“Thung lũng nấm” Cappadocia
Chuyến bay của hãng Turkish Airlines đưa chúng tôi từ Việt Nam sang Istanbul sau đó nối chuyến đi Kayseri và thêm 1h30 phút xe buýt để đến Cappadocia (Kapadokya). Vùng đất rộng lớn miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ được biết đến với những căn nhà trong vách núi và thung lũng kỳ ảo hình thành từ dư âm của những hoạt động núi lửa.
Hàng triệu năm trước, những ngọn núi lửa phun trào tạo thành lớp mắc ma nhiều tầng. Đất ở Cappadocia vì thế có nhiều lớp, trong đó lớp trên cùng cứng nhất, ít bị tác động của thiên nhiên; lớp bên dưới mềm hơn dễ bị xói mòn. Ảnh hưởng của mưa và gió đã làm xuất hiện những kiệt tác thiên nhiên ấn tượng với tầng tầng lớp lớp những “cây nấm” khổng lồ cao đến hơn 30m dưới lòng thung lũng.
Cappadocia xuất hiện trên bản đồ văn minh từ thời Hittite khoảng năm 1800 – 1200 trước Công Nguyên sau khi nhà vua thống nhất các quốc gia nhỏ. Tiếp tục phát triển dưới sự kiểm soát của người Ba Tư rồi La Mã, dưới thời Byzantine (thế kỉ 4-14), Cappadocia trở thành một trong những trung tâm đầu tiên của Cơ Đốc giáo.
Theo dòng lịch sử của tôn giáo và những trầm trồ về sự kỳ ảo của thiên nhiên, chúng tôi tìm đến “bảo tàng ngoài trời Goreme”, tổ hợp nhà thờ, tu viện từ thời Byzantine được khoét vào đá núi. Cuối thế kỉ thứ 2, Cơ Đốc giáo nơi đây có cộng đồng lớn bậc nhất Cappadocia. Thế kỉ thứ 4, các vị thánh Basil, Gregory và George đã tạo ra sự đồng nhất trong tư tưởng Cơ Đốc giáo và được nhiều tín đồ học tập.
Báu vật quý giá nhất tại bảo tàng là bích họa trong những nhà thờ nhỏ. Chúng tôi bị lôi cuốn bởi nét vẽ tinh tế bằng chất liệu màu đỏ với hình tượng Chúa trong nhà thờ quả táo (Apple Church) hay thánh Barbara, thánh George trong nhà thờ thánh Barbara. Trang trí trên các bức tường và mái vòm đưa chúng tôi đồng hành cùng những câu chuyện Cơ Đốc giáo như hình ảnh thánh Onuphrius khi tu hành với ngực trần, râu tóc dài hay thánh George cưỡi ngựa bên dưới là con rồng đang uốn lượn.
Bảo tàng Goreme để lại ấn tượng trong chúng tôi với những bích họa và cũng cảm phục tinh thần của những tín đồ Cơ Đốc giáo. Trong thời kì quân đội Ba Tư, Ả Rập xâm chiếm, họ vẫn sống, vươn lên mạnh mẽ và tạo nên những nhà thờ còn mãi với thời gian, gửi gắm vào đó đức tin cao cả.
“Mevlana là lý do duy nhất người ta đến Konya”
Trong “đêm Thổ Nhĩ Kỳ” ở Cappadocia, chúng tôi ấn tượng với hình ảnh người đàn ông trong bộ quần áo thụng màu trắng, đầu đội mũ nâu liên tục xoay mình dưới ánh đèn tím và tiếng nhạc du dương. Hành trình đến Konya của chúng tôi mang theo những câu hỏi về người đàn ông bí ẩn đó.
Từ Cappadocia, dọc theo hướng tây quốc lộ miền Trung mất khoảng 4 tiếng đến Konya. Chúng tôi đến bảo tàng và lăng mộ Mevlana trong tâm trạng hân hoan. Cô hướng dẫn vui tính Iknur cũng rất háo hức và cho biết không chỉ người Thổ Nhĩ Kỳ mà nhiều người nước ngoài cũng rất yêu mến Mevlana.
Rumi - tên thật của Mevlana, sinh năm 1207 ở Balkh (Afghanistan), gia đình ông đã bôn ba nhiều nơi trong đó có Mecca trước khi dừng chân tại Konya năm 1228. Là người thông minh, Mevlana nhanh chóng có được kiến thức sâu rộng và trở thành một triết gia Hồi giáo nổi tiếng. Ông có nhiều lý tưởng được nhiều người tin theo như tình yêu là thứ duy nhất để đến gần hơn với thần thánh, phụ nữ và đàn ông đều có vai trò ngang nhau, việc chết đi không phải là một nỗi buồn, đó chỉ là sự thay đổi trong cuộc sống. Ngày Mevlana ra đi được ông gọi là “đêm hôn lễ với thánh Allah”…
Konya vào hè tràn ngập nắng làm nổi bật nơi lưu giữ thi hài vị “thánh tinh thần” trên nền trời xanh. Lăng mộ Mevlana được Husamettin Celebi một học trò của ông xây dựng theo kiến trúc Seljuk vào năm 1274. Năm 1927 lăng mộ bắt đầu mở cửa và đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước mỗi năm chủ yếu là các tín đồ hồi giáo hành hương.
Chính quyền thành phố bảo vệ rất kỹ công trình, mọi người phải bịt giày bằng bao xốp để giữ vệ sinh, phụ nữ phải choàng khăn và mặc kín đáo. Trước lăng mộ Mevlana những tín đồ hồi giáo thành kính cầu nguyện. Phòng trưng bày bên cạnh chứa những hiện vật Mevlana từng sử dụng như quần áo, thảm cầu nguyện, chiếc mũ nâu đã sờn… Quan trọng nhất trong những kỷ vật là râu của ông, được lưu giữ cẩn thận trong chiếc hộp kim loại. Nhiều phụ nữ hồi giáo dựa đầu vào chiếc lồng kính bảo quản hộp như để cảm thấy được che chở.
Trong một gian phòng bảo tàng, người ta làm những tượng sáp mô tả cuộc sống và quá trình học tập để trở thành môn đệ của Mevlana. Mevlana vốn rất phóng khoáng, luôn miệng hát và xoay người trên mũi bàn chân. Các học trò của ông (Mevlevi) thường xuyên thể hiện vũ điệu có tên “sema” với một cánh tay hướng lên trời và tay còn lại chỉ xuống đất, biểu hiện tình yêu từ thánh thần luôn trải khắp thế gian. Trở thành một Mevlevi đòi hỏi tính kiên trì. Trong góc phòng bảo tàng có hình sáp của một nhọc trò kiên nhẫn chờ đợi với đôi giày quay mũi vào bên trong, chỉ khi nào đôi giày của anh ta quay mũi ra phía trước thì mới được công nhận là Mevlevi.
Chúng tôi rời lăng mộ Mevlana mà vẫn nhớ như in những khuôn mặt tươi tắn mãn nguyện của mọi người. Iknur nhoẻn miệng cười chia sẻ, mỗi lần có mặt ở Konya cô cảm thấy rất thoải mái. Cũng như những người yêu Mevlana khác, cô cảm nhận được những triết lý của ông, không phân biệt tôn giáo, giới tính, tuổi tác, quốc tịch, tất cả mọi người đều được chào đón khi đến với Mevlana.
“Hãy đến đây cho dù bạn là ai
Dù là người vô thần hay là con của mặt trời
Dù bạn từng sa ngã ngàn lần
Hãy đến đây cho dù bạn có là ai chăng nữa” – trích một đoạn thơ của Mevlana
Lâu đài bông ở Pamukkale
Tạm biệt Konya ấm áp, chúng tôi đi về phía Tây trên con đường đến Pamukkale. Bỏ lại những cánh đồng trải dài tít tắp và những ngọn đồi trập trùng, phía chân trời hiện ra ngọn núi trắng toát nổi bật trong ánh hoàng hôn. Pamukkale đã là đây.
Một đêm nghỉ chân, sáng hôm sau, chúng tôi tìm đường lên đỉnh núi màu trắng kia. Nhiều thế kỉ qua, mạch nước ngầm chảy ra từ lòng đất mang theo lượng canxi các-bô-nát lớn. Khi vừa lên khỏi bề mặt dòng nước nóng trở nên mát và làm lắng đọng lớp canxi tạo thành những “lâu đài bông” xinh đẹp. Mặt nước xanh phẳng lặng trong những hồ nước nhiều tầng ngỡ như cảnh thần tiên.
Đặt đôi chân lên nền đá mịn màng chúng tôi cùng những du khách trong trang phục áo tắm đi dọc theo những bể nước tự nhiên. Nhiều du khách đặc biệt là người Nga rất thích Pamukkale, họ thư thả tự tay đắp lên mình những lớp bùn giàu canxi như người La Mã đã từng làm cách đây hàng chục thế kỉ.
Nằm ngay trên “lâu đài bông” là thành phố cổ Hierapolis mang dáng dấp của một đô thị La Mã. Năm 190 trước công nguyên, hoàng đế Eumenes II vua xứ Pergamum ra lệnh xây dựng thành phố này trên đỉnh núi, dưới thời Roma sau đó là Byzantine, nhờ hiểu được tác dụng của suối khoáng, Hierapolis trở thành trung tâm chữa trị bệnh cho cư dân. Năm 1334, cơn động đất mạnh phá hủy hầu hết các công trình để rồi Hierapolis bị lãng quên từ đó.
Ngày nay người Thổ cũng thật khéo léo khi biến đống đổ nát thành một hồ bơi cổ ngay chân đồi. Cảm giác vùng vẫy dưới nền hồ bơi ngàn năm tuổi chắc chắn sẽ khác hẳn bởi chỉ cần lặn xuống làn nước ấm là có thể chạm tay vào những trụ đá cổ xưa.
Chúng tôi ngược dốc lên nhà hát Roma còn khá nguyên vẹn. Với sức chứa khoảng 12000 người và sân khấu hai tầng, hai vị vua Hadrian và Septimius Severus kỳ vọng biến nơi đây thành “nhà hát của những giấc mơ”. Hàng cột trên sân khấu vẫn đứng vững sau công cuộc trùng tu của các chuyên gia Italia những năm 1970. Khi chúng tôi đến, các công nhân đang lắp đặt hệ thống đèn và âm thanh chuẩn bị cho một show diễn. Iknur cho biết, đứng hát ở một sân khấu ngàn năm tuổi là khát khao của nhiều nghệ sỹ và cũng không dễ để có được chiếc vé dự khán.
Ephesus – Nơi biển cả và lịch sử gặp nhau
Hàng ngàn năm trước công nguyên, vùng đất này từng rất gần với biển và có đến 4 hải cảng lớn. Một thành phố rộng lớn và thịnh vượng đã xuất hiện, trở thành trung tâm giao thương cũng như nơi thờ phụng Cybele, vị thần cai quản đất đai vùng Anatolia (khu vực Châu Á của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ). Dưới ảnh hưởng của người Ionian, Cybele trở thành thần Artemis, nữ thần săn bắn và cũng là thần mặt trăng. Thời Roma, thành phố này là trung tâm của đế chế La Mã và thần Artemis trở thành thần Diana. Câu chuyện lịch sử về thành phố mang tên Ephesus kéo dài từ 6000 năm trước Công Nguyên khiến chúng tôi không khỏi mong chờ khi hướng về phía bờ biển Địa Trung Hải tươi đẹp.
Thêm một ngày nắng chói chang của hành trình nhưng những hàng cột đá cẩm thạch sừng sững nhanh chóng cuốn chúng tôi vào một thế giới mới. Trên lối đi Curetes trong thành phố cổ đại, có cảm giác gì đó bồi hồi khó tả khi bước chân qua hai hàng cột dài tít tắp với các loại cột Ionic và Doric kiểu Hy Lạp. Nhìn từ trên cao, dòng du khách lấp đầy con đường làm chúng tôi liên tưởng đến dân số 250.000 người sống dưới thời Roma. Đây đã từng là một siêu đô thị thời cổ đại.
Ephesus hiện tại là công trình do Lysimakhos, một vị tướng của Alexander Đại Đế xây dựng khoảng năm 300 trước Công Nguyên. Công trình thú vị nhất trong Ephesus với tôi có lẽ là nhà vệ sinh công cộng với hàng chục bệ ngồi như ghế đá công viên bằng đá cẩm thạch đặt san sát. Trình độ kiến trúc của người La Mã đã đạt đến sự phát triển cao khi họ thiết kế hệ thống nước chảy bên dưới và dòng không khí luôn xoay vòng để đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó là đền thờ Hadrian với hai mái vòm, mái ngoài cùng là mặt tượng Hadrian và bên trong là mặt tượng Medusa. Những ai yêu những bộ phim có nội dung về các vị thần Hy Lạp hẳn không thể quên nhân vật Medusa với mái tóc là những con rắn và những ai nhìn vào mắt nữ quỷ này sẽ bị biến thành đá. Chúng tôi như bị lạc vào thế giới của câu chuyện thần thoại Hy Lạp với những đền thờ mang tên các vị thần như Artemis, Dyonisos, anh hùng Heracles hay hoàng đế Domitian.
Công trình được tất cả mọi người thán phục cũng như dành nhiều thời gian thăm viếng nhất là thư viện Celsus. Celsus Polemaeanus là một vị đế vương cai trị phần lãnh thổ châu Á của đế chế La Mã đầu thế kỉ thứ 2. Con trai ông là Tiberius Julius Aquila đã cho xây dựng công trình để tưởng nhớ cha mình vào năm 114. Thư viện Celsus mang đến cho chúng tôi cảm giác choáng ngợp bởi sự đồ sộ và tinh xảo trong những nét kiến trúc. Những thức cột kiểu Corinth với đường nét mảnh mai, giàu trang trí với phần đầu cột nhiều chi tiết hoa lệ như một lẵng hoa. Bốn hốc tường phía trước thư viện đặt các bức tượng biểu tượng cho nhân cách của con người gồm Arete (dũng cảm), Ennoia (Trí tuệ), Episteme (Kiến thức) và Sophia (thông thái). Khi còn tồn tại như viện có đến 12.000 đầu sách và có thể hiểu người La Mã đã đề cao giáo dục ra sao khi họ xây hai lớp tường với khoảng cách 1m ở giữa nhằm tránh độ ẩm và nhiệt độ cao, bảo vệ cho kho tàng kiến thức.
Sự tồn tại và phát triển của Ephesus cũng gắn liền với sự hiện diện của những cư dân đặc biệt dưới thời Roma. Thánh John, Đức mẹ Maria và thánh Paul từng sống nơi đây (khoảng những năm 60 sau Công Nguyên). Ngôi nhà của Đức Mẹ Maria ngày nay nằm trên đỉnh núi Coressos không xa Ephesus và luôn đông kín xe buýt của các tín đồ Thiên Chúa giáo đến cầu nguyện.
Căn nhà của Đức Mẹ Maria được dựng lại trên nền cũ vào khoảng thế kỉ thứ 1 đến thế kỉ thứ 4 và sau đó được trùng tu nhiều lần, gần đây nhất là năm 1951. Chỉ vừa đủ chỗ cho khoảng 10 người cầu nguyện cùng lúc nên các tín đồ rất kiên nhẫn chờ đợi bên ngoài. Một nhóm hành hương đến từ Italia làm lễ bên ngoài ngân vang những bài thánh mang mang đến không khí thanh bình.
Chúng tôi viết vào mảnh giấy những ước nguyện của mình rồi treo lên bức tường phủ một màu trắng toát bên dưới nhà nguyện. Truyền thống này có từ người Thổ Nhĩ Kỳ, họ thường dùng dải dây vải treo những điều ước lên và rồi du khách từ khắp thế giới đã làm theo để gửi gắm những mong muốn của mình. Chia tay vùng đất thánh, tôi không quên thẩy một đồng Lira (đơn vị tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ) vào chiếc bể chứa nước trong khuôn viên khu nhà thờ với hy vọng sẽ có may mắn trở lại nơi đây.
Những ngày rong ruổi ở miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ trôi qua thật nhanh với hành trình qua nhiều vùng đất, gặp gỡ nhiều con người. Chúng tôi đã đến nơi Cơ Đốc giáo một thời hưng thịnh, lăng mộ của nhà hiền triết Hồi giáo Mevlana, đền thờ những vị thần Hy Lạp. Chúng tôi cũng đã khám phá không gian những căn phòng trong vách núi, những đền thờ Hồi giáo với tháp nhọn kiểu Seljuk hay những di chỉ tại các thành phố cổ đại kiểu Hy Lạp và La Mã. Bức tranh về Thổ Nhĩ Kỳ hiện ra thật hấp dẫn với sự pha trộn của nhiều yếu tố và chúng tôi đã gọi đất nước này là miền đất của sự giao thoa bởi sự phong phú và tồn tại hòa bình của những tôn giáo và nền văn hóa khác nhau...
Theo Tạp chí Du lịch & Giải trí