi ngon miệng đãi khách.
Bữa tiệc sushi của tôi bắt đầu bằng vài miếng salad rồi đến sashimi. Hai món này rất hợp khi nhâm nhi cùng rượu sake lạnh hoặc bia. Để có được những miếng cáthật tươi, anh chủ Sakamoto phải dậy sớm, trực tiếp ra chợ mua từ những đầu mối hoặc thuyền đánh cá vừa cập cảng.
Những miếng sushi nhiều màu sắc đặt chiếc khay gốm rất đẹp được Sakamoto trực tiếp mang đến bàn chúng tôi.Với nhà hàng có diện tích nhỏ, chủ quán có nhiều thời gian trò chuyện, giải thích các món ăn và chia sẻ niềm đam mê ẩm thực với khách quen.Sakamoto nhiệt tình chỉ cho tôi tên gọi của từng loại sushi cũng như cách chế biến như Chu Toro – sushi bụng cá hồi, Negitoro – sushi cá hồi với hành lá, Ikura – sushi trứng cá. Anh dùng bình ga mini nướng miếng lươn vàng ươm, phết lên đó chút nước tương ngọtrồi đặt lên miếng cơm trộn dấm mời tôi dùng thử.Miếng sushi có hương thơm của nếp, thêm chút ngọt ngọt mặn mặn của thịt lươn và nước sốt tạo nên vị ngon thật khó tả.
Yoshi giải thích người Nhật thưởng thức sushi bằng nhiều giác quan, nên một khay sushi dọn ra phải được trình bày thật thẩm mĩ để thực khách vừa ngắm nghía, trò chuyện, đùa vui sau những giờ làm việc căng thẳng, biến ẩm thực thành một nghệ thuật. Tối nay tôi đã có thêm trải nghiệm mới với món ăn nổi tiếng xứ phù tang.
Lạc bước dưới đại dương
Là thành phố nằm sát biển, Nagoya mang đầy đủ những thuận lợi để có một bảo tàng sinh vật biển phong phú bậc nhất Nhật Bản. Cũng vì thế mà Yoshi nhất định rủ tôi đến thăm Port of Nagoya Public Aquarium ngay gần cảng Nagoya. Cách trung tâm khoảng 20 phút tàu điện ngầm, Aquarium làm tôi hơi ngạc nhiên vì xung quanh toàn trò chơi trẻ em, hóa ra đây chỉ là phần vành đai công viên, bên trong mới là khu vực trưng bày các sinh vật biển trên khuôn viên hơn 2500m2. Giá vé tham quan ở Aquarium là 2000 yên (khoảng 20usd) cho người lớn, học sinh tiểu học là 1000 yên, trẻ em từ cấp 1 trở xuống là 500 yên.
Cầm tờ thời gian biểu hoạt động trên tay, chúng tôi vội vàng lên tầng hai xem những chú cá heo xám (bottlenouse dolphin) biểu diễn. Khán đài kín khán giả phần nhiều là các gia đình đưa trẻ em đi chơi.Những chú cá heo có tốc độ và sức bật thật đáng nể.Từ dưới đáy bể sâu khoảng 10m các chú lấy đà phóng mình lên trên mặt nước đến hơn 5m trong sự tán thưởng của khán giả.Những em nhỏ bị cuốn hút bởi những màn khiêu vũ với huấn luyện viên, lắc vòng, chơi bóng của các chú cá heo thông minh.
Sau những giây phút hứng khởi trên sân khấu cá heo, tôi dành cả buổi chiều để ngắm nhìn thủy cung.Ấn tượng nhất có lẽ là hành trình tiến hóa 3,5 tỉ năm từ biển trở về với biển của loài cá voi sát thủ (Killer Whale). Trên trần người ta treo những bộ xương của loài cá này với những ghi chú tỉ mỉ. Để có thể thích nghi với môi trường sống từ trên bờ xuống dưới nước, cá voi mất 65 triệu năm và tiếp theo là 50 triệu năm trong dáng hình bò biển (seacow), rồi lại 25 triệu năm trong dáng hình động vật có chân màng trước khi có được hình dánh như ngày nay. Cho dù là loài động vật có vú giống con người chúng ta, nhưng cơ thể của chúng đã thay đổi gần như toàn bộ để linh hoạt trong môi trường nước.
Tôi như lạc trong thế giới tiền sử về loài cá voi vốn chỉ biến đến qua các bộ phim về động vật. Thật bất ngờ khi cấu tạo xương vây trướccủa chúng cũng giống như tay người gồm xương vai, xương cánh tay, xương cẳng tay và những đốt xương bàn tay. Tôi cũng như nhiều du khách trầm trồ khi tiếp nhận những thông tin mới mẻ và càng say sưa khám phá thêm những bí ẩn phía trước. 65 triệu năm tiến hóa gói gọn trên tấm bản đồ cho thấy tổ tiên của cá voi, cá heo là những loài khủng long vốn sống trên cạn. Nhìn vào quãng thời gian đằng đẵng ấy để một sinh vật có được hình dáng thích nghi với môi trường sống mang lại những xúc cảm đặc biệt cho tất cả mọi người. Đó là một hành trình cực dài, cực gian nan nhưng cũng thật ngọt ngào khi dưới đại dương bao la, các loài cá ấy nay đang thỏa mình bơi lội.
Thế giới dưới đáy biển thật phong phú và sinh động, tôi lần đâu tiên được ngắm những chú cá heo trắng đầu gù (white whale/beluga) được nuôi dưỡng ở một bể đặc biệt với nhiệt độ thấp và ánh sáng vừa phải đúng như môi trường mà chúng vốn quen sống ở các vùng nước lạnh phía bắc cực.Bên đối diện là bể nuổi cá heo xám, chúng có vẻ nghịch ngợm hơn, không ngừng bơi lội và vui đùa trước mặt các du khách.
Theo chân dòng người, tôi đi về khu trưng bày mang tên “hành trình đến Nam Cực” với những sinh vật biển trải dài từ Nhật Bản, xuống Úc rồi đến vùng cực Nam địa cầu. Biển Nhật Bản với các loại cá hồi, cá nhám, cá thu, cá mập đầu búa được nuôi trong bể khổng lồ ngay lối vào. Loài sứa biển tí hon sống lặng lẽ dưới tầng nước sâu ít ánh sáng được trưng bày trong những ô vuông xinh xắn, rồi cả những con cá có râu phát sáng ở nơi tối tăm nhất của đáy biển…tất cả được ghi chú với thông tin khoa học rất chi tiết.
Sinh vật biển nhiệt đới rất sinh động và liên tục chuyển động, các nhà quản lý Aquarium đã thành công khi ấp thành công một lứa rùa mũi heo (pig-nose turtle) hiện đang bơi lội tung tăng trong bể. Người ta còn đưa cả một khu rừng nhiệt đới miền hoang dã Australia mang về trưng bày với các loài cá sông, lươn và rùa.
Kết thúc hành trình đến Nam Cực là không gian có nhiệt độ dưới 0 dành cho những chú chim cánh cụt.Loài cánh cụt hoàng đế có kích thước và thân hình bệ vệ hơn hẳn, chúng đua nhau nhào lộn trong làn nước giá buốt.Đến giờ ăn, các nhân viên bảo tàng thả cá vào bể nước để chúng có thể tự bắt mồi nhằm nuôi dưỡng bản năng hoang dã.
Cả ngày say sưa ở Aquarium đã đưa tôi qua rất nhiều không gian và thời gian, làm tôi lâng lâng như vừa trở về từ một thế giới nào đó. Tôi đã không kịp ghé thăm lâu đài Nagoya (Nagoya castle), chưa kịp ghé thăm trường đại học mỹ thuật Nagoya… Thế mà Yoshi vẫn tươi cười nói rằng: “Không sao đâu, đó là lý do cậu sẽ phải trở lại Nagoya một lần nữa đấy!”. Phải rồi, tôi sẽ hẹn Nagoya lần sau, có thể là mùa thu sang năm!
AN NAM