Cây cầu nổi tiếng bắc qua sông Kwai - Ảnh: Vi Bằng |
Thật ra bộ phim đã đưa Kanchanaburi và sông Kwai thành địa danh nổi tiếng thế giới không hề quay tại đó mà được thực hiện tại Sri Lanka, kể cả cảnh cây cầu nổ tung cực kỳ ấn tượng. Nhưng người Thái Lan đã rất khôn ngoan khi biết tận dụng triệt để sức lan truyền rộng rãi của phim ảnh để phát triển du lịch cho điểm đến đặc biệt này. Tái tạo khung cảnh lịch sử, họ đã xây dựng lại quần thể nhà tù, trại lính, nhà ga và một phần đoạn đường ray trên tuyến đường sắt chết chóc... Nghĩa trang của binh lính quân đồng minh được tu bổ, chăm sóc cẩn thận hằng năm thu hút hàng nghìn lượt khách nước ngoài viếng thăm.
Những địa danh đi vào sử sách
Chúng tôi xuôi thuyền qua cây cầu nổi tiếng bằng sắt bắc ngang sông Kwai và hòa vào dòng du khách bốn phương dạo bước trên những thanh tà vẹt đẫm máu tù nhân từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Cây cầu là một phần nhỏ trong “tuyến đường sắt chết chóc” được xây dựng năm 1943 để cung cấp người, lương thực và vũ khí cho quân đội Nhật tại Myanmar chiến đấu với quân đội Anh. Tuyến đường đã được hoàn thành bởi 61.000 tù binh đồng minh và 250.000 nhân công người châu Á. Do địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh và sự ngược đãi của quân đội Nhật, Triều Tiên, 16.000 tù nhân chiến tranh và hơn 70.000 người châu Á đã chết dần chết mòn trong thời gian xây dựng tuyến đường.
Lúc ngồi trên toa tàu cũ kỹ chạy trên đường ray cổ băng qua hẻm núi thăm thẳm chỉ bắc bằng những súc gỗ lớn nhìn xuống dòng Khwae, bất giác cả toa tàu kín cánh tay giơ lên vẫy. Không ít giọt nước mắt đã rơi...
James, 27 tuổi, một thanh niên người Úc ngồi cạnh tôi trên toa tàu cũ ấy, đã làm bạn đồng hành đi tiếp đến nghĩa trang chiến tranh Don Rak. Gần 7.000 tù binh đồng minh được chôn cất tại đây. Hoa nở trên từng ngôi mộ của người Úc vốn có số lượng lớn nhất ở nghĩa trang, của người Hà Lan, Pháp, Mỹ, Đức... Dưới những tán cây rợp bóng, người cắt cỏ vẫn miệt mài lia máy, các thanh niên nam nữ trò chuyện cùng nhau thân ái. Họ có thể là người Úc, Pháp, Mỹ, Anh, Myanmar, Thái và cũng có thể cả người Nhật trẻ tuổi nữa. Khó mà thấy nghĩa trang mang màu chết chóc.
Nhưng ở bảo tàng nhỏ nằm bên cạnh nghĩa trang, những con số in đậm nét trên tường khiến người ta rùng mình. Để xây dựng và hoàn thành tuyến đường sắt nối liền Siam và Burma (tên gọi cũ của Thái Lan và Myanmar), trong vòng ba năm hàng trăm nghìn người đã chết. Những con người cùng cực, những tấm thân trần gầy gò phơi dưới ánh nắng thiêu đốt miền nhiệt đới đã xây dựng nên hàng trăm kilômet đường sắt, hàng chục cây cầu bắc qua địa thế hiểm trở trong rừng rậm Siam và Burma. Những cây cầu gỗ cao hàng chục mét vươn lên từ vực sâu vẫn sừng sững cho tới ngày nay như một minh chứng cho sự đọa đày, khả năng chịu đựng và sức mạnh của con người.
Đi thuyền trên sông - Ảnh: V.B. |
Cuộc sống êm ả vùng ngã ba sông
Chúng tôi bơi xuồng cao tốc trên sông Kwai Noi, dòng sông chấp chới dưới nắng hè Đông Nam Á hòa vào dòng chảy sông Kwai Yai và sông Mea Klong. Thuyền tắt máy giữa ngã ba sông, những làng nổi bập bềnh trên mỗi ngã rẽ, du khách trên thuyền bỗng thấy bâng khuâng lạ.
Những ngôi nhà nổi to lớn bồng bềnh trôi qua trong tiếng nhạc trống rộn ràng. Những người dân địa phương đang mừng lễ hội, vui vẻ nhảy múa trên thuyền nhưng vẫn không quên vẫy chào các xuồng du lịch qua lại. Những người bán hàng lưu niệm trong chợ chiều cũng thong thả bày hàng rồi dọn hàng, chẳng mấy phiền muộn nếu không có khách ghé xem. Những đám trẻ đang thích chí nhảy xuống sông, nước bắn tung tóe như tiếng cười đang vỡ òa. Đây đó lại gặp một nhóm thanh niên mặc áo phao rực rỡ đang bơi thuyền kayak dọc bờ sông, những phụ nữ và bé gái ngồi thêu dưới bóng cây vẫy chào nồng nhiệt các du khách trên tàu.
Bỗng chốc thấy thèm cuộc sống vui tươi, yên bình của họ.
Chỉ cách Bangkok khoảng 130km, sau hai giờ xe chạy đã tới Kanchanaburi, thủ phủ tỉnh lớn nhất miền trung Thái Lan, giáp biên giới Myanmar. Tỉnh này nổi tiếng với những khu rừng rậm có nhiều loài động thực vật phong phú về chủng loại và số lượng, những làng nghề thủ công truyền thống, ngã ba sông Kwai Yai - Kwai Noi - Mea Klong. Nhưng còn hơn thế, bởi với nhiều người trên thế giới, đây còn là nơi bắt đầu tuyến đường sắt mệnh danh Chết chóc và cây cầu lừng danh bắc qua sông Kwai trong bộ phim Anh nổi tiếng năm 1957 - bộ phim Cầu sông Kwai đã đoạt 3 giải Quả Cầu Vàng, 7 giải Oscar và vô số giải thưởng danh giá khác. |
Theo TuoiTre